Với TPP, coi chừng nhà đầu tư kiện Chính phủ

Nếu Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, nhà đầu tư sẽ được quyền kiện Chính phủ, cơ quan thực thi pháp luật nếu họ nhận thấy bị xử lý bất lợi so với cam kết, ngay cả khi họ chưa có pháp nhân đầu tư ở Việt Nam.

Ông Trần Bá Cường, Trưởng phòng WTO, Vụ chính sách thương mại đa biên, chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Quốc Hùng

Thông tin này được ông Trần Bá Cường, Trưởng phòng WTO, Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương, chia sẻ tại hội thảo "Nâng cao chất lượng hoạt động phản biện, góp ý xây dựng chính sách pháp luật" do Hiệp hội bán lẻ Việt Nam tổ chức hôm nay, 13-9, tại TPHCM.

Trong lĩnh vực phân phối, ông Cường cho rằng khác với cam kết với WTO, cam kết của Việt Nam với TPP bị ràng buộc cao hơn, như nhà đầu tư có quyền kiện Chính phủ, trong khi ở WTO hoàn toàn không có; đối với những hiệp định tự do trước đây và cả cam kết với WTO, nếu có sai phạm, Chính phủ và Nhà nước cũng không bị kiện.

Tuy nhiên, điều này sẽ thay đổi khi TPP được áp dụng. Cơ chế nhà nước kiện nhà nước và cơ chế nhà đầu tư kiện Chính phủ khi xảy ra vi phạm đã được nêu trong TPP. Với phạm vi và mức độ cam kết trong TPP, quy định này sẽ cho phép doanh nghiệp kiện từ giai đoạn đăng ký đầu tư và được áp dụng đối với các hợp đồng đầu tư. Do đó, đây là thách thức và rủi ro rất lớn cho cơ quan quản lý hoặc đơn vị thực thi pháp luật, ông Cường lưu ý.

Ông Cường đưa ra dẫn dụ, trong thủ tục đầu tư, khi nhà phân phối nước ngoài tiếp cận cơ quan quản lý đầu tư hoặc làm việc với chính quyền địa phương để mở siêu thị, cửa hàng bán lẻ,... tại địa phương mà họ muốn đầu tư, thì nghĩa vụ của phía cơ quan chức năng nước sở tại có thể phát sinh từ rất sớm.

Cụ thể, nếu lâu nay, chính quyền địa phương hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư có câu trả lời qua loa và đề nghị nhà đầu tư nghiên cứu địa điểm đó, hoặc hai bên có động tác ký biên bản ghi nhớ (MOU) để cho nhà đầu tư nghiên cứu địa điểm đầu tư đó, thì chưa phát sinh nghĩa vụ gì. Tuy nhiên, với TPP, vì một lý do nào đó mà chính quyền địa phương hoặc cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài từ chối cấp phép đầu tư ở địa điểm đó như đã từng áp dụng trước đây, thì dễ dẫn đến khả năng nhà đầu tư sẽ kiện chính quyền địa phương và cơ quan cấp phép đầu tư.

Bởi đối với các nhà đầu tư nước ngoài, việc nghiên cứu địa điểm trước khi kinh doanh họ thực hiện rất kỹ và mất rất nhiều thời gian cũng như tiền bạc, nên nếu bị từ chối thì chắc chắn họ sẽ kiện cơ quan thực thi hoặc chính quyền địa phương ra trọng tài quốc tế.

"Khi đó, chúng ta sẽ phải mất rất nhiều thời gian và tiền bạc để theo đuổi vụ kiện, vì có những vụ kiện kéo dài vài ba năm", ông Cường nói và cho rằng nếu thua kiện thì đền bù của chúng ta sẽ cao hơn nhiều so với vốn mà nhà đầu tư đã bỏ ra.

Theo ông Cường, để tránh bị khởi kiện, Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến đầu tư cần thực hiện cam kết một cách nghiêm túc, bởi thực tế trong thời gian qua cũng có một số nhà đầu tư đã khởi kiện chính quyền một số địa phương ở các tỉnh thành.

Theo chia sẻ riêng của giới phân tích, nếu Nhà nước bị thua kiện thì tiền bồi thường chính là tiền thuế của người dân, doanh nghiệp. Và cũng có trường hợp xảy ra thực trạng vì sợ nhà đầu tư khởi kiện nên nhà đầu tư nước ngoài đòi cái gì, Nhà nước đồng ý luôn cái đó khiến các nhà đầu tư nước ngoài được ưu tiên nhiều hơn so với nhà đầu tư trong nước.

Tại hội thảo, theo giới phân tích, thị trường bán lẻ Việt Nam hiện rất còn nhiều tiềm năng phát triển, do đó nếu TPP có hiệu lực thì sẽ có thêm nhiều nhà bán lẻ ngoại lớn khác bước vào thị trường trong nước. Mặt khác, với TPP sau 5 năm có hiệu lực thì "hàng rào" xét nhu cầu kinh tế địa phương (ENT) để nhà đầu tư mở rộng chuỗi kinh doanh như hiện nay sẽ không còn nữa. Khí đó, nhà bán lẻ nước ngoài sẽ thuận lợi hơn trong việc mở chuỗi kinh doanh. Và một khi đã mở cửa rồi thì cam kết của TPP là không cho phép lùi, rút lại phần mở của mình.

Cũng theo thông tin từ hội thảo, kết thúc năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 2.469,9 nghìn tỉ đồng (tương đương hơn 109,77 tỉ đô la Mỹ), tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái và dự báo đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 179 tỉ đô la Mỹ.

Như vậy rõ ràng thị trường bán lẻ trong nước đang tăng trưởng nhanh và có doanh số lớn hơn khá nhiều so với dự báo của nhiều nhà bán lẻ và các công ty tư vấn quốc tế đánh giá.

Ngày 13-9, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam sẽ tổ chức lễ ra mắt Văn phòng đại diện khu vực miền Nam tại số 2 Phùng Khắc Khoan, phường Đa Kao, quận 1, TPHCM do ông Hà Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH QMS, làm Trưởng đại diện.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/151277/voi-tpp-coi-chung-nha-dau-tu-kien-chinh-phu.html/