Vốn đầu tư gián tiếp tăng mạnh: Mừng và lo

(VOV) - Dù chỉ chiếm tỷ trọng chưa đầy 5% so với nguồn vốn FDI, song nguồn vốn đầu tư gián tiếp đang có tốc độ phát triển vượt bậc.

Khởi điểm từ con số 0, nguồn vốn này hiện đã tăng lên 6 tỷ USD. Tuy nhiên, chính tốc độ tăng trưởng quá nhanh đó khiến các thị trường thụ hưởng là chứng khoán, bất động sản luôn đứng trước nguy cơ bất ổn khi nguồn vốn này đảo chiều. Tăng nhanh chóng Đầu tư gián tiếp (FPI) qua thị trường chứng khoán (TTCK) mới bắt đầu được 10 năm. Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch ủy ban Chứng khoán (UBCK) Nhà nước thừa nhận, trong 10 năm đó, tốc độ huy động vốn rất nhanh và sức tăng trưởng của FPI vô cùng mạnh mẽ. Bắt đầu tư con số 0, hiện nay, qua thống kê tại hai sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam, tổng giá trị đầu tư FPI lên trên 6 tỷ USD. Mặc dù so với số huy động 124 tỷ USD trong 10 năm của FDI, con số này là quá nhỏ nhưng theo nhận định của ông Hùng, nguồn vốn này ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, “Trong tương lai nó sẽ dần thay thế đầu tư trực tiếp”. Cùng với sự tăng tốc nhanh chóng của dòng vốn FPI, quy mô TTCK trong 10 năm qua cũng đạt được bước phát triển thần kỳ, trở thành một trong những thị trường phát triển nhanh nhất trong khu vực và thế giới. Từ 02 cổ phiếu khi mới thành lập, hiện nay thị trường đã có tới 517 cổ phiếu và từ mức vốn hóa thị trường chiếm chưa đầy 1% GDP nay đã chiếm 45% GDP. TTCK trở thành kênh huy động vốn rất quan trọng cho các DN hiện nay, đặc biệt, khi các DN muốn huy động vốn mới cho sự tái đầu tư, mở rộng phát triển sản xuất. Minh chứng là trong một số ngày thị trường tăng trưởng nóng, doanh số giao dịch lên đến hơn 9.000 tỷ đồng/ngày - vượt qua một vài thị trường trong khu vực hiện nay. Và những lo ngại Hiện luồng vốn dịch chuyển giữa các nước trên thế giới qua thanh toán xuất nhập khẩu hàng hóa chiếm 10% - 15%, phần còn lại 85% - 90% là qua các luồng vốn gián tiếp. Cùng với sự hội nhập ngày càng mạnh và sâu hơn của Việt Nam, chắc chắn rằng nguồn vốn đầu tư gián tiếp ngày càng giữ vị trí quan trọng. Tuy nhiên, đặc điểm của nguồn vốn gián tiếp mang tính lỏng, đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu với thời gian rất ngắn nên nhà đầu tư có thể rút ra bất cứ lúc nào. Cuối tuần qua, Ngân hàng phát triển Châu á (ADB) đã cảnh báo về sự nguy hiểm của sự dịch chuyển dòng vốn này. Bản thân UBCK cũng đang tỏ ra hết sức thận trọng. Ông Nguyễn Đoan Hùng cho rằng: “Chúng ta đang trong quá trình phát triển nên phải thu hút đầu tư nước ngoài, nguồn vốn vào nhiều nền kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh hơn, nhưng nếu không giám sát được sẽ rất nguy hiểm. Bởi một khi nhà đầu tư nước ngoài bất ngờ rút tiền ra, nhà đầu tư trong nước sẽ bán tháo cổ phiếu. Hệ lụy tiếp theo là cán cân thanh toán bị thâm hụt, và tỷ giá trở nên rất khó kiểm soát”. Được biết, để tăng cường quản lý giám sát đối với nguồn vốn này, Chính phủ đã chỉ đạo UBCK, NHNH và Bộ KH&ĐT liên kết chặt chẽ, phối hợp giám sát, nhất là với một số dòng vốn đầu tư nằm ngoài TTCK. Chẳng hạn như nhiều quĩ đầu tư vào các dự án đầu tư dự án bất động sản, đầu tư hạ tầng… mà UBCK không thể thống kê. Song nhìn chung theo ông Hùng, Ngân hàng Nhà nước vẫn là đầu mối giám sát nguồn vốn gián tiếp vào và ra khỏi Việt Nam thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại. Bởi, tất cả các luồng vốn đó đều sử dụng các tài khoản của ngân hàng, thông qua hệ thống báo cáo của các ngân hàng thương mại và do NHNN kiểm soát toàn bộ. UBCK cũng là một cơ quan giám sát theo dõi luồng vốn đầu tư vào TTCK tại hai sở HOSE và HNX qua hệ thống đăng ký mã số giao dịch./. Nhược Lan (Báo TNVN)

Nguồn VOV: http://vovnews.vn/home/von-dau-tu-gian-tiep-tang-manh-mung-va-lo/20105/145075.vov