Vòng nợ nghìn tỷ tại các doanh nghiệp xi măng

Thanh tra cho rằng tổng nợ gần 1.000 tỷ đồng tại các doanh nghiệp thành viên Vicem cho thấy nguồn vốn ngày càng bị chiếm dụng, song lãnh đạo Tổng công ty khẳng định đây phần lớn là nợ nội bộ và vẫn đảm bảo khả năng thanh toán.

Theo báo cáo gần đây của Thanh tra Bộ Xây dựng, đến cuối năm 2015, dư nợ phải thu tại 20 công ty thuộc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) là hơn 4.000 tỷ đồng. Số tiền này đã giảm xuống còn 937 tỷ sau 8 tháng đầu năm 2016 sau những nỗ lực khắc phục, thu hồi của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đây vẫn là một con số lớn và cho thấy nhiều vấn đề trong hoạt động và quản lý tài chính tại các doanh nghiệp trong ngành; đồng thời là một trong những lý do khiến lãnh đạo Chính phủ vừa phải có chỉ đạo với Bộ Xây dựng về việc làm rõ những vấn đề sai phạm, thua lỗ tại các doanh nghiệp xi măng sau báo cáo thanh tra.

Trao đổi với báo chívề những nội dung nêu trên, Tổng giám đốc Vicem - ông Trần Việt Thắng cho biết sau khi có ý kiến của Thanh tra, doanh nghiệp đã có những báo cáo, giải trình thêm bằng văn bản gửi tới Bộ Xây dựng. Về số nợ gần 1.000 tỷ đồng, ông Thắng cho biết 2 phần 3 là nợ nội bộ giữa các công ty con trong tổng công ty với nhau và không có bảo lãnh. Các công ty đều đảm bảo việc thanh toán nợ đúng hạn. Vị này cũng nhận định với doanh thu hằng năm của Vicem khoảng 30.000 tỷ đồng, công nợ khoảng 1.000 tỷ là bình thường.

Với đặc điểm của ngành vật liệu xây dựng, lãnh đạo Vicem cho rằng thông thường, doanh nghiệp hay để các đối tác nợ 1-2 tháng để có thời gian kiểm chứng được chất lượng công trình trước khi thanh toán. Tuy nhiên, sau khi có kết luận của Thanh tra, Tổng công ty cho cũng đã yêu cầu các đơn vị phải đôn đốc công nợ hoặc khi cho đối tác nợ thì phải có bảo lãnh của ngân hàng để đảm bảo khả năng thu hồi.

Trước đó, chỉ đạo của Thủ tướng được đưa ra gần đây sau khi Thanh tra Bộ Xây dựng có kết luận vào giữa tháng 10/2016, chỉ ra sai sót và yêu cầu Vicem và các công ty thành viên chấn chỉnh, khắc phục.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2015, tại 12 công ty thuộc Vicem, các khoản phải thu trong tổng tài sản ngày càng tăng. Cơ quan thanh tra cho rằng điều đó chứng tỏ vốn của các công ty nêu trên ngày càng bị chiếm dụng. Ngoài ra, 5 công ty là Xi măng Hà Tiên 1, Xi măng Bỉm Sơn, Xi măng Hoàng Mai, Xi măng Hải Vân, Công ty vận tải Hoàng Thạch không đảm bảo khả năng thanh toán nợ ngắn hạn. Với đánh giá đó, cơ quan thanh tra yêu cầu các công ty này có biện pháp giảm lượng hàng tồn kho, thu hồi các khoản công nợ phải thu.

Cũng theo kết luận, đến cuối năm 2015, Vicem còn vốn đầu tư tại 31 đơn vị với tổng số tiền đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng. Trong đó, 2 đơn vị có vốn đầu tư khoảng 55 tỷ đồng mà Tổng công ty không thu được cổ tức từ khoản đầu tư này như Công ty cổ phần Sông Đà 12 có vốn đầu tư 12 tỷ đồng, Công ty cổ phần phần Tấm lợp Vật liệu xây dựng Đồng Nai có vốn đầu tư là 43 tỷ đồng...

Trong số 20 đơn vị, đến cuối năm 2015, có 2 công ty là Xi măng Hải Phòng và Công ty Vật liệu Xây dựng Đà Nẵng lỗ lũy kế lần lượt 374 tỷ đồng và 4,5 tỷ đồng.

Về vấn đề này, Tổng giám đốc VICEM khẳng định kết quả kinh doanh hợp nhất đã kiểm toán của Tổng công ty chưa năm nào báo lỗ. Tuy nhiên, ông Thắng cũng cho biết, ở những năm trước 2015, một số công ty trực thuộc lỗ đa phần do mới đi vào hoạt động nên chi phí đầu tư lớn hoặc chịu những gánh nặng về tài chính như biến động tỷ giá, lãi suất ngân hàng cao... Theo lãnh đạo Tổng công ty, những kết quả này đều có tác động lớn từ nhân tố khách quan là thị trường, còn bản thân quá trình sản xuất, vận hành của doanh nghiệp thì vẫn đảm bảo hiệu quả.

Ngọc Tuyên

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/vong-no-nghin-ty-tai-cac-doanh-nghiep-xi-mang-2559815.html