Vở kịch hát 'Chuyện của dòng sông đỏ' - Cuộc chơi mới của họa sĩ Hoàng Hà Tùng

“Chuyện của dòng sông đỏ” có những nét mới so với các vở kịch hát khác đang được khẩn trương dàn tập để cuối tháng 7 ra mắt khán giả thủ đô. Tổng đạo diễn - họa sĩ Hoàng Hà Tùng chia sẻ với phóng viên Lao Động…

Tổng đạo diễn Hoàng Hà Tùng. ảnh: VV

- Gọi “Chuyện của dòng sông đỏ” là operetta tức là kịch hát thì hơi to, thực ra nó là một chương trình ca nhạc có chủ đề làm theo format mới. Các chương trình khác thường lấy tên một chủ đề rồi lấy các bài hát cũ kết nối với nhau thành một chương trình, kể cả các liveshow. Còn “Chuyện của dòng sông đỏ” là 1 chương trình hoàn toàn mới với những bài hát mới, điệu múa mới được kể theo một kết cấu mới.

Dòng sông quê mẹ ở đây có nắng mưa, bão giông, có tình người. Câu chuyện đơn giản là trời đang trong xanh thì cơn bão đến và con người sống trên sông ứng xử với cơn bão như thế nào...

Vở kịch hát này có những “món mới” nào và do ai sáng tạo, thưa anh?

- “Chuyện của dòng sông đỏ” dài khoảng 145 phút, với kết cấu khoảng 10 bài hát, 3 điệu múa. Múa “Diên Hồng”, “Trăng trong vườn chuối”, “Vó ngựa đường xa”. Còn 10 bài hát thì hiện đã xong 5 bài là “Mắt tằm”, “Con lắc” của nhạc sĩ Trọng Đài, “Dòng sông sắc đỏ”, “Bến có còn sông” của nhạc sĩ Nguyễn Cường, “Tình xưa” của Lưu Hà An, “Con sông tình yêu” của Giáng Son và các bài hát của Lê Minh Sơn, Minh Đạo... đang trong quá trình hoàn thiện. Một số bài xong thì đang phối khí để chuẩn bị dàn dựng với dàn nhạc.

Các diễn viên có ca sĩ Tùng Dương (vai Hoàng tử út), Tấn Minh (vua), Thanh Thanh Hiền, Khánh Linh, Lô Thủy cùng thay nhau đóng vai hoàng hậu, Hoàng Bách (đóng vai hoàng tử)... Các diễn viên là ca sĩ biên chế thuộc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, trừ hai khách mời là ca sĩ Tùng Dương và diễn viên Thu Huyền - Nhà hát chèo Hà Nội làm người dẫn chuyện.

Đây là câu chuyện âm nhạc về dòng sông, không đặt nặng xung đột kịch, tính cách nhân vật. Nó không phải kịch múa, là dạng kịch hát pha trộn. Đây là thể loại mới, nhưng lại rất Việt Nam vì có người dẫn chuyện. Tổ chức sản xuất là Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, còn đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất là 2 công ty tư nhân, đến nay kinh phí cũng hòm hòm.

Có chút ngạc nhiên khi anh là họa sĩ nay quay sang làm tổng đạo diễn?

- Tôi đã thai nghén vở này cách đây khoảng 4-5 năm, nhưng đến thời điểm này có duyên thì mới tập hợp được đầy đủ các nhạc sĩ mình mong muốn. Thực ra hồi làm ở Nhà hát nhạc nhẹ Việt Nam, tôi đã đứng ở phía sau nhiều lần làm vai trò gần như tổng đạo diễn tập hợp mọi người làm theo một ý tưởng thống nhất, nhưng không đứng tên. Gần nhất tôi cũng làm tổng đạo diễn chương trình của nhạc sĩ Nguyễn Cường làm ở Nhà hát lớn...

Mọi lần ở Việt Nam hay làm theo quy trình ngược là có kịch bản, bàn nát nước rồi mới đi tìm tổng đạo diễn. Còn lần này làm theo quy trình thuận là có tổng đạo diễn rồi mới có kịch bản (lần này tôi viết) và chọn diễn viên cho kịch bản...

Tôi đứng tên tổng đạo diễn lần này vì muốn phải chịu trách nhiệm, chứ không phải cho oai vì cái tên họa sĩ Hoàng Hà Tùng mọi người thừa biết. Tôi muốn làm một cương vị khác, cuộc chơi của riêng tôi, không bị sức ép thời gian.

“Chuyện của dòng sông đỏ” sẽ dàn dựng 2 tháng. Các tiết mục múa đang tiến hành dàn dựng, ca sĩ đang tập bài. Giữa tháng 7 là tập hợp các nghệ sĩ kết hợp với âm thanh, ánh sáng. Chương trình sẽ diễn ra đêm 29 và 30.7 tại Cung văn hóa hữu nghị Hà Nội.

Xin cảm ơn anh và chúc chương trình thành công.

Việt Văn (thực hiện)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa-giai-tri/vo-kich-hat-chuyen-cua-dong-song-do-cuoc-choi-moi-cua-hoa-si-hoang-ha-tung-669956.bld