Vụ 3 du khách Anh tử nạn: Nhiều bất cập trong quản lý khai thác tour

Phỏng vấn ông Võ Anh Tần, Phó TGĐ Dalat Tourist- đơn vị quản lý Khu du lịch Datanla xung quanh hoạt động khai thác, quản lý các tour du lịch tại đây.

Như tin đã đưa , trưa ngày 26-2, tại tuyến thác Datanla, tại khu vực rừng núi nằm cạnh đèo Prenn, đã xảy ra tai nạn bất ngờ khiến 3 du khách người Anh tử nạn.

Ba du khách (2 nữ và 1 nam) là khách của Công ty TNHH dịch vụ du lịch Đam Mê (Đà Lạt). Họ tử nạn khi đang tham gia trò chơi mạo hiểm đu dây vượt thác do công ty này tổ chức.

Hiện cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục làm việc với anh Phạm Hữu Hoài Nguyên (sinh năm 1985, giám đốc Công ty TNHH dịch vụ du lịch Đam Mê - đơn vị tổ chức tour cho 3 du khách người Anh bị tử nạn) và anh Đặng Văn Sỹ (sinh năm 1990, hướng dẫn viên) cũng như một số nhân chứng để làm rõ vụ tai nạn.

PV VOV.VN đã phỏng vấn ông Võ Anh Tần, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Lâm Đồng (Dalat Tourist (DLT) - đơn vị quản lý Khu du lịch Datanla) xung quanh hoạt động khai thác các tour du lịch tại đây cũng như hoạt động liên kết giữa DLT với các công ty du lịch lữ hành khác.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân. Ảnh: Khánh Hương

PV: Xin ông cho biết ngắn gọn vai trò, chức năng của Dalat Tourist trong việc khai thác khu du lịch Datanla.

Ông Võ Anh Tần: UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho Công ty Du lịch Lâm Đồng, nay là Công ty cổ phần du lịch Lâm Đồng quản lý và khai thác tất cả các hoạt động du lịch tại khu du lịch thác Datanla.

PV: Theo ông, đây có phải đơn thuần là tai nạn rủi ro do thiếu sót của đơn vị tổ chức là đã không cảnh báo cho du khách cẩn thận trong quá trình tham gia tour? Còn những nguyên nhân gì khác dẫn đến tai nạn đáng tiếc này?

Ông Võ Anh Tần: Do diễn biến của sự việc chủ yếu do bên cơ quan công an điều tra và kết luận, nên tôi không thể bình luận nhiều hơn về nguyên nhân của sự việc.

PV: Việc liên kết du lịch giữa Dalat Tourist và các công ty lữ hành khác trong việc khai thác tour du lịch tại đây được thực hiện thế nào?

Ông Võ Anh Tần: Các công ty ký hợp đồng thỏa thuận dựa trên các nguyên tắc, điều kiện và quy trình do Dalat Tourist đặt ra (có sự trao đổi, đóng góp và thống nhất của các công ty thành viên). Các booking khách được gửi trước cho phòng điều hành của DLT để làm thủ tục đăng ký và thanh toán.

Ngày thực hiện dịch vụ, các công ty đưa khách qua Basecamp (trung tâm đón tiếp khách cho hoạt động mạo hiểm) tại cổng chính khu du lịch Datanla. Khách làm các thủ tục như đăng ký khai báo cá nhân, nhận wristband được thiết kế riêng cho hoạt động mạo hiểm (là vòng đeo tay bằng giấy chống thấm) và nhận bàn giao các thiết bị bảo hộ của DLT trước khi khởi hành tour theo chương trình đã ký kết. Tất cả du khách được hướng dẫn những kỹ thuật cơ bản và yêu cầu an toàn trước khi leo thác đầu tiên.

PV: Thưa ông, có phải Công ty TNHH dịch vụ du lịch Đam Mê không thực hiện việc mua vé tại khu du lịch Datanla nên không có thiết bị bảo hộ an toàn cho du khách…? Vấn đề "trốn vé" của các công ty lữ hành có phải là phổ biến?

Ông Võ Anh Tần: Cho tới thời điểm này, chúng tôi không nhận được bất kỳ một booking nào của Công ty TNHH dịch vụ du lịch Đam Mê cho đoàn khách đó vào ngày 26/2/2016, và công ty này cũng không đưa ra được bất cứ văn bản, giấy tờ nào thể hiện việc đăng ký nhóm khách đó cho hoạt động mạo hiểm dưới khu vực thác.

Trước đây những hoạt động này khá phổ biến, nhưng thời gian qua, sau những nỗ lực đối thoại và hợp tác giữa DLT và các công ty đủ tiêu chuẩn trên địa bàn, tình hình đi "chui" đã giảm rõ rệt.

PV: Dalat Tourist là đơn vị chủ quản của khu du lịch Datanla, công ty đã và đang có các biện pháp gì để kiểm soát người ra vào thác?

Ông Võ Anh Tần: DLT đã tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, tuần tra khu vực thác (chủ yếu là khu vực thác dưới do địa hình khó khăn, hiểm trở). Tiến hành cắm thêm biển cảnh báo và hướng dẫn tại mỗi tầng thác.

DLT cũng đã tăng cường trao đổi thông tin và ràng buộc về pháp lý, hợp đồng đối với các công ty hoạt động trên địa bàn có loại hình du lịch mạo hiểm tại thác Datanla.

PV: Công tác quản lý, bảo vệ có gì bất cập? Phía công ty đã rút kinh nghiệm vụ việc vừa qua như thế nào?

Ông Võ Anh Tần: Khu vực thác do công ty quản lý, là khu vực thuộc diện bảo tồn nghiêm ngặt về tự nhiên, nên chúng tôi cố gắng giảm thiểu việc đặt hàng rào hoặc tường bảo vệ để tránh làm tổn hại tới thiên nhiên và môi trường.

Điều này có mặt bất lợi là với địa hình tự nhiên trải dài, những công ty hay du khách cố tình đi "chui" có thể xâm nhập vào khu vực thác theo rất nhiều đường mòn dọc quốc lộ 20. Công tác quản lý, tuần tra, vì thế đôi khi sẽ gặp những khó khăn nhất định.

DLT sẽ nỗ lực hơn trong việc tăng cường nhân lực tuần tra, canh gác và bảo vệ những khu vực có khả năng bị thâm nhập. Đồng thời, DLT sẽ kết hợp chặt chẽ hơn với chính quyền địa phương trong việc xây dựng chế tài xử phạt với những công ty cố tình vi phạm.

PV: Dalat Tourist đã quản lý và xử lý thế nào với các công ty lữ hành không thực hiện nghiêm quy định của khu du lịch?

Ông Võ Anh Tần: DLT sẽ ngay lập tức hủy hợp đồng hợp tác đã ký kết với công ty đó. Đồng thời, DLT cũng gửi bằng chứng là hình ảnh, video và công văn lên Sở Văn hóa thể thao & Du lịch để hỗ trợ xử lý.

PV: Quan điểm của ông về vụ việc này như thế nào? (cụ thể là trách nhiệm của cơ quan quản lý Datanla là Dalat Tourist và Công ty TNHH dịch vụ du lịch Đam Mê)?

Ông Võ Anh Tần: Chúng tôi coi đây là một tai nạn đáng tiếc không ai mong muốn. Trách nhiệm của đơn vị dẫn khách thì do các cơ quan nhà nước có trách nhiệm xác định, còn phía Dalattourist tự nhận thấy trách nhiệm trong quản lý an ninh, khu vực, tuần tra, giám sát còn mỏng, chưa quyết liệt với những sai phạm của các công ty, cá nhân.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Hồng Minh/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/du-lich/vu-3-du-khach-anh-tu-nan-nhieu-bat-cap-trong-quan-ly-khai-thac-tour-483878.vov