Vụ bị đâm khi giúp người gặp nạn: Khi con người 'có lý' để sợ hãi và vô cảm

Kiểu "làm ơn mắc oán" như thế này rất dễ khiến mỗi chúng ta sợ hãi khi rơi vào hoàn cảnh tương tự. Và sự sợ hãi đó khiến chúng ta dần trở nên vô cảm.

Như Báo Gia đình và Xã hội đã đưa tin, khoảng 19h30 ngày 11/2 anh Nguyễn Hải Sơn (35 tuổi, thường trú huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đang đi trên đường thuộc địa phận phố Trẹm, xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh thì gặp một vụ tai nạn giao thông giữa xe máy và taxi.

Cô gái đâm vào đuôi chiếc xe taxi rồi ngã ra đường bất tỉnh. Chứng kiến vụ tai nạn, anh Sơn đưa cô gái tới Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Thành cấp cứu.

Trong lúc anh Sơn đang hoàn thiện thủ tục nhập viện cho cô gái, bất ngờ một thanh niên được cho là quen biết với nạn nhân tìm đến và cho rằng anh Sơn là người gây tai nạn, nên đã dùng dao đâm một nhát thấu phổi anh Sơn rồi bỏ trốn.

Sau đó anh Sơn được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh cấp cứu trong tình trạng khá nguy kịch. Rất may, nhờ sự cứu chữa kịp thời của các y bác sỹ, anh Sơn đã qua cơn nguy kịch và phục hồi.

Anh Sơn bị đâm thấu phổi khi đưa người bị tai nạn giao thông đi cấp cứu. Ảnh: T.Sơn

Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã yêu cầu các cơ quan hữu trách vào cuộc điều tra, làm rõ. Đối tượng đâm trọng thương anh Sơn là Nguyễn Hữu Khá (26 tuổi, trú tại Thuận Thành, Bắc Ninh) bị bắt giữ ngay sau đó.

Theo thông tin mới nhất mà PV Báo Gia đình và Xã hội nhận được vào chiều 17/2, hiện CQĐT – CA huyện Thuận Thành đã có quyết định khởi tố bị can đối với Khá về hành vi cố ý gây thương tích.

Liên quan tới vụ việc trên, trao đổi với PV, PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển bày tỏ quan điểm: Qua rất nhiều vụ ẩu đả hiện nay, xét ở bình diện chung có thể thấy thói hung đồ, dã man tồn tại bên trong con người đang ngày càng phát lộ mạnh mẽ ở môi trường xã hội Việt Nam hiện nay.

Vụ việc hy hữu xảy ra ở Bắc Ninh là một ví dụ điển hình cho thực trạng đáng báo động đó. Ở trường hợp cụ thể này chúng ta nên nhìn nhận dưới 3 mức độ.

Mức độ thứ nhất, trong trường hợp 2 bên va chạm với nhau, mà người gây tai nạn không đưa nạn nhân đi cấp cứu, thì dẫu sau đó có gặp lại, người nhà nạn nhân không nên xử lý nóng vội, thiếu hiểu biết pháp luật như vậy.

Mức độ thứ 2, giả sử anh Sơn chính là người gây ra tai nạn, nhưng anh ấy đã có ý thức đưa người bị nạn đi cấp cứu thì đó cũng là một điều để mọi người đáng phải trân trọng.

Ở mức độ thứ 3, trong trường hợp này, anh Sơn lại là ân nhân đối với người gặp nạn. Hành động trượng nghĩa của anh có thể xem là sự le lói của lòng nhân đạo trong con người Việt Nam ở bối cảnh mà thói hung đồ đang ngày càng lên ngôi.

Như vậy có thể nói hành vi của đối tượng gây án là một hành vi tội ác, xã hội cần kịch liệt lên án, pháp luật nên xử lý nghiêm minh để giúp người dân có ý thức hơn đối với mỗi hành vi của chính mình.

Hành vi của Khá không chỉ là tội ác với người đã cứu giúp người quen của mình, mà đó còn là hành vi tiêu diệt mầm mống của lòng tốt mà nhiều người đang cố gắng nhen nhóm, nuôi dưỡng.

Nếu những hành vi tương tự như của Khá vẫn còn tiếp diễn, thì rất khó để những hành vi trượng nghĩa như của anh Sơn còn tồn tại. Bởi kiểu "làm ơn mắc oán" như thế này rất dễ khiến mỗi chúng ta sợ hãi khi rơi vào hoàn cảnh tương tự. Và sự sợ hãi đó khiến chúng ta dần trở nên vô cảm.

Xuân Thắng

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/vu-bi-dam-khi-giup-nguoi-gap-nan-khi-con-nguoi-co-ly-de-so-hai-va-vo-cam-20170217200521009.htm