VPBank: Lãnh đạo tăng sở hữu, khối ngoại nắm giữ 22,34% xấp xỉ nửa tỷ đô

Thời điểm cuối năm 2016, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank vẫn là con số 0. Hơn nửa năm sau, room ngoại của nhà băng này đã gần kín. Với mức giá 39.000 đồng/cp khi chào sàn, số cổ phiếu VPBank do khối ngoại nắm giữ tương đương nửa tỷ USD.

Khối ngoại nắm giữ nửa tỷ USD cổ phiếu VPB

Theo Bản cáo bạch niêm yết lần đầu, tới ngày 28/7, cơ cấu cổ đông của Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã có sự thay đổi lớn so với thời điểm cuối năm 2016.

Tại thời điểm 31/12/2016, ngân hàng có 3.518 cổ đông, trong đó 98% là cổ đông cá nhân với số cổ phần sở hữu chiếm 41,22% vốn điều lệ. Cổ đông pháp nhân sở hữu 58,78% vốn điều lệ.

Trong khi đó, theo công bố trong Bản cáo bạch của VPBank , số lượng cổ đông giảm về số lượng còn 2.552 cá nhân/ tổ chức nhưng cô đặc lại vào hai nhóm chính gồm các nhân sự cấp cao cùng người liên quan và các tổ chức nước ngoài.

Sau hàng loạt giao dịch mua lại, nhiều thành viên trong HĐQT, ban lãnh đạo VPBank đã tăng mạnh sở hữu tại Ngân hàng. Tổng tỷ lệ sở hữu của các thành viên trong HĐQT cùng người liên quan là 29,934%. Riêng ông Ngô Chí Dũng, ông Bùi Hải Quân và ông Lô Bằng Giang sở hữu gần 108 triệu cổ phiếu.

Số cổ phiếu này sẽ buộc cam kết nắm giữ 100% trong thời gian 06 tháng kể từ ngày niêm yết và 50% trong thời gian 06 tháng tiếp theo theo quy định hiện hành.

Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng sở hữu 70,26 triệu cổ phiếu VPBank, tương đương hơn 4,99% vốn điều lệ ngân hàng. Với mức giá chào sàn 39.000 đồng/cp, tổng giá trị tài sản cổ phiếu của Chủ tịch VPBank là hơn 2.740 tỷ đồng, chỉ đứng sau người thứ 10 trong Top cá nhân sở hữu giá trị tài sản cổ phiếu lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức (3.060 tỷ đồng).

Tỷ lệ sở hữu của cổ đông tổ chức giảm còn 46,82% nhưng điểm đặc biệt là có thêm mới 78 tổ chức nước ngoài. Tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tăng từ 0% lên 22,34%.

Trước ngày cổ phiếu VPBank chốt danh sách cổ đông lưu ký chuẩn bị niêm yết, cổ phiếu VPB được giao dịch qua OTC với mức giá khoảng 36.000 đồng/cp. Ước tính, với mức giá này, khối ngoại đã phải chi ra 11.308 tỷ đồng, tương đương 539 triệu USD để mua lại số cổ phần này từ nhà đầu tư nội.


Cơ cấu cổ đông VPBank ngày 28/7

Cũng phải nói thêm rằng, cách đây không lâu, cổ phiếu của VPBank đã được chào bán tới các nhà đầu tư nước ngoài thông qua phương pháp dựng sổ. Các buổi roadshows giới thiệu cổ phiếu được tổ chức sau đó tại Singapore, Hong Kong, Thái Lan hồi tháng 6/2017. Không loại trừ khả năng đợt roadshow này đã thu hút sự quan tâm của khối ngoại tới VPBank góp phần tăng thêm hơn nửa tỷ USD đầu tư gián tiếp vào Việt Nam.

Có thể phát hành tối đa 5% vốn cho IFC, 'room' ngoại gần kịch trần

Các năm gần đây, VPBank cũng là tổ chức tín dụng tiếp cận được các nguồn vốn huy động ngoại tệ từ các tổ chức quốc tế. Trung tuần tháng 7 vừa qua, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank), đã đồng ý cấp khoản vay chuyển đổi trị giá 57 triệu USD, kỳ hạn 2 năm, lãi suất Libor cộng thêm 3,3%.

Gọi là khoản vay chuyển đổi bởi IFC có quyền chuyển đổi khoản vay thành cổ phiếu với tỷ lệ phát hành tối đa 5% tổng số cổ phần phổ thông đang lưu hành của VPBank tại thời điểm chuyển đổi (năm 2019). Đây cũng là lý do giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài của nhà băng này chỉ là 25%.

Như vậy, với tỷ lệ sở hữu nước ngoài trước chào sàn đã đạt 22,34%, “room” ngoại của VPBank hiện đã được lấp gần đầy và chỉ còn “hở” khoảng 2,66%.

Ngoài khoản vay 57 triệu USD vừa qua, trước đó, một gói tài chính trị giá 125 triệu USD cũng đã được IFC cam kết cấp cho VPBank hồi tháng 8/2016. Thông tin từ Bản cáo bạch của VPBank cũng cho biết ngân hàng này đang tham gia chương trình tài trợ thương mại của các tổ chức ADB, IFC với tổng hạn mức bảo lãnh, chia sẻ rủi ro thời điểm cuối năm 2016 là 71 triệu USD.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/vpbank-lanh-dao-tang-so-huu-khoi-ngoai-nam-giu-22-34-xap-xi-nua-ty-do-20170811091744559p149c165.news