Võ sỹ Văn Ngọc Tú - Niềm hy vọng vàng của Việt Nam tại ABG5

Võ sỹ Văn Ngọc Tú chắc chắn sẽ thi đấu tại Đại hội thể thao bãi biển châu Á 5-2016 (ABG5) tổ chức tại Đà Nẵng cuối tháng 9 tới đây. Ở Olympic 2016, Tú là thành viên của thể thao Việt Nam và cô không được kỳ vọng có thể giành HCV. Tại ABG5, Văn Ngọc Tú được coi là mũi nhọn sẽ có HCV cho thể thao chủ nhà…

Thành công với “nghề tay trái”

Hattrick mà chúng tôi đề cập ở trên là sự kỳ vọng 3 lần liên tiếp Văn Ngọc Tú sẽ giành HCV. “Nghề tay trái” mà chúng tôi nói tới là Tú không thi đấu môn võ judo sở trường mà cô thể hiện với võ kurash. Bây giờ, nói về võ kurash thì đây không còn là môn lạ lẫm vì từ khi nó được đưa vào nhiều chương trình võ thuật tại các đại hội thể thao của châu Á, người hâm mộ biết nhiều hơn.

Một cách dễ hiểu, võ kurash có cách thể hiện tương đối gần với võ judo nên Văn Ngọc Tú hay nhiều tuyển thủ khác của đội tuyển kurash Việt Nam đều từ gốc võ judo mà ra. Về kursah, Tú từng giành HCV Đại hội thể thao võ thuật châu Á trong nhà năm 2013. Năm 2014, cô lần đầu vô địch tại một kỳ ABG (năm đó, ABG4-2014 tổ chức ở Phuket-Thái Lan). Tú đã giành HCV quý giá tại ABG4 trên bãi biển Phuket đầy thuyết phục. Hẳn nhiên, năm 2016 này, trên sân nhà, thể thao bãi biển Việt Nam chờ Văn Ngọc Tú tỏ rõ năng lực.

Võ sỹ Văn Ngọc Tú (phải) trong trận bán kết.

Gặp Văn Ngọc Tú trong lễ thưởng công của Bộ Quốc phòng cho các VĐV thể thao Quân đội dự Olympic 2016 mới đây, nữ võ sỹ nhỏ nhắn này trò chuyện chia sẻ nhiều. Nhiều nhất là chuyện nghề, chuyện tập luyện, thi đấu. Trở về từ Olympic 2016, Tú đã di chuyển vào Đà Nẵng tập luyện ngay kurash chứ không kịp nghỉ ngơi. Thời gian ABG5 khai màn cận kề nên sự tập luyện của cô cùng đồng đội cũng hối hả như lúc rèn mình chuẩn bị thi đấu ở Rio de Janeiro (Brazil). “Giờ thời tiết tại Đà Nẵng nắng gắt lắm. Chúng tôi ra tập mà nắng rát mặt. Tập trên cát không đơn giản vì vài ngày đầu chân bị phồng rộp nhưng rồi quen thì da chai lại nên cứ thế xoay quần trên bãi cát cả ngày”, Tú chia sẻ về sự chuẩn bị cho ABG5 hiện tại.

Xong ngày nhận tại Bộ Quốc phòng, Văn Ngọc Tú đã trở lại Đà Nẵng ngay. 7 năm trước, Tú chập chững ra tranh tài võ kurash tại Đại hội thể thao châu Á trong nhà 3-2009 ở Hà Nội. Lần đầu lạ lẫm, cô giành được HCV. 7 năm sau, thể thao Việt Nam mới tổ chức một Đại hội tầm cỡ châu Á là ABG nên Văn Ngọc Tú thêm cơ hội trổ tài. “Nhiều lúc trong tập luyện mình đã muốn nghỉ ngơi bỏ cuộc. Nhưng rồi xốc lại tinh thần và ra thi đấu có thắng lợi vui lắm. Với tôi võ judo và võ kurash không quá khác biệt khi tiếp cận học luyện. Mình chỉ tâm niệm trong những thời gian vài năm cuối của sự nghiệp, vì màu cờ sắc áo, tôi luôn quyết tâm ra tranh tài”, Tú nói thêm.

Mong ngày đeo quân hàm

Văn Ngọc Tú hiện mới chỉ là công nhiên viên Quốc phòng. Cô được Trung tâm HLTT Quốc phòng 4 (Cần Thơ) tuyển dụng hồi năm 2015. Dù thế, thành tích cá nhân của Tú cho thể thao Quân đội vẫn chưa được dấu mốc mạnh mẽ nên tuyển thủ này vẫn chờ một thời gian mới có thể được chuyển đổi thành quân nhân chuyên nghiệp. Như thế, Văn Ngọc Tú mới được đeo quân hàm như nhiều đồng đội trong lĩnh vực thể thao của đơn vị. Dấu ấn của Văn Ngọc Tú từ năm 2015 tới lúc này với đơn vị mới chỉ là chiếc huy chương vô địch toàn quốc và suất chính thức dự Olympic 2016.

SEA Games 2015, hạng 48kg của judo nữ không có nên Tú không đi Singapore. SEA Games 2017, hạng cân trên nhiều khả năng cũng bị bỏ và Tú tiếp tục vắng mặt. Thành tích ABG5 là cột mốc quan trọng nhất để Tú chứng tỏ khả năng cũng như là cơ hội giúp cô sẽ đổi đời. Thành hay bại nằm hoàn toàn trong tay VĐV. “Bây giờ VĐV các quốc gia đều tập võ kurash phát triển. Lại thêm, thi đấu kỳ này là trên cát nên không dễ dàng”, Tú giãi bày.

Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng đã tổ chức lớp phổ biến luật và công tác trọng tài môn võ kurash cho ABG5-2016 trong các ngày từ 29 tới 31-8. Gần 60 học viên tham dự lớp học, giảng dạy và thị phạm là chuyên gia Nasiri Nejad Mohamed Reza tới từ OCA.

Theo SGGP

Nguồn Thể Thao VN: http://thethaovietnam.vn/abg-2016/vo-sy-van-ngoc-tu-niem-hy-vong-vang-cua-viet-nam-tai-abg5-643-197826.html