VNPT ghi dấu trên con đường làm chủ công nghệ sản xuất thiết bị

Tự chủ hoàn toàn thiết bị đầu cuối cho khách hàng trên mạng lưới, chủ động đảm bảo an ninh, an toàn thông tin và tiến những bước tiến vững chắc ra thị trường nước ngoài là những kết quả bước đầu cho nỗ lực làm chủ công nghệ của VNPT trong suốt thời gian qua.

Làm chủ để nâng cao chất lượng cho khách hàng

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng internet di động ngày càng tăng của người dùng, để bổ trợ cho mạng 3G, VNPT đã bổ sung các phương thức kết nối khác tới người dùng như cung cấp các bộ phát sóng wifi cho thuê bao internet băng rộng cố định, phủ sóng wifi miễn phí tại nhiều khu vực trên cả nước. Không dừng lại ở đó, để ngày càng nâng cao tốc độ và chất lượng kết nối cung cấp tới khách hàng, bên cạnh việc củng cố, tăng cường hạ tầng mạng lưới, VNPT còn chủ động nghiên cứu các thiết bị mới, giải pháp kỹ thuật mới. Dự án “Nghiên cứu phát triển và sản xuất thiết bị truy nhập wifi (Access Point) dùng cho mạng VNPT wifi dựa trên nền điện toán đám mây” là một trong số đó. Dự án do Công ty VNPT Technology - đơn vị chủ lực trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ viễn thông của VNPT thực hiện.

Đây là dự án nằm trong chương trình “Nghiên cứu, đào tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao” thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020, là một trong sáu Chương trình KH&CN quốc gia đang được Bộ KH &CN triển khai. Sau ba năm triển khai thực hiện, đến nay Dự án đã hoàn thành, sản xuất thành công thiết bị truy cập wifi Access Point và xây dựng được giải pháp quản lý vận hành mạng VNPT wifi tổng thể dựa trên nền điện toán đám mây.

Thiết bị Wifi Access Point hiện đã được sản xuất tại Nhà máy điện tử số 1 của VNPT Technology trên dây chuyền hiện đại, với quy trình sản xuất chặt chẽ với tỷ lệ sản xuất thành công của sản phẩm đạt trên 95%.

Với thiết bị truy nhập mới này, tốc độ và độ ổn định của kết nối wifi được cải thiện đáng kể. Không chỉ vậy, việc quản lý vận hành mạng wifi trên nền tảng điện toán đám mây giúp dễ dàng quan sát, quản lý được số lượng thiết bị phát sóng, số lượng người dùng đang truy cập, tình trạng mạng, tình trạng tín hiệu tại các khu vực, từ đó dễ dàng xác định nguyên nhân và đưa ra phương án sửa chữa khi có sự cố…. Tính bảo mật của hệ thống cũng được gia tăng đáng kể nhờ hỗ trợ bảo mật hai lớp (qua tài khoản truy nhập và tại trung tâm quản lý), tránh sự đột nhập từ xa và kiểm soát được những phiên truy cập giả nhằm lừa đảo người sử dụng.

Cả thiết bị và giải pháp không chỉ đang được VNPT sử dụng để triển khai hệ thống mạng wifi tại các khu vực đông dân cư, chung cư, nhà cao tầng, cung cấp cho các khách hàng cá nhân… mà còn đang được nhiều doanh nghiệp, tổ chức tin tưởng sử dụng để phủ sóng internet di động tại nơi làm việc.

Làm chủ để phát triển bền vững

Xác định rõ muốn phát triển bền vững thì cần phải làm chủ được công nghệ, ngay từ đề xuất về mô hình tổ chức sau tái cấu trúc của VNPT đã có “bóng dáng” của một đơn vị chuyên về mảng công nghệ, công nghiệp viễn thông. Theo quyết định 888 của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề tái cấu trúc VNPT, VNPT sẽ thực hiện tổ chức lại công ty Focal và công ty VNPT-Technology thành công ty con để thực hiện chức năng nghiên cứu, chế tạo, sản xuất kinh doanh các sản phẩm, thiết bị bưu chính viễn thông và CNTT.

VNPT-Technology hiện đang là đơn vị chủ lực của VNPT trong mảng này và đang từng bước triển khai việc tự thiết kế, tổ chức, sản xuất các thiết bị đầu cuối khách hàng như modem ADSL, modem quang, modem wifi, set top box MyTV, smartphone,… Sau hai năm được tập đoàn đầu tư mạnh, các thiết bị do VNPT-Technology hiện đáp ứng 100% nhu cầu của VNPT, giúp VNPT hoàn toàn tự chủ trong kế hoạch sản xuất kinh doanh cũng như các vấn đề về an ninh, bảo mật cho khách hàng.

Không chỉ sản xuất các thiết bị đầu cuối phục vụ nhu cầu nội bộ, VNPT còn tự sản xuất được một số thiết bị viễn thông khác, tạo dựng được chỗ đứng nhất định trên thị trường. Điển hình là sản phẩm đầu thu số mặt đất DVB-T2. VNPT đã trúng 3 trong số 5 gói thầu cung cấp đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 cho các hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ đầu thu khi thực hiện số hóa truyền hình. Hơn 300.000 đầu thu đã được đưa tới các hộ nghèo tại những tỉnh đã ngắt sóng analog.

Với nhu cầu không ngừng gia tăng của thị trường, nhà máy tại trụ sở Hoàng Quốc Việt nhanh chóng quá tải dù đã hoạt động hết công suất. Nhà máy thứ hai tại khu công nghiệp Láng Hòa Lạc đã nhanh chóng được đầu tư và đưa vào sử dụng. Tổng công suất của cả hai nhà máy hiện vào khoảng 1 triệu sản phẩm/tháng. Trong số này, chỉ có khoảng 30% là phục vụ cho nhu cầu của VNPT và thị trường nội địa. Phần còn lại sẽ phục vụ nhu cầu của các đối tác nước ngoài.

Sản phẩm công nghệ do VNPT-Technology sản xuất tại triển lãm Communicast 2016 diễn ra tại Myanmar hồi đầu tháng 12 vừa qua.

Muốn làm chủ công nghệ, ngoài đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại thì mấu chốt là phải có một đội ngũ nhân lực R&D mạnh. Để làm được điều đó, bên cạnh tiếp tục đào tạo cho đội ngũ R&D nòng cốt trước đó, trong thời gian qua VNPT-Technology đã có khá nhiều chương trình hợp tác với các trường đại học lớn trên cả nước để chiêu mộ hàng trăm kỹ sư trong các mảng phần mềm nhúng, phần cứng, lập trình, tích hợp hệ thống…

Với những nỗ lực trong thời gian qua, mảng công nghệ công nghiệp viễn thông đã tạo dựng được vị trí nhất định trong làng viễn thông Việt Nam và đang là một trong những mảng có khả năng phát triển mạnh ở nước ngoài. Đại diện VNPT Technology cho biết khá nhiều đối tác nước ngoài quan tâm tới các sản phẩm của công ty và hiện đã có một số đơn đặt hàng.

Hoàng Vũ

Nguồn XHTT: http://xahoithongtin.com.vn/vien-thong-cntt/201612/vnpt-va-nhung-no-luc-tren-con-duong-lam-chu-cong-nghe-550771/