VNPT đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử

Ưu tiên phát triển công nghệ thông (CNTT) là chủ trương của Đảng, Nhà nước thể hiện rõ qua nhiều nghị định, chính sách được ban hành trong thời gian qua. Đặc biệt là Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 36A của Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương đã bắt tay vào xây dựng đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử các cấp. Những nỗ lực đó đã bước đầu đạt được một số kết quả như: Việt Nam tăng 10 bậc so với năm 2014, đứng thứ 89/193 quốc gia trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp quốc công bố năm 2016. Tính tới hết quý 1-2017, cả nước có 2, Việt Nam đã có 26/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, 63/63 tỉnh, thành phố hoàn thành kết nối liên thông văn bản tới Văn phòng Chính phủ, hình thành một hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất từ trung ương tới địa phương. 100% các tỉnh thành phố đã công khai tiến độ xử lý hồ sơ trên cổng thông tin điện tử chính phủ.

Trong thời gian gần đây, thế giới bắt đầu nhắc nhiều tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) với những tác động mạnh mẽ, sâu sắc chưa từng có tới nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội. CMCN 4.0 được nhận định sẽ đem tới nhiều cơ hội, song cũng đi kèm nhiều thách thức với Việt Nam. Lãnh đạo Đảng, Chính phủ cũng đã xác định rõ để nắm bắt được những cơ hội đó, một trong những việc Việt Nam cần làm chính là tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng Chính phủ điện tử, thực sự hình thành nên một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt vì quyền lợi của người dân.

Là một trong những doanh nghiệp về lĩnh vực viễn thông – công nghệ thông tin (VT-CNTT) trụ cột của đất nước, VNPT đã và đang chuẩn bị một hạ tầng truyền dẫn mạnh cùng với những giải pháp đi kèm để cùng chung tay đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình và Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT Trần Mạnh Hùng khai trương Hệ thống Hội nghị truyền hình kết nối tới các TAND cấp huyện.

Tập đoàn VNPT hiện là doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng lưới mạnh nhất Việt Nam. Riêng trong năm 2016, VNPT đã xây dựng và đưa vào phát sóng gần 11.000 trạm 3G mới, nâng tổng số trạm 2G/3G trên toàn quốc của VNPT lên con số trên 54.000 trạm. Mạng cáp quang của VNPT đã phủ sóng tới khoảng 96% số xã trên toàn quốc. VNPT cũng là doanh nghiệp viễn thông duy nhất tại Việt Nam sở hữu mạng truyền dẫn vệ tinh với hai vệ tinh Vinasat-1 và Vinasat-2. Hệ thống trung tâm dữ liệu hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn của thế giới, dung lượng lớn tại cả ba miền, sẵn sàng đáp ứng tất cả các yêu cầu về năng lực và tính bảo mật của cơ quan nhà nước, Chính phủ.

Ngoài hạ tầng vững chắc, VNPT cũng đã phát triển các giải pháp CNTT, từng bước hình thành nên một hệ sinh thái Chính phủ điện tử hoàn chỉnh. Các giải pháp này đang được sử dụng rộng rãi ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước. Ví dụ: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành (VNPT-iOffice) đã được triển khai ở khoảng 2.000 đơn vị. Hệ thống một cửa điện tử liên thông (VNPT-iGate) đã triển khai ở khoảng 500 đơn vị. Cổng thông tin điện tử (VNPT portal) triển khai ở 1.800 đơn vị. Phần mềm quản lý bệnh viện (VNPT-HIS) được triển khai ở 7.000 cơ sở y tế trên cả nước. Hệ thống quản lý trường học (VnEdu) được triển khai ở 9.100 trường với 3,8 triệu học sinh và khoảng 2,4 triệu tài khoản sổ liên lạc điện tử…Từ đầu năm tới nay, nhiều địa phương đã chính thức khai trương và đưa vào hoạt động cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống Hội nghị truyền hình liên thông các cấp… do VNPT triển khai sau một thời gian dùng thử hiệu quả.

Cụ thể, sau hai năm triển khai và vận hành hệ thống, khẳng định được chất lượng dịch vụ cung cấp, VNPT được Tòa án Nhân dân Tối cao lựa chọn để triển khai hệ thống Hội nghị truyền hình tới hơn 710 Tòa án Nhân dân cấp huyện trên cả nước. Ngày 14-1 vừa qua, hệ thống này đã chính thức khai trương đi vào hoạt động.

Ngoài ra, VNPT cũng được UBND tỉnh Hà Giang tin tưởng lựa chọn là đơn vị triển khai hệ thống Hội nghị truyền hình kết nối từ huyện tới gần 200 xã trên địa bàn tỉnh. Chỉ trong vòng 3 tuần, VNPT đã hoàn thành việc lắp đặt và đưa vào sử dụng 110 điểm cầu tại các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ, Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Hoàng Su Phì… Sau khi khai trương, một số huyện đã đưa hệ thống vào sử dụng và khai thác có hiệu quả ngay như: Quản Bạ tổ chức họp trực tuyến đến xã để phổ biến nghị quyết; Đồng Văn mở lớp tập huấn trực tuyến phần mềm Quản lý Văn bản Điều hành VNPT - iOffice; Vị Xuyên tổ chức họp trực tuyến quán triệt công tác chỉ đạo điều hành trong tháng…

Không dừng lại ở đó, VNPT vẫn luôn theo sát những quốc gia thành công điển hình trên thế giới trong việc xây dựng Chính phủ điện tử và cập nhật những giải pháp công nghệ mới để bổ sung, nâng cấp cho các giải pháp của mình, góp phần giúp các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử, nắm bắt những cơ hội mà cuộc cách mạng 4.0 đem lại.

Bài, ảnh: PHONG VÂN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/vnpt-day-nhanh-tien-do-xay-dung-chinh-phu-dien-tu-507867