VKS: Bộ Công an tiếp tục làm rõ ai chiếm đoạt tiền của Oceanbank

Về việc chi lãi suất ngoài lên đến hàng tỷ đồng xảy ra tại Oceanbank, đại diện cơ quan công tố cho biết giai đoạn 2 cơ quan điều tra sẽ làm rõ ai chiếm đoạt, chiếm đoạt thế nào...

VKS đối đáp vụ Hà Văn Thắm: Không thể coi trái pháp luật là thỏa đáng Ông Đào Thinh Cường, đại diện VKSND Hà Nội cho rằng: "Không có Nhà nước nào chấp nhận tổ chức, cá nhân thực hiện rõ ràng trái pháp luật mà coi đó là thỏa đáng".

Hà Văn Thắm và 50 đồng phạm hầu tòa ngày chủ nhật Sáng 24/9, phiên xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm tiếp tục diễn ra với phần đối đáp của luật sư với VKS. Tuần này, HĐXX TAND Hà Nội làm việc cả ngày thứ bảy và chủ nhật.

Sáng nay (24/9) phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và 50 đồng phạm tiếp tục diễn ra phần VKS đối đáp với luật sư bào chữa, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Đây là lần thứ hai cơ quan giữ quyền công tố tại tòa đối đáp với các luật sư.

"Những luận cứ của luật sư không có cơ sở"

Lúc gần 9h, HĐXX mời VKSND Hà Nội đối đáp lại các ý kiến của luật sư bào chữa cho bị cáo nêu ra sau phần đối đáp lần một. Ông Đào Thịnh Cường cho biết đã lắng nghe nhiều ý kiến, trong đó có cả ý kiến trái chiều với những ngôn từ "quá khổ".

Theo ông Cường, đây là vụ án công khai, dân chủ theo đúng tinh thần cải cách tư pháp.

Đại diện VKSND Hà Nội cho rằng các vấn đề đối đáp đã rõ sẽ không trình bày lại. Cơ quan này chỉ tập trung một số vấn đề quan tâm, trong đó có tội Cố ý làm trái (Điều 165).

"Về thiệt hại vật chất hay không giữa cơ quan công tố, luật sư, bị cáo có quan điểm trái chiều. Đây là số tiền lấy từ tài khoản phục vụ ngân hàng, được chi, hoàn ứng không cụ thể, chi cho khách hàng cá nhân gửi tiền không có hóa đơn chứng từ, chi lãi ngoài không có khả năng thu hồi, trái quy định ngân hàng nhà nước (thông tư 02), nên VKS xác định thiệt hại", ông Cường nói.

Ông Đào Thịnh Cường là một trong hai vị đại diện VKSND Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa vụ Hà Văn Thắm. Ảnh: Việt Hùng.

Ông Đào Thịnh Cường là một trong hai vị đại diện VKSND Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa vụ Hà Văn Thắm. Ảnh: Việt Hùng.

Ông Cường nói, quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định hành vi phạm tội của bị cáo trên nhiều nguồn chứng cứ, theo quy định pháp luật và tư duy logic. Quyết định giám định của Ngân hàng Nhà nước chỉ là 1 trong số những nguồn chứng cứ.

Theo vị đại diện giữ quyền công tố tại tòa, Oceanbank là tổ chức tín dụng cần phải tuân thủ luật tổ chức tín dụng và cá quy định khác của Ngân hàng Nhà nước, không phụ thuộc vào có hay không có cảnh báo sai phạm. Trước yêu cầu của thông tư 02, Oceanbank và chủ tịch ngân hàng này phải thay đổi quy mô kinh doanh để tồn tại, đáp ứng được yêu cầu đó.

Tuy nhiên với động cơ mang tính cá nhân, nhóm lợi ích, Hà Văn Thắm đã lợi dụng hành vi trái pháp luật để chỉ đạo cả hệ thống chi lãi suất ngoài lên đến hàng nghìn tỷ đồng, trong đó có cả tiền của Nhà nước. Ở giai đoạn 2, cơ quan điều tra sẽ làm rõ ai chiếm đoạt, chiếm đoạt thế nào…

Trong phần đối đáp lần 2, đại diện VKS chỉ ra quan điểm của các luật sư cho rằng đó là biện pháp chính đáng để loại trừ trách nhiệm hình sự. "Tôi cho rằng những luận cứ này không có cơ sở. Không có Nhà nước nào chấp nhận tổ chức, cá nhân rõ ràng trái pháp luật mà coi đó là thỏa đáng, trừ những trường hợp khác được quy định của pháp luật", ông Cường nhấn mạnh.

Nói về Điều 165, các luật sư cho rằng Bộ luật hình sự 2015 không còn tội danh này, cơ quan công tố chỉ ra thời điểm đó đang trong quá trình điều tra, truy tố nên vẫn phải áp dụng điều luật năm 1999 để xử lý. Tuy nhiên, khi nhìn nhận ý kiến của luật sư, ông Cường cho biết đã đề đưa ra những đề nghị với nhiều mức án dưới khung liền kề.

"Số tiền Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt đã được xác định"

Về hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, ông Đào Thịnh Cường nói toàn bộ số tiền chiếm đoạt, Sơn sử dụng vào mục đích cá nhân và một phần chia cho mối quan hệ thân thiết. Tại phiên tòa, HĐXX cũng làm rõ một phần số tiền chiếm đoạt Sơn chia cho Ninh Văn Quỳnh (cựu kế toán trưởng PVN). Bản thân Quỳnh khai đã sử dụng tiền này để mua nhà, ôtô và cho con ăn học.

Viện kiểm sát: 'Số tiền bị cáo Sơn đã được xác định' Đại diện VKSND Hà Nội cho rằng quá trình điều tra mở rộng sau này xác định những ai nhận sẽ là đồng phạm của Sơn, không ảnh hưởng đến việc định tội.

Trước ý kiến của luật sư cho rằng cần phải tách, trả hồ sơ để nhập vào một số vụ án hình sự khác có liên quan nếu không sẽ ảnh hưởng đến bị cáo, đại diện VKS cho rằng số tiền Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng giám đốc Oceanbank) chiếm đoạt đã được xác định. Bản thân bị cáo không có căn cứ chi tiền cho những ai, do đó, về trách nhiệm hình sự bị cáo phải chịu toàn bộ.

"Nếu quá trình điều tra mở rộng sau này xác định những ai nhận sẽ là đồng phạm của Sơn, không ảnh hưởng đến việc định tội", quan điểm của VKSND Hà Nội.

Đề cập đến căn cứ pháp lý, chứng cứ vật chất để có đánh giá khách quan, rõ ràng hơn về hành vi của Hứa Thị Phấn, Phạm Công Danh và Trần Văn Bình, ông Đào Thịnh Cường cho rằng dòng tiền này đi đến địa chỉ cuối cùng là có cơ sở, người chiếm được có trách nhiệm hoàn lại. Quan điểm này sẽ được HĐXX cân nhắc.

Trước khi dừng phần đối đáp dài gần nửa giờ, đại diện cơ quan công tố tại phiên tòa nói các vấn đề khác VKS đã nêu rõ, không tranh luận lại. "Tôi đề nghị HĐXX cân nhắc, xem xét những tình tiết giảm nhẹ, hướng xử lý hình sự, trách nhiệm dân sự dể có một bản án phù hợp công tâm, khách quan, thuyết phục" ông Cường nói.

Bị cáo Nguyễn Minh Thu đến hầu tòa ngày 24/9. Ảnh: Việt Hùng.

Luật sư của bị cáo bị đề nghị tử hình tiếp tục lên tiếng

Ngay sau phần đối đáp của VKS, luật sư Hoàng Huy Được, người bào chữa cho nhóm 10 bị cáo nguyên là giám đốc khối, chi nhánh, phòng giao dịch đứng ra tranh luận.

Liên quan đến tội Cố ý làm trái, luật sư Được cho biết đã phân tích "chìa khóa" để xác định thiệt hại hay không thiệt hại. “Tôi đã chỉ ra 6 cái vi phạm, thì không thể xem vi phạm đó đó làm căn cứ để xác định”, luật sư Được nói. Ngay sau đó ông nêu ra các căn cứ khẳng kết luận giám định không có giá trị pháp lý. Bởi theo luật sư, kết luận giám định tư pháp phải nêu rõ thời gian, địa điểm hoàn thành việc giám định.

Trước khi dừng lời cho các luật sư đồng nghiệp tranh luận lại với VKS, luật sư Được khẳng định thời điểm diễn ra vụ án có tình trạng huy động lãi suất vượt trần. Có tình trạng vượt trần thì NHNN mới ra thông tư 02 để chấn chỉnh. “VKS không thể nói chúng tôi đưa ra không có căn cứ, ngụy biện”, luật sư Được nói.

Sau luật sư Được, luật sư Phạm Danh Tín, người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng giám đốc Oceanbank) tiếp tục khẳng định thân chủ của mình không tham ô số tiền 49 tỷ đồng như cáo buộc. Căn cứ họ đưa ra là 49 tỷ này nằm trong số tiền hơn 246 tỷ. “Tiền đó của ai, ở đâu? Đó là tiền của Oceanbank, được Hà Văn Thắm dùng để chi lãi ngoài. Sơn giữ vai trò gì để chiếm đoạt số tiền này khi số tiền này xuất đi Sơn không còn ở Oceanbank mà đã về PVN”, luật sư Tín nói.

Tiếp lời, vị này cho rằng quy kết Hà Văn Thắm và Sơn đồng phạm tham ô số tiền 49 tỷ là vô lý. “Nếu cho rằng Sơn chiếm đoạt số tiền này thì cũng không phạm tội tham ô vì không đủ cơ sở pháp lý về tội tham ô. Thực tế Sơn không chiếm đoạt”, luật sư Tín nói.

Bổ sung thêm ý kiến đồng nghiệp, luật sư Nguyễn Minh Tâm (luật sư thứ 2 bào chữa cho bị cáo Sơn) cho biết họ chứng minh được số tiền đó không thuộc sở hữu của PVN. “Việc VKS không đối đáp lại, đẩy sang HĐXX, chúng tôi cho rằng có thể VKS đồng ý với ý kiến đó của chúng tôi. Có thể số phận pháp lý của Sơn là không phạm tội chăng”, luật sư Tâm nói trước khi dừng lời.

Tiếp nối các luật sư, ông Đào Hữu Đăng, người bào chữa cho bị cáo Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank) cũng đưa ra căn cứ, tranh luận lại với VKS. Bổ sung phần tranh luận lại VKS, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (đồng bảo vệ cho bị cáo Thắm) mong HĐXX áp dụng thẩm quyền của mình để yêu cầu VKS tranh luận với họ về những điểm cơ bản thể hiện bản chất sự thật khách quan của vụ án.

“Trước đây tôi đã đặt ra 9 vấn đề, nay tôi chỉ đặt ra 4 vấn đề trọng tâm: căn cứ nào xác định số tiền hơn 1.500 tỷ là thiệt hại; Căn cứ nào chứng minh hành vi chiếm đoạt của Sơn; Căn cứ nào xác định 49 tỷ là sở hữu của PVN…”, luật sư Thiệp nói. Sau đó, vị này cho rằng khi xem xét, đánh giá sự việc thì phải xem xét cả quy trình huy động vốn lẫn cho vay, không thể xem xét một nửa quy trình. “Một nửa sự thật không bao giơ là sự thật”, ông Thiệp nhấn mạnh.

Đồ họa: Hiền Đức.

Ông Ninh Văn Quỳnh là ai, vì sao vướng lao lý? Trước khi bị khởi tố về 2 tội danh cố ý làm trái và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, ông Ninh Văn Quỳnh đang là Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Nhóm phóng viên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vks-bo-cong-an-tiep-tuc-lam-ro-ai-chiem-doat-tien-cua-oceanbank-post781930.html