Vụ 30 tấn cá có mẫu nhiễm Phenol: 'Vội vàng kết luận thì vô cùng nguy hiểm'

Chủ vựa cá khẳng định không hề dùng bất cứ loại hóa chất nào để bảo quản số cá có mẫu phẩm nhiễm chất Phenol, trong khi Sở Y tế Quảng Trị chỉ kiểm tra 1 mẫu duy nhất và gửi văn bản đề nghị được tiêu hủy.

Trao đổi với Dân Việt, bà Lê Thị Thuộc (chủ vựa cá Dũng Thuộc, thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Linh, Quảng Trị) cho biết, 30 tấn cá có mẫu phẩm nhiễm Phenol được bà mua của các tàu tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình sau thời điểm cá chết 15 ngày (tức là đầu tháng 5.2016, đánh bắt xa bờ hơn 30 hải lý) với giá 25.000 đồng/kg.

Theo bà Thuộc, số cá trên sau khi được mua về, bà đem rửa sạch bằng nước lạnh, sau đó cho vào khay cấp đông ở nhiệt độ âm 40 độ C trong vòng 14 tiếng đồng hồ để làm cá chín. Công đoạn tiếp theo đem cá cất trữ ở kho bảo quản ở nhiệt độ âm 25 độ C.

“Tôi không dùng bất cứ một loại hóa chất nào để bảo quản cá” – bà Thuộc khẳng định. Bà Thuộc cho biết thêm, sau khi cơ quan chức năng công bố phát hiện mẫu phẩm nhiễm Phenol trong lô 30 tấn cá nục, việc buôn bán của bà cũng như người dân hết sức khó khăn.

Đoàn liên ngành tỉnh Quảng Trị niêm phong 30 tấn cá có mẫu đại diện nhiễm Phenol vào chiều 11.6.

Theo giá thị trường hiện nay, mỗi kg cá nục trong tủ đông có giá 14.000 đồng nhưng nay giảm chỉ còn 8.000 đồng/kg. “Hiện tại, tôi còn hơn 100 tấn cá trong kho nhưng có nguy cơ không thể xuất bán và buộc phải tiêu hủy hết” - bà Thuộc nói.

Như Dân Việt đã đưa tin , ngày 10.6, Sở Y tế Quảng Trị gửi văn bản đến UBND tỉnh Quảng Trị báo cáo có phát hiện mẫu phẩm đại diện cho 30 tấn cá nục nhiễm chất Phenol và đề nghị được tiêu hủy.

Theo văn bản, ngày 7.6, Sở đã kiểm tra lấy 6 mẫu tại kho đông lạnh chứa 110 tấn cá (70 tấn cá nục, 10 tấn cá ngừ, 20 tấn cá trích, cá sòng và 10 tấn cá lẫn lộn khác) của bà Lê Thị Thuộc (thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Linh). Trong đó, phần lớn cá thu mua sau thời điểm cá chết bất thường, còn lại có khoảng 20 tấn cá nục và 20 tấn cá trích, cá lẹp mua trước thời điểm cá chết.

6 mẫu cá được lấy gồm 1 mẫu đại diện cho 20 tấn cá thu mua trước thời điểm sự cố cá chết, 1 mẫu đại diện cho 20 tấn thu mua sau thời điểm cá chết 10 ngày và 1 mẫu đại diện cho 30 tấn thu mua ngay sau thời điểm sự cố cá chết.

Kết quả phân tích cho thấy trong 6 mẫu phát hiện 1 mẫu đại diện cho 30 tấn cá mua sau thời điểm cá chết có hàm lượng Phenol là 0,037mg/kg là chất tuyệt đối cấm không có trong thực phẩm.

Chiều 11.6, đoàn liên ngành tỉnh Quảng Trị gồm Sở NNPTNT, Sở Y tế, Công an tỉnh đã làm việc với gia đình bà Thuộc và lập biên bản niêm phong 30 tấn cá nói trên để tiếp tục tìm hướng xử lý.

Để có thêm thông tin, giúp thương lái và ngư dân sớm yên tâm ổn định công việc làm ăn, phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi nhanh với TS Lê Thanh Lựu, một chuyên gia hàng đầu và có tiếng trên thế giới về thủy sản xung quanh sự việc này. Theo TS Lựu cho biết “Nếu đúng như báo chí nêu thì cách làm của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị không khoa học. Ai đời lô hàng 30 tấn cá mà chỉ có lấy 1 mẫu rồi đưa đến kết luận và tiêu hủy cả 30 tấn cá bao giờ”.

Cũng theo TS Lựu, phenol có phenol đơn vòng và phenol đa vòng. Trong lô cá nục trên nếu như được lấy nhiều mẫu để kiểm nghiệm và cho trị số trung bình về hàm lượng cuối cùng, cho kết quả là phenol đơn vòng thì nguy hiểm là ít hơn phenol đa vòng.

“Một mẫu cá nục thuộc lô hàng 30 tấn có chứa chất phenol chỉ nói lên được một khía cạnh nào đó chứ chưa đủ cơ sở để kết luận khoa học. Anh làm khoa học anh phải cẩn trọng, phải đủ cơ sở thì mới kết luận được. Anh vội vàng kết luận thì vô cùng nguy hiểm”.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/vu-30-tan-ca-co-mau-nhiem-phenol-toi-khong-dung-hoa-chat-bao-quan-686388.html