Vỡ mộng cây hông

Cây hông (Paulownia) từng được xem là “vua” của các loài cây lâm nghiệp bởi sự sinh trưởng nhanh và có giá trị rất cao trên thị trường thế giới. Thế mà thực tế hiện nay nhiều hộ gia đình nông dân ở xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum trồng cây hông đang đau đầu vì giá cây hông trên địa bàn quá thấp!

Vỡ mộng làm giàu Nuối tiếc trước một nửa vườn cây hông bị chết, lão nông Nguyễn Văn Hạp, xã Đăk Mar, than: “Không phủ nhận cây hông dễ trồng và có tốc độ sinh trưởng nhanh! Nhưng đó là cây hông trồng ở những nơi có độ ẩm cao, không thiếu nước. Còn ở những nơi cây hông thiếu nước vào mùa khô chúng còi cọc và chết dần, chết mòn. Ngay cả vườn cây hông gia đình trồng từ năm 2001-2002, cây cao hàng chục mét nhưng mùa khô thiếu nước chúng vẫn cứ chết". Điều đáng lo ngại hơn nữa là giá cả. Từng ôm mộng làm giàu từ cây hông với giá trên thị trường thế giới cách đây gần chục năm lên đến 400-500 USD/m3, nhưng đến khi cây đưa vào khai thác thì giá bán thực tế quá bèo bọt và chẳng mấy người mua - ông Hạp thất vọng: “Nghe khuyến cáo về giá cây hông rất cao, gia đình trồng 4 ha (trong đó huyện hỗ trồng khảo nghiệm 2 ha, còn lại 2 ha tôi tự mua giống về trồng). Ở diện tích cây hông trồng thuần, không xen canh với cây trồng khác, đảm bảo nước tưới vào mùa khô, cây hông cao trung bình khoảng 9-10 mét và đường kính từ 25-30 cm. Ở khu vực cây hông trồng xen trong đường lô cà phê, dọc theo mương nước đường kính cây hông 60-65 cm và có nhiều cây vòng tay người lớn ôm không xuể. Cây như thế, nhưng mới đây có doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh về hỏi mua với giá chỉ 1 triệu đồng/m3. Họ chê cây chưa đến tuổi, chưa đủ độ cứng!”. Và dù xót của, đau lòng trước một nửa vườn cây đang bị chết do thiếu nước vào mùa khô nhưng ông Hạp cũng quyết không bán. Bởi theo ông, giá này chỉ nhích hơn giá một số cây nguyên liệu khác phục vụ cho công nghiệp chế biến giấy. Tại một khu vườn đồi khác ở xã Đăk Mar, chúng tôi gặp anh Vũ Xuân Biềng chuyên canh 4 ha hông cùng thời điểm với ông Hạp. Vườn cây hông của anh Biềng ban đầu phát triển rất tốt, nhưng sau đó chết dần, chết mòn vì bị khô nước vào mùa khô nên tỷ lệ cây sống hiện chỉ còn ¾ so với ban đầu. Bình quân chiều cao và đường kính cây hông vườn anh Biềng cũng tương đương với vườn cây ông Hạp. Một số thợ mộc trên địa bàn hỏi mua làm sàn nhà nhưng giá thấp nên anh chưa bán. Tại đây, chúng tôi gặp nhiều vườn cây hông khác cỏ dại mọc um tùm, cây chết khô gần hết! Đâu là đầu ra cho cây “vua”? Trong một cuộc hội thảo cây hông ở huyện Đăk Hà cách đây mấy năm, TS Thái Xuân Du (Viện Sinh thái nhiệt đới), người có nhiều năm nghiên cứu về cây hông, đã mệnh danh cây hông là “vua” của các loài cây lâm nghiệp bởi cây lớn nhanh và gỗ có nhiều đặc tính tốt dùng đóng tàu thủy, báng súng, phụ kiện máy bay, đồ trang trí nội thất và thủ công mỹ nghệ… Còn trên thực tế, theo lời anh Biềng, gỗ cây hông không thể nói rằng không có giá trị. Mới đây có người dân trên địa bàn xẻ cây hông đóng lam ri và la phông rất đẹp, không thua kém bất cứ một loại gỗ nào. Gỗ hông có nhiều tính năng ưu việt: nhẹ, dai, bền, ít bị co giãn, không bị mối mọt và rất khó cháy. Giá gỗ hông trên địa bàn còn thấp do người dân chưa quen dùng. Còn giá trên thị trường thế giới cao chót vót nhưng lâu nay ở địa phương có ai bán được giá đó đâu mà biết (?). Theo đánh giá của những lão nông, những năm trước đây huyện Đăk Hà trồng được hơn 30 ha cây hông thì nay còn lại khoảng 15 ha. Nếu không tìm đầu ra cho cây hông cũng có nghĩa rằng “vua” của loài cây lâm nghiệp dễ rơi vào con đường tàn lụi.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/61/158/2/2/2/41652/default.aspx