VND mất giá: Xuất khẩu không hưởng lợi nhiều, lạm phát dễ tăng cao

Theo các chuyên gia từ VEPR và Think Future, việc VND mất giá sẽ không giúp các doanh nghiệp hưởng lợi quá nhiều. Trong khi đó, đồng nội tệ yếu đi có nguy cơ thôi bùng lạm phát, gây rủi ro cho sự ổn định vĩ mô.

Báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Think Future phối hợp thực hiện đã có những đánh giá về tác động của VND mất giá đến doanh nghiệp xuất khẩu.

Doanh nghiệp xuất khẩu chưa chắc hưởng lợi

Về lý thuyết, việc VND mất giá sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu vì giá bán bằng USD sẽ giảm. Báo cáo nên lên ví dụ rằng 1 kg tôm tại Việt Nam có giá 500.000 VND/kg, quy ra USD theo tỷ giá 24.500 VND/USD thì có giá 20,4 USD/kg. Khi VND mất giá 4%, tức tăng lên 25.500 VND/USD thì 1 kg tôm đó sẽ có giá là 18,5 USD/kg.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu do Trường Đại học Kinh tế Luật TP HCM thực hiện, tỷ giá mặc dù có ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản nhưng xét về mức độ tác động chỉ đứng thứ ba.

Trích dẫn nghiên cứu trên, các chuyên gia cho biết yếu tố lớn nhất tác động tới xuất khẩu thủy sản là sản lượng, tức năng lực đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản của Việt Nam.

Thứ hai là nhu cầu tiêu thụ tại thị trường xuất khẩu như thị trường Mỹ và Nhật bản. Một minh chứng là xuất khẩu tôm sang Mỹ năm 2023 đã giảm 12% dù VND trong năm 2022 và 2023 đều mất giá nhanh hơn hẳn các năm trước đó.

Theo các chuyên gia, giải pháp phá giá VND với mục đích hỗ trợ xuất khẩu sẽ ít mang lại tác dụng khi sản lượng sản xuất trong nước không theo kịp hoặc nhu cầu tại thị trường xuất khẩu đi xuống. Ngoài ra, còn có những rào cản như các vụ kiện bán phá giá ở Mỹ hay như thẻ vàng EU.

Một số nghiên cứu khác chỉ ra yếu tố quan trọng nhất để tạo lợi thế cạnh tranh cho nông sản Việt Nam là chi phí sản xuất. Ví dụ, với loại tôm có trọng lượng 50 con/kg thì giá thành sản xuất của Việt Nam là khoảng 4 USD. Trong khi đó tôm của Ấn Độ và Ecuador - hai đối thủ chính của Việt Nam - chỉ là 3 và 2,5 USD. Với sự khác biệt này, việc VND giảm giá 3% đến 6% sẽ không có nhiều tác dụng.

Đồng nội tệ mất giá không làm xuất khẩu tăng trưởng. (Ảnh: Think Future).

Đồng nội tệ mất giá không làm xuất khẩu tăng trưởng. (Ảnh: Think Future).

VND mất giá là vấn đề lớn với vĩ mô

Các chuyên gia đã lấy ví dụ về Brazil để minh họa cho hậu quả của động thái cố gắng giảm giá đồng nội tệ để tạo lợi thế xuất khẩu.

Trong 10 năm gần đây, đồng nội tệ của Brazil đã giảm giá hơn 100%. Mặc dù tạo được lợi thế cạnh tranh cho ngô và dầu đậu nành của Brazil so với các sản phẩm tương tự của Mỹ nhưng đổi lại, Brazil đã liên tiếp rơi vào khủng hoảng với lạm phát cao và nhiều năm kinh tế suy thoái.

Giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng sẽ làm tăng giá thành sản xuất. Về lý thuyết nhà sản xuất sẽ tìm cách để đẩy phần chi phí tăng thêm này vào giá bán cho người tiêu dùng và làm tăng lạm phát, báo có cho biết.

Ảnh hưởng của tỷ giá tới lạm phát chủ yếu mang tính gián tiếp do hầu hết các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất của Việt Nam đều phải nhập khẩu. Năm 2023 Việt nam nhập 25 tỷ USD dầu thô và nhiên liệu (xăng, than, khí đốt), 16 tỷ USD nguyên liệu hóa chất và chất dẻo, 8 tỷ USD nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Do phải mua bằng USD nên khi giá USD tăng giá về tới Việt Nam quy đổi ra VND cũng tăng.

Báo cáo trích dẫn các nghiên cứu thực tế chỉ ra rằng cứ 1% mất giá VND thì lạm phát sẽ tăng 0,34%. Như vậy, theo nghiên cứu này thì với mức mất giá 4,5% kể từ đầu năm 2024, lạm phát sẽ tăng thêm 1,5%. Ngoài ra, nghiên cứu chưa tính đến việc tăng giá tự nhiên như giá xăng trong nước tăng theo giá dầu thế giới.

(Nguồn: Think Future).

(Nguồn: Think Future).

Một điểm tương đối thuận lợi cho kiểm soát lạm phát của Việt Nam hiện nay là giá nhiều hàng hóa nhập khẩu như than và ngũ cốc đang có xu hướng giảm. Ngoài ra điều hành giá cả ở Việt Nam cũng có những điểm đặc thù.

Thứ nhất, Việt Nam là nước xuất khẩu ròng lương thực nên Nhà nước có thể bình ổn giá lương thực trong nước trong trường hợp cần thiết.

Thứ hai, là Nhà nước có thể kiểm soát việc tăng giá các mặt hàng như điện, học phí và dịch vụ y tế. Trong những năm có nguy cơ lạm phát cao, các mặt hàng này sẽ không được tăng giá. Những năm lạm phát thấp, ví dụ như 2023, nhóm này sẽ được tăng “bù”. Dẫu vậy, những mặt hàng nhà nước kiểm soát có tỷ trọng không lớn trong rổ CPI.

Lạm phát những tháng đầu năm đang có xu hướng nhích lên. Tháng 3 tăng 3.97%, tháng 4 CPI đã tăng lên 4,4%. Vì vậy thận trọng với tỷ giá là không thừa để kiểm soát lạm phát trong năm 2024, các chuyên gia lập luận.

Từ những phân tích trên, các chuyên gia từ VEPR và Think Future cho rằng việc mất giá VND có tác động không lớn đến xuất khẩu, trong khi lại có rủi ro làm tăng lạm phát. Vì vậy, kiểm soát mức độ mất giá VND trong năm 2024 vẫn cần ưu tiên để ổn định vĩ mô.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/vnd-mat-gia-xuat-khau-khong-huong-loi-nhieu-lam-phat-de-tang-cao.html