"Với cách làm hiện nay, ông Trần Duy Ly nên tự trọng mà từ chức"

Sáng nay (16.8), tại TPHCM, Ban tư vấn đạo đức - “con đẻ” của Cty VPF - đã lần đầu tiên gặp gỡ báo chí để trao đổi thông tin về những bức xúc của Ban sau đúng 6 tháng đi vào hoạt động. Tuy nhiên, kết quả chỉ như thông tin cho biết và cũng là để nói cho vui.

Nếu làm có trách nhiệm hơn thì chắc chắn bóng đá Việt Nam tiến bộ và người hâm mộ còn niềm tin.

Chưa bao giờ VPF và VFF đồng thuận

Chủ trì cuộc gặp gỡ, ông trưởng ban - nhà báo Nguyễn Công Khế bức xúc đứng dậy phát biểu, nội dung khá gay gắt nhằm vào VFF.

Ông Khế cho biết: Nhiều quan chức hiện nay của VFF chưa có quyết tâm cao với bóng đá nước nhà. Ban đạo đức ra đời và hoạt động không nhằm mục đích gì từ chức tước đến tiền bạc, mà chỉ với mục đích cùng VFF nâng cao hơn nữa vị thế của bóng đá Việt Nam trên sân cỏ trong và ngoài nước mà thôi. Và cũng chưa bao giờ, Ban này dùng uy tín để cùng với báo chí gây áp lực cho VFF.

Nhưng chưa bao giờ giữa VPF và VFF đồng thuận trong công việc. Cụ thể, đã hơn 10 lần Ban tư vấn đạo đức có văn bản gửi đến VFF lên quan đến trận đấu, trọng tài, cầu thủ, khán giả… thì cũng từng ấy lần Ban tư vấn đạo đức không hề nhận được một hồi âm nào.

Phải chăng, Ban chúng tôi chỉ nói trong nội bộ nên chưa có sức mạnh? Đây cũng chính là lý do để Ban tư vấn đạo đức gặp gỡ báo chí để nói công khai, minh bạch những vấn đề trong 6 tháng qua khi ban đi vào hoạt động.

Nói VFF không làm cũng chưa chính xác mà có làm, nhưng làm như “gãi ngứa” và chúng tôi đặt vấn đề: Nên chăng giải tán VFF và cả VPF để làm lại từ đầu chứ không chấp nhận làm “bung xung” hay bù nhìn. Chính điều này từng đẩy ông Nguyễn Văn Vinh và Trần Văn Mui - những chuyên gia bóng đá tâm huyết - phải có ý định từ chức vì cảm thấy bất lực.

Ông Trần Duy Ly nên tự trọng mà từ chức

Ông Phó ban Nguyễn Văn Vinh - người từng có 55 năm lăn lộn cùng bóng đá - không ngăn được cảm xúc lẫn bức xúc tiếp lời: Với 55 năm sống cùng bóng đá, chưa bao giờ tôi cảm thấy phẫn nộ như lần này. Tiêu cực luôn luôn là vướng mắc giữa các nhà chuyên môn với báo chí? Ban tư vấn đạo đức ra đời không vì bất kỳ quyền lợi gì ngoài chuyện nâng cao bóng đá Việt Nam để nhanh chóng thoát khỏi “ao tù”.

Ngay từ khi ra đời, Ban tư vấn đạo đức không hề nhận được sự chia sẻ hay ủng hộ nào từ VFF nên Ban phải chịu một áp lực rất lớn từ nhiều phía. Cơ chế phối hợp giữa ban và BTC giải V-League không thống nhất trong khi làm việc, trái lại VFF còn hiểu sai vai trò của Ban tư vấn đạo đức.

Chúng tôi nhận xét từng trận đấu rất khách quan và không hề có quan hệ tình cảm với bất cứ CLB nào khi làm nhiệm vụ. Với cách làm việc như hiện nay, tốt nhất là ông Trưởng giải Trần Duy Ly nên tự trọng mà từ chức.

Những đề nghị của ban Ban tư vấn đạo đức từ chuyện trận đấu đến trọng tài, cầu thủ, bạo lực sân cỏ… bằng văn bản gửi về BTC giải thì chẳng ai nghe, còn những báo cáo số liệu về từng trận đấu của BTC giải đều khác xa với thực tế, vì sao?

Vô trách nhiệm thì sao tiến bộ được?

Vì sự tiến bộ của bóng đá Việt Nam nên Ban quyết định gặp gỡ báo chí tại TPHCM để các phóng viên biết khi giải chỉ còn 3 lượt trận nữa là kết thúc.

Tiếp lời ông phó ban Nguyễn Văn Vinh, ông Nguyễn Công Khế thẳng thừng: Nếu làm có trách nhiệm hơn thì chắc chắn bóng đá Việt Nam sẽ tiến bộ, còn cách làm như vừa qua có thể gọi là vô trách nhiệm, thế thì sao tiến bộ được mà phát triển?

Ông Trần Văn Mui - người được Ban tư vấn đạo đức giao chuyên soạn thảo các văn bản liên quan đến nhiệm vụ của Ban và cũng là người nắm rất kỹ quy chế, điều lệ từ V-League đến AFC và FIFA - cũng thừa nhận là trong 6 tháng hoạt động của Ban thì chỉ gửi chứ chưa hề nhận được công văn trả lời nào và vụ Kiên Giang-XMXTSG vừa qua chỉ là “giọt nước tràn ly” mà thôi. Với những gì như vừa qua, Ban xem đấy như là một kinh nghiệm bổ ích để làm tốt hơn trong mùa sau.

Dù các phóng viên cũng có đôi lời nói về những thắc mắc của mình và Ban tư vấn đạo đức trao đổi khá thẳng thắn, nhưng qua những nội dung trong buổi gặp gỡ thì cho thấy đó chỉ như thông tin cho biết và cũng là để nói cho vui, chứ khó hy vọng là giữa VPF và VFF tìm được tiếng nói chung trong công việc. Buồn thay!

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/bong-da/voi-cach-lam-hien-nay-ong-tran-duy-ly-nen-tu-trong-ma-tu-chuc/133272.bld