Vốn chảy về đâu sau quyết định nâng lãi suất của Fed?

Nằm trong khu vực kém hấp dẫn nhất trong số các thị trường mới nổi, Việt Nam phải rất nỗ lực để tìm ra câu chuyện đủ hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Cục dự trữ liên bang Mỹ đã chính thức nâng lãi suất liên bang thêm 25 điểm cơ bản lên mức 0,75%-1% vào ngày 15/3 như dự đoán của giới đầu tư trước đó. Theo báo cáo của SSI Retail Research, lưu chuyển dòng vốn toàn cầu nhanh chóng đổ mạnh vào cổ phiếu Mỹ, trong khi lần đầu rút ròng trái phiếu quốc gia này. Thị trường mới nổi mà đặc biệt là một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc,.. tiếp tục bị rút ròng. Chỉ riêng GEM, quỹ đầu tư danh mục thị trường mới nổi toàn cầu, không bị rút vốn mà thậm chí đã lấy lại toàn bộ phần bị rút đến thời điểm hiện tại.

Tiền đổ về cổ phiếu Mỹ

Tuần qua FED đã tăng lãi suất đúng như dự đoán. Điều dễ thấy là việc FED tăng lãi suất đã tác động đến dòng vốn vào cổ phiếu và trái phiếu của Mỹ trái ngược nhau. Dòng vốn chảy vào các quỹ đầu tư cổ phiếu Mỹ tăng mạnh lên 12 tỷ USD, cao nhất 13 tuần. Trong khi đó, lần đầu tiên sau 11 tuần, các quỹ trái phiếu của Mỹ bị rút ròng 1,2 tỷ USD. Sự tự tin vào tăng trưởng của FED và các chỉ báo kinh tế trong tuần đều tích cực đã hỗ trợ cho thị trường chứng khoán và dòng tiền vào cổ phiếu Mỹ.

Thị trường mới nổi: Duy nhất GEM hút vốn, vốn liên tục bị rút ra tại nhiều quốc gia

Lãi suất tăng khiến các tài sản rủi ro trở nên kém hấp dẫn. Dòng vốn tại thị trường mới nổi bị rút khối lượng lớn. Hầu hết các quỹ đầu tư khu vực và quốc gia đều bị rút ròng. Thị trường mới nổi châu Á ghi nhận tuần thứ 4 dòng vốn nước ngoài chảy ra khỏi nền kinh tế, nâng tổng rút ròng từ đầu năm lên 5,7 tỷ USD. Thị trường mới nổi tại châu Âu và châu Phi cũng có dòng vốn ra tuần thứ 4 liên tiếp với giá trị tăng vọt lên 541 triệu USD, qua đó kéo dòng vốn chảy vào từ đầu năm xuống còn 1,8 tỷ USD. Thị trường mới nổi Châu Mỹ Latin cũng bị rút ròng 179 triệu USD, cao nhất 15 tuần.

Chỉ riêng có các quỹ đầu tư thị trường mới nổi (GEM) tiếp tục hút ròng vốn ngoại với giá trị mua ròng 0,66 tỷ USD. Đây là tuần thứ 10 liên tiếp dòng vốn chảy vào quỹ này. Tuy vậy giá trị giảm xuống thấp hơn mức trung bình 10 tuần là 0,9 tỷ USD.

GEM được rót vốn bắt đầu từ tháng 2/2016, thời điểm thị trường đánh giá lại khả năng FED nâng lãi suất do các bất ổn kinh tế toàn cầu lan rộng. Dòng vốn vào GEM đảo chiều rõ rệt sau khi Donald Trump thắng cử, kéo theo kỳ vọng lạm phát và khả năng FED tăng lãi suất. Bắt đầu từ đầu năm 2017, các quỹ GEM lại được rót vốn. Tính đến thời điểm hiện tại các quỹ GEM đã lấy lại toàn bộ phần bị rút. GEM là các quỹ đầu tư danh mục thị trường mới nổi toàn cầu vì vậy rủi ro thấp hơn so với các quỹ đầu tư thị trường mới nổi ở tầm khu vực và quốc gia.

Trung Quốc bị rút ròng 2,1 tỷ USD, Brazil hút vốn nhờ câu chuyện riêng

Khu vực thị trường mới nổi Châu Á đang là khu vực bị đánh giá thấp nhất do Trung Quốc chiếm tỷ trọng quá lớn. Vào giữa năm 2015, dòng vốn tại khu vực có biến động mạnh mà nguyên nhân chính là dòng tiền tại Trung Quốc.

Ban đầu là dòng tiền đổ vào khi có tin đồn Trung Quốc được nâng hạng nhưng dòng tiền này nhanh chóng rút ra khi kết quả xếp hạng không như kỳ vọng. Dòng tiền sau đó đến từ các doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài được chỉ đạo rót về để cứu thị trường trong nước nhưng sau khi bị giới đầu tư quốc tế phát hiện và lên án các biện pháp can thiệp quá lộ liễu, dòng tiền này cũng biến mất.

Gần đây thị trường mới nổi Châu Á lại xuất hiện thêm câu chuyện khủng hoảng chính trị tại Hàn Quốc. Tính từ đầu năm đến nay, Hàn Quốc đã bị rút 1,3 tỷ USD, chỉ đứng thứ 2 sau Trung Quốc, 2,1 tỷ USD.

Khu vực thị trường mới nổi Châu Âu và Châu Phi gần đây được chú ý trở lại nhờ quan hệ ấm lên giữa Mỹ và Nga. Nhưng nhìn chung dòng vốn chỉ tập trung vào Nga nên những biến động của giá dầu có ảnh hưởng ngay đến bức tranh của toàn khu vực.

Trong 3 tuần qua, Nga liên tục bị rút ròng mạnh và đỉnh điểm chính là tuần vừa qua (13/3-17/3), với lượng rút ròng lên tới 330 triệu USD. Sau bầu cử Mỹ, tổng dòng vốn chảy vào Nga có thời điểm đạt mức đỉnh 2,4 tỷ USD nhưng hiện đã giảm xuống còn 1,5 tỷ USD. Với các quỹ đầu tư khu vực (reginal funds) ở EM Châu Âu & Châu Phi, dòng vốn vẫn chảy ra gần như liên tục kể cả trước và sau bầu cử tổng thống Mỹ.

Khu vực Châu Mỹ Latin cho đến gần cuối năm 2015 vẫn là một khu vực bị lãng quên bởi khủng hoảng kinh tế. Khu vực này dần lấy lại sự hấp dẫn nhờ những thay đổi lớn về thể chế.

Các đảng phái theo hướng xã hội dần được thay thế bởi các đảng phái đối lập theo xu hướng thân thiện với thị trường. Những diễn biến xung quanh quá trình phế truất tổng thống Dilma Rousseff của Brazil có ảnh hưởng rõ nhất đến dòng vốn tại khu vực.

Giai đoạn tháng 4/2016, thời gian tổng thống Dilma Rousseff đang bị xem xét luận tội và bị quốc hội Brazil bỏ phiếu chấp nhận xét xử, dòng vốn vào Brazil và các quỹ khu vực (regional funds) thị trường mới nổi Châu Mỹ Latin đều tăng mạnh. Từ cuối 2016, cùng với giá hàng hóa cơ bản tăng nhanh, khu vực thị trường mới nổi Châu Mỹ Latin đã trở thành khu vực được quan tâm nhất trong số các thị trường mới nổi.

Đối với Việt Nam, với biến động lãi suất tăng và nằm trong khu vực kém hấp dẫn nhất trong số các thị trường mới nổi, Việt Nam phải rất nỗ lực để tìm ra câu chuyện đủ hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Thoái vốn nhà nước và nâng hạng thị trường đang là 2 câu chuyện có trọng lượng và có tính khả thi nhất hiện nay.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/von-chay-ve-dau-sau-quyet-dinh-nang-lai-suat-cua-fed--20170321085911246p4c146.news