VN đẩy mạnh cải cách củng cố nhà nước pháp quyền

TP - Hôm qua, Đại hội đồng lần thứ X Hiệp hội luật ASEAN (ALA) khai mạc tại Hà Nội, với chủ đề “Hiến chương ASEAN - Đưa ASEAN lên những tầm cao mới”.

Tham dự có Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, ông Surin Pitsuwan - Tổng thư ký ASEAN, ông Atthaniti Disatha Amnarj - Chủ tịch ALA, cùng đại diện nhiều cơ quan ban ngành Việt Nam và gần 300 đại biểu các nước ASEAN. Các đại biểu tham dự Đại hội thể hiện tình đoàn kết - Ảnh: M.T Phát biểu khai mạc, ông Phạm Quốc Anh - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nhấn mạnh đây là Đại hội ALA đầu tiên sau sự kiện thành lập Cộng đồng ASEAN, từ Đại hội này, Việt Nam sẽ bắt đầu cương vị chủ tịch ALA. Sự kiện này đánh dấu sự tham gia đầy đủ của Hội Luật gia Việt Nam trong tổ chức rộng rãi của giới luật gia đang công tác, hành nghề ở các nước ASEAN. Trong các ngày 15 - 17/10, Đại hội sẽ tập trung thảo luận sáu chủ đề: Tác động của Hiến chương ASEAN tới hệ thống giáo dục pháp luật các nước ASEAN; Giải quyết những vấn đề pháp luật hiện nay theo Hiến chương ASEAN; Những phát triển mới (giai đoạn 2004 - 2009) trong hệ thống pháp luật các nước thành viên ALA; Đánh giá pháp luật đầu tư trong nội bộ các nước ASEAN; Thực trạng cải cách tư pháp trong các nước ASEAN - những bài học và kinh nghiệm; Cải thiện việc thi hành quyết định của Trọng tài thương mại quốc tế ở các nước ASEAN. Chủ tịch ALA, ông Atthaniti Disatha Amnarj nhấn mạnh, ALA mong muốn hợp tác, giải quyết những thử thách mà Hiến chương ASEAN đặt ra. Đại hội lần này là cơ hội cho các thành viên trong ALA đóng góp sức mình vào mối quan hệ của các quốc gia trong hiến chương ASEAN. Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định, từ khi Hiến chương ASEAN ra đời (11/2007), đây là lần đầu tiên ALA bàn thảo về những vấn đề pháp luật mà Hiến chương lịch sử này đặt ra. Chủ tịch nước nhấn mạnh, nhiều năm qua, trong quá trình thực hiện chính sách đổi mới, hệ thống pháp luật, hệ thống tư pháp của Việt Nam đã có những đổi mới căn bản. Cải cách lập pháp, cải cách hành pháp và cải cách tư pháp mà Việt Nam đang tiến hành tiếp tục khẳng định và phát triển những giá trị lịch sử chân chính của chế độ pháp quyền, đó là: bảo đảm tôn trọng nhân quyền, bảo đảm vai trò làm chủ của nhân dân trong việc hoạch định chính sách và pháp luật, trong việc kiểm tra và giám sát bộ máy nhà nước; tăng cường dân chủ, công khai, minh bạch trong các cơ quan công quyền; bảo đảm sự phân công, phối hợp trong hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; bảo đảm và tôn trọng sự độc lập của hoạt động xét xử, triệt để thực hiện các nguyên tắc tố tụng quan trọng như nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc về sự tham gia của hội thẩm nhân dân trong quá trình xét xử, nguyên tắc suy đoán vô tội... Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đánh giá, những thành tựu trong cải cách của Việt Nam chỉ mới là bước đầu trên con đường dài của sự hoàn thiện chế độ pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong tầm nhìn trung tâm của Việt Nam, vẫn là những đòi hỏi bức xúc về sự củng cố và phát triển nền dân chủ chân chính của nhân dân, xây dựng một bộ máy nhà nước trong sạch, có hiệu lực và hiệu quả, có trách nhiệm trước nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân...

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/tianyon/index.aspx?articleid=174671&channelid=2