Vụ cắm cọc, bắt ngư dân “nộp tô” ở Hải Phòng: Bảo kê lại tái xuất

Sau khi Lao Động đăng loạt bài “Cắm cọc, bảo kê bắt ngư dân “nộp tô”, thực trạng này tại vùng cửa sông Văn Úc thuộc quận Dương Kinh, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) đã được xử lý. Tuy vậy, không được bao lâu thì gần đây, bảo kê lại xuất hiện tại vùng cửa biển thuộc quận Đồ Sơn.

Hàng cọc “lãnh địa” bảo kê tại vùng cửa biển Đồ Sơn thách thức dưluận.

Lại cắm cọc, quây bãi chiếm ngư trường

Từ tháng 6.2015 Báo Lao Động đăng loạt bài “Cắm cọc bảo kê bắt ngư dân “nộp tô””, phản ánh tình trạng bất ổn tại các bãi triều, vùng cửa biển quận Dương Kinh và huyện Kiến Thụy (Hải Phòng). Ngay lập tức, Thành ủy, UBND TP.Hải Phòng đã ra văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan vào cuộc xử lý dứt điểm, đồng thời chỉ đạo các địa phương ven biển phải tiến hành rà soát, chấn chỉnh tình trạng khai thác, nuôi trồng thủy sản tại các bãi triều ven sông, cửa biển. Giám đốc Công an TP.Hải Phòng chỉ đạo lập chuyên án 915C về việc đấu tranh với nhóm đối tượng hoạt động theo hình thức bảo kê, tàng trữ sử dụng vũ khí, cố ý gây thương tích tại khu vực bãi triều ven biển, bắt 4 đối tượng bảo kê... Tuy vậy, những ngày gần đây PV Báo Lao Động tiếp tục nhận được phản ánh của ngư dân về việc tái xuất hiện tình trạng cắm cọc, bảo kê tại khu vực bãi triều của quận Đồ Sơn (Hải Phòng).

Lên tàu của ngư dân xuất phát từ bến tàu cạnh cống Họng thuộc địa phận phường Bàng La (quận Đồ Sơn), chúng tôi dễ dàng nhận thấy hàng cọc cách bờ khoảng 1,5km, kéo dài hơn 3km từ phía đông dự án Đồi Rồng kéo dài đến khu vực gần Casino Đồ Sơn. Theo các ngư dân ở đây, từ khi hàng cọc mọc lên giữa biển, họ buộc phải ra ngư trường xa hơn cách bờ vài chục kilomet để khai thác. Ra xa nhưng với đặc thù khai thác con don, dắt thì càng ra xa sản lượng càng giảm trong khi mức tiêu thụ nhiên liệu tăng nhiều, khiến bà con ngư dân khốn đốn. Dẫu biết rằng những vùng cửa biển dồi dào sản lượng don, dắt nhất đã bị các đối tượng tự ý cắm cọc, quây bãi nhưng những ngư dân “thấp cổ, bé họng” chẳng còn cách nào khác ngoài việc tránh xa những hàng cọc.

Cửa biển lại dậy sóng

Vài lần, có tàu của ngư dân vượt qua hàng cọc, ngay lập tức có người đi tàu ra chửi bới, ngăn cản. Dù chẳng đưa ra được bằng chứng nào về tính pháp lý của hàng cọc, nhưng những đối tượng này đều khẳng định đây là vùng mặt nước của họ và họ đã “mua” rồi.

Bị các đối tượng bảo kê chèn ép quá, những ngư dân làm nghề khai thác thủy-hải sản ven bờ quyết định gửi đơn tới các cấp chính quyền địa phương, đồng thời phản ánh tới báo chí. Ngày 31.10, bà Phạm Thị Yến ở phường Hợp Đức (quận Đồ Sơn) đại diện cho 5 hộ nuôi ngao ở khu vực bãi triều phường Bàng La kiến nghị tới các cấp chính quyền việc có 5 người đi trên phương tiện tàu composite ra cắm cọc, giăng lưới vùi để đánh bắt thủy sản, ảnh hưởng đến việc nuôi ngao. Ngày 15.11, bà Yến tiếp tục làm đơn tố cáo nhóm đối tượng do ông Nguyễn Đức Hòa, ở phường Ngọc Xuyên (quận Đồ Sơn) tổ chức cắm cọc, giăng lưới vùi ở vùng nuôi ngao của mình. Tiếp đó, ngày 6.11, đại diện 10 hộ ngư dân làm nghề khai thác don, dắt ở quận Đồ Sơn làm đơn tố cáo nhóm đối tượng cắm cọc, quây bãi ngăn cấm họ vào khai thác ở bãi tự nhiên, thậm chí đe dọa hành hung.

Ngày 13.11, UBND phường Bàng La (quận Đồ Sơn) tổ chức đối thoại giữa các ngư dân với đối tượng họ tố cáo tổ chức cắm cọc là ông Nguyễn Văn Hùng ở phường Bàng La, quận Đồ Sơn. Tham gia đối thoại có đại diện Đồn biên phòng Đồ Sơn, Công an phường Bàng La, lãnh đạo UBND phường cùng một số đơn vị, đoàn thể. Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND phường khẳng định, chính quyền phường không ký hợp đồng cho phép nhóm đối tượng cắm cọc quây bãi tự nhiên. Do vậy, lãnh đạo UBND phường Bàng La đề nghị công an phường và Đồn biên phòng Đồ Sơn phối hợp làm rõ việc cắm cọc, quây bãi trái phép này theo kiến nghị của người dân. Sau cuộc họp trên, những tưởng sự việc sẽ được giải quyết nhưng tới nay hàng cọc vẫn tồn tại thách thức dư luận, còn những ngư dân hoặc tiếp tục, hoặc “treo tàu” để lên bờ làm thuê, hoặc tìm đến ngư trường khác.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/vu-cam-coc-bat-ngu-dan-nop-to-o-hai-phong-bao-ke-lai-tai-xuat-400604.bld