"Vòi rồng" giá đất xoáy trên "nếp nhà" Đông Anh

Vào vai hai người có nhu cầu mua một miếng đất đẹp để lướt sóng kiếm lời, khi vừa đến đầu làng Cổ Dương, chúng tôi đã được hướng dẫn rất tận tình đường vào nhà “thợ” [cách người làng gọi cò đất - PV] lớn nhất làng. Trong ngôi nhà rộng thênh thang ngay gần trụ sở Ủy ban nhân dân xã, một người đàn bà đã luống tuổi, ăn mặc tuềnh toàng tự xưng là Đức quả quyết: “Chừng hơn một tháng gần đây, cứ ra đường là gặp 'thợ' từ nơi khác về săn đất làng Cổ Dương. Mỗi ngày không dưới 10 tốp.”

Ngẩn ngơ ngước giá đất trên trời Mặc dù trời mưa như trút nước nhưng khi thấy khách từ Hà Nội về hỏi mua đất, "cò" Đức vẫn hăm hở xắn cao quần, chịu ướt đưa chúng tôi đi khắp làng Cổ Dương (Tiên Dương, Đông Anh) chọn lựa. Theo "cò" Đức, muốn mua được một miếng đất ở làng này giờ này phải quyết thật nhanh, nếu không chỉ ngày trước ngày sau sẽ bị lật kèo, bể miếng. Cơn sốt đất hầm hập ập đến khiến cho những mảnh đất nằm sâu trong tận cuối làng bỗng dưng “đổi vận”. "Cò" Đức cho biết, nếu như trước Tết, người mua chỉ cần bỏ ra 9-12 triệu/m2 là đã có thể sở hữu một mảnh gần đường bê tông liên thôn thì nay, số tiền ấy đã tăng vọt lên 17-30 triệu. Thậm chí, với những khu nằm sát đường quốc lộ, giá cho mỗi mét vuông đã được “thổi” lên mức 50-60 triệu đồng. “Cô chú mua lúc này là đã hơi chậm vì người làng hầu hết đã bán đất cách đây cả tháng. Những vị trí đẹp gần sát khu quy hoạch chung cư đều đã nằm trong tay 'thợ' Hà Nội. Dù có trả thế nào họ cũng không bán mà găm hàng đợi dự án,” "cò" Đức cho biết. Theo gợi ý của bà Đức, chúng tôi chỉ có thể vào sâu trong làng, mua đất “xé lẻ” của người dân với mức giá dao động quanh mốc 20 triệu/m2 nhưng cũng phải quyết nhanh vì chỉ cần sau một ngày, đất sẽ lại tự động tăng thêm vài giá. Để chứng minh, "cò" Đức xắn cao ống tay, kể: ở làng, có nhiều người bán đất từ trong Tết, giờ giá cao, cả nhà ngẩn ngơ, quay ra xin chuộc lại nhưng 'thợ' Hà Nội không đồng ý. Anh em quay sang cãi chửi nhau, thậm chí vác dao đuổi nhau vì tiếc của. “Chuyện vợ chồng chì chiết nhau, anh em không nhìn mặt, thậm chí vác dao đòi đâm chém nhau chỉ vì đất ở đây không hề hiếm,” "cò" Đức nói. "Huynh đệ tương tàn" vì giá đất Trong thời gian cùng "cò" Đức đi tìm đất “lướt sóng”, đi đâu, chúng tôi cũng thấy người dân Tiên Dương xôn xao vì chuyện đất. Chỉ tay vào một lô 170 m2 đã được xây kín cổng cao tường, "cò" Đức bảo: “Mảnh đất này được rao bán 17 triệu/m2, phải mua cả lô mới xuôi. Mấy hôm trước có khách rất ưng, hứa sẽ quay lại đặt tiền, nhưng nếu cô chú thích, tôi sẽ dẫn mối luôn”. Tuy nhiên, trên bức tường loang lổ rêu bao quanh lô đất, một dòng chữ đỏ… sai chính tả đập thẳng vào mắt chúng tôi: “Đất chanh chấp, cấm mua." Đem thắc mắc này nói với "cò" Đức, người đàn bà này cười giả lả giải thích, thời điểm năm 2004, chủ lô đất này đã bán cho một người trong làng với giá 500 triệu đồng. Nhưng khi đất lên cơn sốt, người bán mới tiếc ngẩn ngơ, kiên quyết đòi chuộc lại với mức giá 16 triệu đồng/m2. Trong thời gian thương lượng, để tránh tình trạng các “thợ” Hà Nội về đặt giá cao, người chủ nọ mới nghĩ ra kế viết dòng chữ kia lên tường. “Bây giờ cô chú muốn mua thì yên tâm, không vấn đề gì cả,” Đức quả quyết. Trong lúc đang cò kè mức giá với "cò", chúng tôi cũng được không ít người dân địa phương chào mua trực tiếp. Tuy nhiên, đây hầu hết là những hộ ở sâu trong làng, đường giao thông không thuận tiện nên giá còn khá mềm. Lấy cớ phải trở về Hà Nội để xoay tiền đặt cọc, chúng tôi tạm biệt "cò" Đức để đi tìm hiểu tiếp những câu chuyện xung quanh giá đất trên trời ở Tiên Dương. Giá đất "leo thang", người có đất bỗng dưng có cơ hội đổi đời chỉ sau một đêm, những chuyện ấy theo nhiều người Tiên Dương là chưa bao giờ xảy ra. Sự lạ ấy khiến một bộ phận dân cư nơi đây đảo điên theo giá. Vụ việc xảy ra chưa lâu, nhưng người dân Tiên Dương vẫn chưa hết bàng hoàng. Chỉ vì 150m2 đất mà bố chết đi không để lại di chúc mà tám anh em ruột cùng với con cái, dâu rể của họ đã chia làm hai phe, vào ngày cúng 49 ngày của bố xông vào đánh chửi, đâm chém nhau không thương tiếc. “Nếu hôm đấy không có chính quyền can thiệp kịp thời, không hiểu chuyện gì đã xảy ra,” cụ Lâm, người làng Tiên Dương nói. Không chỉ ở Tiên Dương, cơn bão đất còn tiếp tục quét tiếp qua một loạt xã khác của Đông Anh như Hải Bối, Cổ Loa… Tại Hải Bối, ông Nguyễn Văn Nhất năm nay đã hơn 60 tuổi nhưng mấy tháng nay vẫn đau đầu vì chuyện tranh chấp đất đai với mấy anh em trong gia đình. Cách đây vài tuần, thấy căn nhà cấp bốn của mình bị dột, tường bắt đầu lở tróc từng mảng vữa, ông Nhất đặt vấn đề với người em trai ý định xây nhà trên phần đất của mình. Ông hoàn toàn bất ngờ khi bị em trai phản đối với lý do đất được gia đình người em sử dụng ổn định, có công cải tạo, nên ông Nhất chỉ được xây 1/3 trong tổng diện tích 360 m2 đất. Sự việc trở nên xấu hơn khi hai anh em ông Nhất phải đưa nhau ra tòa để giải quyết tranh chấp. “Dự án cầu Nhật Tân được triển khai, cơn sốt đất lan về Đông Anh dẫn tới khiếu kiện tranh chấp về đất ngày càng tăng làm tình cảm trong nhiều gia đình bị rạn nứt,” ông Nhất chua chát./. Sơn Bách (Vietnam+)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/voi-rong-gia-dat-xoay-tren-nep-nha-dong-anh/20105/46826.vnplus