Vụ chặt chân tay, giả tai nạn để trục lợi bảo hiểm bị xử lý sao?

Theo quy định của bộ Luật hình sự 2015 tại điều 213, người có hành vi trục lợi bảo hiểm tùy theo mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù.

Hiện trường chị N thuê người chặt tay, chân tạo hiện trường giả. Ảnh: TTO

Một vụ việc hi hữu lần đầu tiên được ghi nhận trong lĩnh vực bảo hiểm Việt Nam, người phụ nữ 30 tuổi tại Phúc Thọ (Hà Nội) đã thuê người chặt tay chân, tạo hiện trường giả vụ tai nạn giao thông đường sắt nhằm trục lợi bảo hiểm mới đây khiến dư luận bàng hoàng.

Cụ thể, ngày 5/5, Công an Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã nhận được thông tin về một vụ tai nạn giao thông đường sắt làm nạn nhân là chị L.T.N bị cụt 1/3 bàn tay trái và 1/3 bàn chân trái.

Tuy nhiên, sau khoảng 3 tháng điều tra, cơ quan công an kết luận vụ tai nạn này là giả, chị N đã thuê một người chặt tay và chân và trình báo công an đã bị tàu hỏa tông để đòi tiền bảo hiểm nhân thọ mà chị N mua trước đó. Số tiền mà chị N yêu cầu phía bảo hiểm chi trả lên đến 3,5 tỷ đồng.

Tại Tọa đàm “Bảo hiểm và đời sống” do báo Điện tử Dân trí tổ chức sáng 25/8, ông Đoàn Minh Phụng, Phó khoa Ngân hàng và Bảo hiểm Học viện Tài chính cho biết, việc trục lợi bảo hiểm trên thế giới cũng như ở Việt Nam không hề mới, trong số những hình thức trục lợi bảo hiểm có hình thức cố ý gây thiệt hại cho tài sản hoặc cố ý gây thương tích .

Theo ông Phụng, trường hợp cố ý gây thiệt hại cho tài sản xảy ra nhiều hơn là trường hợp tự ý gây thương tích hoặc tự tử. Trong trường hợp có bằng chứng của việc bên mua bảo hiểm có hành vi cố ý gây thiệt hại tài sản hoặc tự ý gây thương tích doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm.

“Theo quy định của bộ Luật hình sự 2015 tại điều 213, người có hành vi trục lợi bảo hiểm tùy theo mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù”, ông Phụng thông tin.

Cũng liên quan đến thực trạng trục lợi bảo hiểm, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, Bộ Luật hình sự 2015 có quy định tội danh gian lận bảo hiểm mà trong thuật ngữ chuyên ngành bảo hiểm quốc tế thường gọi là trục lợi bảo hiểm.

Theo đó, trục lợi bảo hiểm được lý giải là hành vi cố ý tự hủy hoại sức khỏe, tài sản của mình hoặc cố ý giả mạo làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm, thông đồng với người được bảo hiểm để được hưởng số tiền chi trả bảo hiểm trái pháp luật. Cụ thể điều 213 Bộ Luật Hình sự quy định các hành vi gian lận bảo hiểm.

Ông Lộc cho biết, người được bảo hiểm, người bảo hiểm hoặc người thông đồng với họ để được chia tiền chi trả bảo hiểm bị kết tội chiếm đoạt tiền bảo hiểm khi giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc tự hủy hoại về tài sản, sức khỏe của mình để được hưởng quyền lợi bảo hiểm.

Theo thống kế từ Cục Quản lý giám sát bảo hiểm ( Bộ Tài chính ), giai đoạn 2007-2012, bảo hiểm phi nhân thọ đã bị trục lợi 250 tỷ đồng, bảo hiểm nhân thọ bị trục lợi hơn 550 tỷ đồng.

Trong vụ việc chặt tay, chân nhằm trục lợi bảo hiểm này, chị N đã ký hợp đồng 50 triệu đồng thuê người quen chặt tay, chân, luật sư Hồ Nguyên Lễ, Văn phòng luật sư Tín Nghĩa cho biết, cơ quan điều tra cần làm rõ người này có phải đồng phạm hay không, có tổ chức hành vi phạm tội hoặc che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm hay không.

“Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức hành vi tội phạm đều được xem là đồng phạm. Khi quyết định hình phạt đối với những đồng phạm này, Tòa án phải xét đến tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng đối tượng”, ông Lễ cho hay.

NGUYỄN THẢO

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/vu-chat-chan-tay-gia-tai-nan-de-truc-loi-bao-hiem-bi-xu-ly-sao-1914337.html