Vụ cá chết tại Đà Nẵng: Nguồn nước vùng cá chết có thông số sắt vượt quy chuẩn

* Phạt Cty T.Đ.T 94 triệu đồng do nước thải ra môi trường không đạt tiêu chuẩn

Ngày 24-4, Đại tá Trần Thanh Nhơn- Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường Công an TP Đà Nẵng cho biết, kết quả phân tích 2 trong số 3 mẫu nước thải lấy tại khu vực cá chết hàng loạt thuộc xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang (Đà Nẵng) cho thấy thông số sắt vượt quy chuẩn cho phép. Trong một diễn biến khác, UBND tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Cty CP T.Đ.T (có địa chỉ tại xã Điện Tiến, Điện Bàn, Quảng Nam) 94 triệu đồng do nước thải phân xưởng mạ kẽm nhúng nóng của Cty này thải ra môi trường không đạt tiêu chuẩn.

Cảnh sát Môi trường Công an TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam phối hợp kiểm tra hiện trường
các cánh đồng có cá chết và lấy mẫu nước tiếp tục xét nghiệm.

Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát Môi trường CATP Đà Nẵng, ngày 4-4, sau khi nhận tin phản ánh cá chết hàng loạt ở bàu Lệ Sơn Nam (Hòa Tiến), đơn vị đã nhanh chóng phối hợp cùng Phòng Tài nguyên- Môi trường H. Hòa Vang thu thập thông tin và thông báo với Phòng Cảnh sát Môi trường CA tỉnh Quảng Nam cùng tiến hành kiểm tra phân xưởng mạ kẽm nhúng nóng của Cty T.Đ.T nghi xả nước thải ra môi trường làm cá chết. Đến ngày 12-4, người dân xã Hòa Tiến tiếp tục phản ánh hiện tượng cá chết hàng loạt dọc theo mương thủy lợi và trên các cánh đồng của xã, Phòng Cảnh sát Môi trường CATP Đà Nẵng tiếp tục cùng cơ quan chức năng tiến hành khảo sát và tiến hành thu 3 mẫu nước thải tại các cánh đồng và mương hở thôn Nam Sơn. Theo kết quả phân tích, 2 trên tổng số 3 mẫu nước thu tại đồng ruộng tại khu vực bàu Lệ Sơn Nam có hàm lượng sắt vượt quy chuẩn. Cụ thể, mẫu nước thu tại đồng ruộng khu vực Bàu Lệ Sơn Nam vượt quy chuẩn 1,18 lần; khu vực cách phân xưởng mạ kẽm nhúng nóng của Cty CP T.Đ.T 20m vượt quy chuẩn 1,56 lần.

Trong một diễn biến khác, ngày 24-4, Phòng Cảnh sát Môi trường CA tỉnh Quảng Nam cho biết, UBND tỉnh đã có quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường số tiền 94 triệu đồng đối với Cty CP T.Đ.T với hành vi thải chất rắn công nghiệp thông thường trái quy định về bảo vệ môi trường. Cty này cũng có hành vi xả nước thải có chứa thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 3 lần đến dưới 5 lần trong trường hợp thải lượng nước thải nhỏ hơn 5m3/ngày (thông số Zn vượt 4,07 lần) đồng thời Cty cũng bị phạt tăng thêm 50% của mức phạt đối với thông số môi trường vượt quy chuẩn từ 5 lần trở lên (thông số sắt vượt 8,13 lần). Trung tá Huỳnh Tấn Mười - Phó trưởng phòng Cảnh sát Môi trường, CA tỉnh Quảng Nam cho hay, Cty T.Đ.T buộc phải khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu do có hành vi thải 750kg chất thải rắn công nghiệp thông thường trái quy định về bảo vệ môi trường gây ra; buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm mỗi trường và báo cáo kết quả về công an tỉnh trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt. "Cảnh sát Môi trường CA tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng sẽ phối hợp theo dõi và yêu cầu Cty T.Đ.T chấp hành nghiêm quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng như triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả, tuyệt đối không được tái phạm", Trung tá Huỳnh Tấn Mười cho hay.

Khu vực hồ lắng thuộc phân xưởng mạ kẽm nhúng nóng của Cty T.Đ.T, nơi mẫu nước thải
có chứa thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn. Ảnh: Công Khanh

Trước thông tin người dân cho rằng tình trạng ô nhiễm khiến vịt, cá, lúa chết hàng loạt tại các cánh đồng thuộc xã Hòa Tiến nhiều khả năng là do nước thải thuộc phân xưởng mạ kẽm nhúng nóng của Cty T.Đ.T xả ra, ông Nguyễn Hoàng Chương - Giám đốc Cty phủ nhận và cho rằng không có cơ sở để kết luận chuyện này. Hỏi vì sao ngay sau khi cơ quan chức năng kiểm tra, lấy mẫu nước tại dòng kênh cách nhà máy 20m đi kiểm nghiệm và cho chỉ số sắt vượt ngưỡng thì Cty đã nhanh chóng cho lấp mương nước chảy từ trong phân xưởng ra kênh, ông Chương nói là phải triển khai san lấp để cải tạo hệ thống bể chứa nước thải trước khi xả ra môi trường. Theo ông, hiện mỗi ngày phân xưởng chỉ thải ra ngoài khoảng 1-2m3 nước sau khi đã xử lý từ 3 hồ chứa, hồ lắng có dung tích khoảng 1.000m3. "Các bể này đủ sức chứa nước thải trong quá trình phân xưởng hoạt động và loại bỏ các thành phần gây hại trước khi thải ra môi trường. Chúng tôi sẽ không để nước tràn ra ngoài nữa", ông Chương cho hay.

Theo khảo sát của Phòng Cảnh sát Môi trường CATP Đà Nẵng, nguồn nước thủy lợi bị ô nhiễm khiến vịt, cá, lúa chết hàng loạt trong thời gian qua sau khi chảy về cánh đồng Lệ Sơn Nam thì chảy vào sông Yên và điểm cuối đổ về sông Cầu Đỏ, nơi cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố Đà Nẵng nên Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, UBND H. Hòa Vang cần có kế hoạch kiểm tra để xử lý.

Công Khanh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_165173_vu-ca-che-t-ta-i-da-na-ng-nguo-n-nuo-c-vu-ng-ca-ch.aspx