'Vốn quý đặc biệt' ở chùa Bổ Đà

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, Hội Kỷ lục gia Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Kỷ lục châu Á và Liên minh Kỷ lục thế giới (Worldkings) đã vinh danh 12 kỷ lục mới của người Việt. Trong số đó có Bộ mộc bản kinh Phật của chùa Bổ Đà (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) được xác lập là Bộ mộc bản kinh Phật khắc trên gỗ thị cổ nhất thế giới.

Bộ mộc bản kinh Phật của chùa Bổ Đà vốn được khởi đục từ những năm đầu thế kỷ 18, số lượng ván khắc còn lưu trữ được là gần 2.000 tấm, gồm nhiều loại văn bản như: Kinh, sớ, điệp, ván lục thù, bùa chú… bước đầu được phân loại thành 18 bộ kinh, sách chính. Mộc bản có niên đại sớm nhất được san khắc vào năm 1740 và muộn nhất vào những năm đầu thế kỷ 20. Mỗi tấm gỗ dùng để khắc kinh dài trung bình 50cm, rộng 25cm và dày khoảng 2,5cm. Có thể hình dung về sự đồ sộ của bộ kinh này bằng cách liên tưởng: Để xem đồng loạt toàn bộ kho kinh cổ chùa Bổ Đà thì cần có khoảng đất rộng gần 300m² để rải các tấm ván kinh ra.

Ông Nguyễn Đại Lượng và Đại đức Từ Tục Vinh giới thiệu mộc bản kinh Phật chùa Bổ Đà.

Gỗ thị dùng để khắc kinh là loại gỗ quý với đặc tính mềm mịn, dai, dễ khắc, ít cong vênh, khó nứt vỡ, rất phù hợp với việc khắc ván in… lại là loại cây xưa kia phổ biến trong vùng. Kinh khắc bằng gỗ thị không bị mối mọt, dù không cần chất bảo quản vẫn bền đẹp xuyên thời gian. Đó là lý do giải thích tại sao qua mấy thế kỷ, bộ kinh còn khá nguyên vẹn, sắc nét. Chữ trên các mộc bản gồm cả chữ Hán và chữ Nôm. Các ván khắc dùng để in các kinh sách phục vụ cho việc đào tạo các tăng ni thuộc thiền phái trong khắp cả nước nên phần lớn thể hiện những tư tưởng của Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là dòng thiền Lâm Tế. Nhiều tấm khắc đan xen thêm những hình minh họa với bố cục chặt chẽ, hài hòa, đường nét tinh tế như những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ hoàn chỉnh… Đây là kho di sản tư liệu quý giá không chỉ đối với việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo, mà còn cả nhiều phương diện lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, văn học, mỹ thuật, y học…

PGS, TS Đinh Khắc Thuân, Viện Nghiên cứu Hán-Nôm cho rằng, ngoài giá trị vật thể, kho mộc bản còn mang giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo. Nhiều bản sách ở đây được san khắc từ sách in của Triều Tiên chứ không phải từ sách của Trung Quốc. Điều đó cho thấy sự giao lưu và du nhập kinh luật Phật giáo không chỉ qua kho tàng sách vở từ Trung Quốc mà còn từ bán đảo Triều Tiên. Còn theo Đại đức Từ Tục Vinh, trụ trì chùa Bổ Đà, những tri thức kinh nghiệm dân gian trong việc chế tác mộc bản đến nay vẫn còn phải nghiên cứu. Hiện nay, việc sao chép, in khắc chữ từ các tấm mộc bản ở khu di tích chùa Bổ Đà để phục vụ việc giảng đạo vẫn được duy trì nhưng rất ít. Một số ván bị hư hỏng, nhà chùa phục chế lại theo bản gốc để bảo tồn và phục vụ khách nghiên cứu, tham quan, tránh làm ảnh hưởng đến hiện vật gốc. Chùa cũng đã dành riêng một khu vực có sử dụng các thiết bị hiện đại để bảo quản bộ kinh quý…

Ông Nguyễn Đại Lượng, Phó chủ tịch UBND huyện Việt Yên cho biết, công trình biên dịch bộ kinh đang trong quá trình hoàn thiện. Trong thời gian tới, đến với chùa Bổ Đà, người dân có cơ hội được hiểu sâu, hiểu kỹ hơn về bộ kinh, ngôi chùa và lịch sử dân tộc trong cả một giai đoạn, để thêm tự hào về truyền thống văn hóa của ông cha ta.

Bài và ảnh: HUY AN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/von-quy-dac-biet-o-chua-bo-da-510341