Vụ cháu Hào Anh: thế còn trách nhiệm của những người làm báo?

(CL)- Khi vụ em Bình bị vợ chồng chủ quán phở Phương Đức hành hạ bị phát lộ, có nhà báo nói rằng đã biết chuyện "nhà ấy" từ lâu…

Sau khi vụ cháu Nguyễn Hào Anh bị hành hạ được đưa lên công luận, rất nhiều cơ quan, đoàn thể quan tâm đến tình hình sức khỏe của cháu. Huyện ủy Đầm Dơi (Cà Mau) mới có quyết định kỷ luật Đảng đối với 5 cán bộ xã Ngọc Chánh vì có trách nhiệm trong vụ cháu Hào Anh bị vợ chồng chủ trại tôm giống hành hạ. Có thể sau ít ngày nữa, các cán bộ này sẽ bị kỷ luật tiếp về mặt chính quyền. Ngược dòng thời gian, cuối năm 2007, một số cán bộ công tác tại hai phường Nhân Chính, Thượng Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cũng bị kỷ luật do thiếu trách nhiệm trong công tác, để xảy ra vụ chủ quán phở Phương Đức hành hạ dã man em Nguyễn Thị Bình trong suốt 10 năm. Xung quanh câu chuyện này (và còn nhiều chuyện tương tự nữa) người ta đã nói nhiều về sự thờ ơ, vô cảm của những người dân sống trong khu dân cư cùng với nạn nhân; về trách nhiệm của chính quyền địa phương, của xã hội, của các đoàn thể tại cơ sở… Khi vụ việc cháu Hào Anh hay em Bình bị hành hạ được đưa lên báo chí, dư luận xã hội quan tâm, nạn nhân được giải thoát, vụ việc được giải quyết… báo chí nghiễm nhiên được coi là có công. Điều đó là đúng, không ai có thể phủ nhận. Nhưng nhìn nhận ở một góc độ khác lại cho thấy báo chí vẫn chưa làm tròn trách nhiệm- nếu không nói là ít nhiều có lỗi- trong những vụ việc này. Khi vụ "em Bình ở quận Thanh Xuân" khiến dư luận nổi sóng, có nhà báo thổ lộ rằng chuyện đánh đập, rên rỉ, ỉ ôi, mất trật tự ở “nhà ấy” anh không lạ, vì nhà anh cách "nhà ấy" không xa. Chúng tôi cho rằng ít nhất phải có cả trăm nhà báo cư trú tại quận Thanh Xuân và ít nhất vài ba vị thường ăn sáng tại quán phở "nhà ấy". Hiện tại, cả nước có hơn 700 cơ quan báo chí in, gần 70 Đài PT-TH, hơn 20 báo điện tử, khoảng 500 Đài truyền thanh cơ sở, khoảng 160 trang tin điện tử của các cơ quan báo chí; hơn 17.000 nhà báo- chưa kể hàng chục nghìn cộng tác viên và những người tham gia viết báo. Tỉnh nào cũng có Hội nhà báo, phạm vi hoạt động báo chí phủ kín từ thành thị đến thôn quê, từ miền xuôi đến những khu vực hẻo lánh. Với lực lượng hùng hậu như vậy, việc bỏ lọt thông tin về những thân phận như cháu Hào Anh, em Bình trong thời gian dài, có khiến những người làm báo phải nghĩ? Minh Vũ Bạn có ý kiến gì về việc một số cán bộ xã Ngọc Chánh bị kỷ luật? Bạn có cho rằng báo chí cũng có lỗi khi để sót lọt những thông tin về bạo hành trẻ em? Mời bạn gửi phản hồi cho tòa soạn vào ô thảo luận cuối bài viết (vui lòng điền đầy đủ thông tin và gõ nội dung bằng tiếng Việt có dấu). Trân trọng cảm ơn!

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/Item/VN/Vandehomnay/Vu-chau-Hao-Anh:-the-con-trach-nhiem-cua-nhung-nguoi-lam-bao/D1E145138F6349DF/