Vụ C2, Rồng đỏ nhiễm chì lại 'dậy sóng'

Dù liên tục được điểm tên nhưng đã hơn một năm trôi qua từ ngày vụ C2, Rồng đỏ nhiễm chì của Công ty TNHH URC Hà Nội gây sốc dư luận, đến nay vụ việc vẫn chưa có hồi kết và có nguy cơ “chìm xuồng”.

Là một vụ việc điển hình của năm 2016 về việc vi phạm an toàn VSTP, cho đến nay vẫn chưa hề có bất cứ thông tin nào về việc người tiêu dufng được bồi thường do phải sử dụng sản phẩm C2, rồng đỏ nhiễm chì của Công ty TNHH URC.

“Điểm danh” lại tại Quốc Hội

Tại phiên họp của Quốc hội mới đây, vụ việc 2 lô sản phẩm C2, Rồng đỏ của công ty URC nhiễm chì cao gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng đã được đề cập lại. Theo đó, tại phiên họp, Chính phủ đã có Báo cáo tình hình thực thi chính sách, pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016. Đáng chú ý, Chính phủ cho hay công tác tiến hành kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính đã được tiến hành một cách nghiêm túc.

Trước khi bị cơ quan chức năng thu hồi và tiến hành tiêu hủy đã có hơn 800.000 chai C2, Rồng đỏ đã kịp tung ra thị trường.

Theo đó, trong giai đoạn 2011 - 2016, cả nước đã thành lập được 153.493 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành với sự tham gia của các ngành chức năng: Y tế, NN&PTNT, Công thương, Công an, KH&CN, GD&ĐT..., tiến hành kiểm tra tại 3.350.035 cơ sở, phát hiện 678.755 cơ sở vi phạm, chiếm 20,3%.

Về xử lý vi phạm, trong số 678.755 cơ sở vi phạm, mới chỉ có 136.545 cơ sở bị xử lý, chiếm 20,1%, trong đó phạt tiền 55.714 cơ sở với số tiền gân 134 tỷ đồng.

Việc áp dụng các chế tài xử phạt đã được đẩy mạnh qua các năm, cụ thể: tỉ lệ cơ sở bị phạt tiền (trước đây chỉ là cảnh cáo) tăng từ 30,0% năm 2011 lên 67,1% trong năm 2016; số tiền phạt trung bình 1 cơ sở tăng từ 1,35 triệu (2011) lên 3,73 triệu (2016).

Đặc biệt, trong năm 2016, Bộ Y tế đã tiến hành thanh tra Công ty URC, Công ty Coca Cola và Công ty Minh Thái Lộc cung cấp phụ gia thực phẩm cho Công ty URC.

Bộ Y tế đã xử phạt vi phạm hành chính 3 Công ty này gần 6,5 tỷ đồng. Đây là số tiền phạt cao kỷ lục trong đó Công ty URC bị phạt lên đến gần 5,9 tỷ đồng. Kết quả xử phạt này được cho là đã thể hiện tính răn đe cao đối với các cơ sở cố tình vi phạm các quy định về ATTP.

Có phải “đầu voi đuôi chuột”?

Cho ý kiến về việc xử lý các vụ việc tương tự như URC, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, hành lang pháp luật của Việt Nam khá là đầy đủ, vấn đề là khâu thực thi và xử phạt còn quá nhẹ, chưa nghiêm minh.

“Nhưng mức phạt quá thấp mà không răn đe, chỉ có ngành y tế phạt môt doanh nghiệp nước ngọt là URC 5.9 tỷ đồng còn ngoài ra các hình phạt khá thấp”, bà Tiến nói và cho rằng ngành y tế sẽ hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề này.

Vì vụ việc C2, Rồng đỏ nhiễm chì công ty URC bị phạt gần 5,9 tỷ đồng. Thanh tra Bộ Y tế yêu cầu Công ty TNHH URC Hà Nội thu hồi tối đa 2 lô sản phẩm vi phạm nói trên. Tuy nhiên, có hơn 40.000 thùng thuộc 2 lô nước C2, Rồng Đỏ nhiễm chì công ty URC không thu hồi được. Tổng số lượng sản phẩm C2, Rồng Đỏ đã bán và không thu hồi được là hơn 800.000 chai, tương đương giá trị gần 3,9 tỷ đồng.

Sau đó, một cuộc tranh cãi nảy lửa đã diễn ra, ngoài số tiền đã bị phạt phải xử lý URC tiếp theo thế nào? Con số đề xuất được đưa ra là 3,9 tỷ đồng, tương đương với số tiền URC đã bán sản phẩm “khuyết tật” nhưng không thu hồi được.

Trước đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vinastas từng cho biết, đã có 2 cuộc họp giữa Hội và URC về việc đền bù này. Ngày đó, ông Hùng cho biết đã “có hướng giải quyết khả quan”

Điều đáng nói, đã hơn 1 năm trôi qua kể từ vụ lùm xùm thu hồi hai lô sản phẩm trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ nhiễm chì vào cuối tháng 5/2016, người tiêu dùng vẫn chưa có câu trả lời xác đáng về “hồi kết” của câu chuyện này. Hơn nữa, vụ việc đang có nguy cơ "chìm xuồng" khi hiện chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra trả lời cụ thể về vấn đề bồi thường của URC đã được tiến hành tới đâu.

Phải nói thêm, trước khi được điểm mặt chỉ tên tại kỳ họp Quốc hội ngày 5/6 vừa qua, vụ sản phẩm C2 và Rồng đỏ của Công ty URC bị nhiễm chì đã bị Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhắc nhở trong buổi làm việc với Bộ Y tế vào tháng 10/2016.

Sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Nhà nước để thấy rằng, vụ sản phẩm của Công ty URC nhiễm chì là rất nghiêm trọng. Cùng với đó ai cũng hiểu mức độ nghiêm trọng của việc 800.000 chai C2 và Rồng Đỏ nhiễm chì cao đã kịp tung ra thị trường trước khi cơ quan chức năng kịp tiêu hủy. Các nhà khoa học đã nêu rõ, chì là một kim loại nặng cực độc, sẽ rất nguy hiểm cho người dùng nếu dung nạp vì nó tích lũy lâu nhưng thải trừ rất chậm ra khỏi cơ thể.

Thế nhưng, nghịch lý là dù liên tục bị nhắc nhở như là trường hợp điển hình nhất nhưng việc xử lý về ATTP, nhưng cuối cùng vụ C2, Rồng đỏ nhiễm chì của URC lại được giải quyết theo kiểu rất “êm xuôi” hay như cách ví von của nhiều người là “đầu voi đuôi chuột”.

Dưới góc độ pháp luật, trả lời báo giới, TS Đinh Xuân Thảo - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Quốc hội - cho rằng việc URC bồi thường cho người tiêu dùng đang vướng ở nhiều điểm. Phải xem xét ở đây là trách nhiệm dân sự: Nếu ai gây ra thiệt hại cho người khác thì phải đền bù theo trách nhiệm dân sự.

"Ở đây không phải là vấn đề chất lượng kém như nồng độ các chất không đầy đủ. Nếu nhiễm chì gây hại đến sức khỏe của người dân thì đó lại là một vấn đề khác. Thiệt hại về tài sản khi đó lớn hơn nhiều", ông Thảo nói.

Còn ĐBQH khóa XIII Bùi Thị An cho rằng: "Các cơ quan quản lý phải tính phương án đền bù khác để buộc những người sản xuất ra những sản phẩm liên quan đến sức khỏe của người dân thì phải đảm bảo không độc 100% là cần thiết".

Theo Thy Hằng/DĐDN

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/vu-c2-rong-do-nhiem-chi-lai-day-song-185379/