Vợ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng để chăm chồng ốm?

Hiện tại chồng em bị tai nạn, em đã xin nghỉ nhưng công ty không cho. Vậy em có được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động để chăm sóc chồng?

Hỏi: Em đang làm việc cho một công ty liên doanh theo hợp đồng không xác định thời hạn. Vừa qua, chồng em không may bị tai nạn, không có người chăm sóc, em đã xin nghỉ việc nhưng công ty không đồng ý. Xin Báo PNVN cho biết, em có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không? Nếu em nghỉ thì có được hưởng trợ cấp thôi việc không?

Hoàng Thị Mỹ (Đồng Nai)

Ảnh minh họa

Trả lời: Theo quy định tại khoản 2, Điều 11, Nghị định số 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động, thì: Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) tại Điểm d Khoản 1 Điều 37 của Bộ luật Lao động trong các trường hợp sau đây:

a) Phải nghỉ việc để chăm sóc vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng, con đẻ, con nuôi bị ốm đau, tai nạn;…

b) Gia đình gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh hoặc chuyển chỗ ở mà người lao động đã tìm mọi biện pháp nhưng không thể tiếp tục thực hiện HĐLĐ.

Về trợ cấp thôi việc, Điều 14 Nghị định này quy định:

1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật Lao động cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên khi HĐLĐ chấm dứt theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 Điều 36… của Bộ luật Lao động…

3. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. Trong đó:

a) Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: Thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian thử việc, học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động;

b) Thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ hằng tuần theo Điều 110, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo các Điều 111, Điều 112, Điều 115 và Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật Lao động…;

Như vậy, căn cứ vào các quy định trên, chị hoàn toàn có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Khi chị thực hiện đơn phương chấm dứt HĐLĐ đúng pháp luật chị sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc.

Luật gia Nguyễn Tuấn

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/luat-doi/vo-co-quyen-don-phuong-cham-dut-hop-dong-de-cham-chong-om-post31639.html