Vô tình nhặt được loài côn trùng này, phát hiện phương pháp tự nhiên tiêu hủy rác thải nhựa

Có thể chúng ta đã tìm ra được trợ thủ đắc lực trong cuộc chiến chống lại chất thải nhựa.

Đó chính là ấu trùng của loài bướm sáp, kẻ thù của các tổ ong với tập tính ăn sáp ong trong quá trình trưởng thành.

Khả năng ăn nhựa chính là điểm đặc biệt của loài ấu trùng này.

Chế độ ăn đặt biệt này được phát hiện gần như là một cách tình cờ, nhưng đã giúp các nhà nghiên cứu đưa ra ý tưởng sử dụng ấu trùng để tiêu hủy các vật liệu polyethylene hiện đang là thành phần chính trong nhiều loại nhựa không phân hủy sinh học đang được sử dụng rộng rãi hiện nay.

Các nhà nghiên cứu từ Viện Khoa học và Công nghệ Sinh học Cantabria (Tây Ban Nha) cho biết, một nhóm 100 cá thể ấu trùng của bướm sáp có thể tiêu hủy 92mg nhựa chỉ trong vòng 12 giờ.

"Đây là nghiên cứu khoa học đầu tiên cho thấy, loài này ăn nhựa với sự khử hóa học polyethylene", một trong những nhà nghiên cứu, Federica Bertocchini nói.

Các nhà khoa học phát hiện khả năng tiêu hủy nhựa của loài sâu bướm này sau khi bắt chúng từ tổ ong và đặt chúng vào túi nilon. Chỉ một thời gian ngắn sau đó những chiếc túi xuất hiện đầy lỗ nhỏ và những con sâu bướm đã trốn thoát.

Các nhà khoa học cho biết các ấu trùng này có thể tiêu hóa polyethylene giống như cách thức tiêu hóa sáp ong, chúng sử dụng enzym đặc biệt trong ruột để phá vỡ các loại liên kết hóa học.

Để tìm hiểu điều gì đang xảy ra, nhóm nghiên cứu đưa một số sâu bướm vào một miếng dán và trải một lớp mỏng lên trên một màng polyethylene.

Trong vòng 14 giờ, những con ấu trùng này này đã tiêu hủy 13% nhựa. Ngoài ra chúng cũng để lại dấu vết của ethylene glycol, cho thấy sự phân hủy của polyethylene. Khả năng ăn nhựa tương tự đã được phát hiện trước đây trong sâu bướm Plodia interpunctella và vi khuẩn Ideonella sakaiensis.

Đặc điểm hệ tiêu hóa của chúng sẽ là tiền đề để tạo ra những hoạt chất tiêu hủy nhựa thân thiện với môi trường.

Mặc dù có thể thu hút hàng ngàn sinh vật dạng này và đưa chúng vào hoạt động trong các thùng rác trên toàn cầu, nhưng các nhà khoa học sẽ phải xây dựng chiến lược mang tính bền vững hơn nhiều vì điều này tạo ra một mối đe dọa lớn đối với các quần thể ong.

Theo The Guardian, có hai loài ấu trùng bướm sáp phổ biến, bao gồm Galleria mellonella, được cho là nguyên nhân gây thiệt hại hơn 5 tỷ đô la cho các trang trại nuôi ong mỗi năm chỉ riêng ở Hoa Kỳ.

Thay vào đó, chìa khóa sẽ là tổng hợp một chất dựa trên cấu trúc sinh học của sâu bướm và sử dụng chất đó để tiêu hủy nhựa một cách tự nhiên.

Bertocchini cho biết: "Chúng tôi đang lên kế hoạch thực hiện kết quả tìm kiếm này thành một phương pháp hữu hiệu để loại bỏ chất thải nhựa, nhằm giải pháp cứu các đại dương, sông ngòi và môi trường khỏi những hậu quả không thể tránh khỏi của sự tích tụ rác thải nhựa trên Trái Đất.

Loài sâu này là kẻ thù số một của các trại nuôi ong.

Ước tính có khoảng một nghìn tỷ túi nhựa được sử dụng và loại bỏ mỗi năm, trong khi các chuyên gia cho rằng khoảng 269.000 tấn đã được thải vào đại dương. Nếu chúng ta không hành động nhanh, sẽ có nhiều chất thải nhựa trong đại dương hơn là cá vào năm 2050. Chúng ta đang sản xuất nhựa nhiều hơn bao giờ hết và đã không tái chế hoặc tái sử dụng đúng mức.

Có lẽ việc khai thác khả năng của ấu trùng bướm sáp có thể giải quyết một phần vấn đề, mặc dù các nhà nghiên cứu muốn nhấn mạnh rằng chúng ta vẫn nên tiếp tục cắt giảm việc sử dụng nhựa trong cuộc sống hàng ngày.

Bertocchini cho biết: "Chúng ta không nên hợp lý hóa việc thải nhựa vào môi trường sau khi tìm được các tiêu hủy sinh học chúng".

Quốc Văn (ScienceAlert)

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/vo-tinh-nhat-duoc-loai-con-trung-nay-phat-hien-phuong-phap-tu-nhien-tieu-huy-rac-thai-nhua-c7a522426.html