Vụ bác sĩ gác chân lên ghế: 'Người nhà bệnh nhân nên cảm ơn và xin lỗi bác sĩ Minh'

Liên quan đến vụ việc bác sĩ Minh (Viện mắt Trung ương) gác chân lên ghế khi nói chuyện với người nhà bệnh nhân, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tiến Phúc nói: "Người nhà bệnh nhân nên cảm ơn và xin lỗi bác sĩ Minh".

Thời gian qua, dư luận xôn xao về một đoạn video dài 7 phút của một người đàn ông quê Quảng Ninh đưa con trai là Đỗ Ngọc V.A. đi khám tại khoa Mắt trẻ em, bệnh viện Mắt Trung ương. Người đàn ông bức xúc khi nữ bác sĩ chỉ vạch mắt cháu kiểm tra mà không khám lại bằng máy móc rồi kết luận cận thị nặng.

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh gác chân lên ghế trong khi nói chuyện với người nhà bệnh nhân.

Nữ bác sĩ gác một chân lên ghế, giải thích cho người nhà bệnh nhân rằng tuỳ từng bệnh, nếu bác sĩ đã thấy đủ thì không cần máy, bác sĩ sẽ chịu trách nhiệm về điều này. Trước yêu cầu của người nhà bệnh nhi V.A, nữ bác sĩ đã ký giấy để hội chẩn ở cấp cao hơn.

Ông Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương xác nhận nữ bác sĩ trong đoạn video là Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Minh, hiện đang công tác tại Khoa Mắt trẻ em (Bệnh viện Mắt Trung ương).

Ngay sau đó, bệnh viện đã yêu cầu bác sĩ Minh tạm dừng làm chuyên môn và viết tường trình. Đồng thời bác sĩ Minh cũng lên tiếng xin lỗi và thừa nhận tư thế ngồi co chân lên ghế đối thoại với người nhà bệnh nhân là sai, không đẹp mắt và sẽ rút kinh nghiệm.

Liên quan đến vụ việc này, Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung Ương đã bày tỏ quan điểm trên trang cá nhân: “Về chuyên môn, bác sĩ Minh đã làm đúng những gì cần làm. Bệnh nhi đến khám vì nhìn kém, cháu đã được chụp khúc xạ bằng máy tự động, sau đó được chỉnh kính và thử thị lực.

Do thị lực chưa đạt mức tối đa, nên bác sĩ yêu cầu tra liệt điều tiết để tiến hành soi bóng đồng tử. Là một giáo sư trong nghề, cũng đã nhiều lần đi khám mắt tôi thật sự không hiểu ông bố muốn cháu được khám thêm bằng máy nào và để làm gì.

Về việc bác sĩ Minh gác một chân lên ghế khi nói chuyện với người nhà bệnh nhân, tôi đã xem đoạn video 2 lần. Bác sỹ ngồi ôm gối, một bàn chân dưới đất, một bàn chân tì nhẹ lên mép ghế đối diện. Mặt chiếc ghế đối diện khá thấp nên mặc dù đó không phải là một hình ảnh đẹp nhưng không đến nỗi quá phản cảm và đoạn cuối của cuộc đối thoại chị đã không còn tì vào mép ghế mà đã để chân xuống đất”.

Quan điểm của Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm và thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tiến Phúc.

Trên trang cá nhân, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tiến Phúc (Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng) cũng đồng ý với giáo sư Nguyễn Thanh Liêm rằng quy trình khám tại Viện Mắt Trung Ương hoàn toàn chuẩn mực về chuyên môn trong việc khám khúc xạ cho trẻ em.

Theo bác sĩ Phúc, bác sĩ Minh không hề khám qua loa như những gì người đàn ông trong đoạn video nói. Mỗi một phương pháp khám đều có một số điểm khác biệt trong quy trình, đặc biệt là những ca khó, để tránh tổn thất cho bệnh nhân, bác sĩ nhãn khoa thường hẹn khám lại rồi mới điều chỉnh tiếp phác đồ.

“Thực tế cùng làm trong nghề nên tôi biết bác sĩ Minh và các bác sĩ ở Bệnh viện Mắt Trung ương luôn làm việc trong tình trạng quá tải. Một ngày các bác sĩ ở đây phải khám ít nhất 100 bệnh nhân, làm sao không mệt mỏi được. Thực tế số lượng khám bệnh còn vượt hơn 100 bệnh nhân, mỗi ngày bác sĩ khám bệnh 8 giờ/ngày thì với 100 bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ có 4 phút 8 giây để khám một bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh cũng thừa nhận hành vi không đẹp khi chị ngồi cho chân lên ghế và tôi cũng đồng ý với ý kiến của chị, nhưng chắc chắn không chỉ có chị mà nhiều đồng nghiệp khác của tôi cũng thỉnh thoảng cho chân lên ghế, ngay cả tôi củng đôi khi như vậy vì quá mỏi khi phải ngồi lâu”, bác sĩ Phúc chia sẻ trên trang cá nhân.

Bác sĩ Phúc còn nhắn nhủ, người nhà bệnh nhân nên cảm ơn và xin lỗi bác sĩ Minh khi tái khám.

Mạnh Long

Nguồn ANTT: http://antt.vn/vu-bac-si-gac-chan-len-ghe-nguoi-nha-benh-nhan-nen-cam-on-va-xin-loi-bac-si-minh-209306.htm