Vụ 'chuyến bay giải cứu': Lời khai lý giải vì sao doanh nghiệp phải chi tiền

Sáng 12-7, phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ án 'chuyến bay giải cứu', xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và các tỉnh, thành phố tiếp tục tiếp diễn với việc thẩm vấn xoay quanh các hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ.

Hành vi đưa hối lộ tiếp tục được làm rõ

Trả lời tại tòa, bị cáo Hoàng Diệu Mơ (Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mai du lịch dịch vụ hàng không An Bình) cho biết, khi xin cấp phép các chuyến bay, bị cáo này đã xin liên hệ với Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) và sau đó được giới thiệu liên hệ với Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao).

Quá trình xin cấp phép, bị cáo Mơ khai có đưa tiền cho nhóm bị cáo ở Bộ Ngoại giao, Cục Xuất nhập cảnh và Bộ Y tế. Tại Cục Xuất nhập cảnh và Bộ Y tế, Mơ đưa tiền cho Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Công an) 5,1 tỉ đồng và Phạm Trung Kiên (cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế) 5,1 tỉ đồng.

Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Tại Bộ Ngoại giao, bị cáo Mơ khai đã đưa cho Tô Anh Dũng 8 lần là 8,5 tỉ đồng; Hương Lan 11 lần là 13,2 tỉ đồng; đưa cho Đỗ Hoàng Tùng 7 lần là 2,6 tỉ đồng. Bị cáo Mơ khai đưa tiền là để được tạo điều kiện hỗ trợ chuyến bay. Trước đó, Mơ khai có nộp hồ sơ, nhưng chưa được Cục Lãnh sự chấp nhận vì bên Cục Xuất nhập cảnh chưa có văn bản. Do đó, Mơ tìm cách lên gặp lãnh đạo.

Tại Bộ Y tế, Phạm Trung Kiên đề nghị qua điện thoại phải chi 150 triệu đồng/chuyến bay, sau đó Mơ đồng ý và giao cho nhân viên mang tiền đến. “Việc đưa tiền cho các cựu quan chức vì muốn được xin cấp phép chuyến bay. Bên Bộ Ngoại giao không ai yêu cầu phải đưa tiền”, bị cáo Mơ nói.

Theo bị cáo Mơ, hiện bị cáo Kiên đã trả lại 2,4 tỉ đồng và Mơ đã làm đơn xin nộp lại tiền cho Nhà nước. Bị cáo Mơ khai, nguồn tiền đưa hối lộ là từ gia đình và công ty, nhưng phần lớn là tiền của công ty.

Về phần mình, bị cáo Trần Thị Mai Xa (Giám đốc Công ty MasterLife) khai rằng trong quá trình xin cấp phép chuyên bay, có đưa tiền cho 4 Bộ ngành. “Nếu bỏ tiền ra mua chuyến bay thì giá rất cao nên bị cáo đã chủ động dùng pháp nhân công ty để chuyển lên tổ công tác 5 bộ nhưng không thấy phản hồi” – nữ giám đốc doanh nghiệp trình bày và cho biết, lúc đó bị cáo này gọi lên phòng Bảo hộ công dân thì họ nói là hồ sơ đã nằm trên bàn sếp.

Sau đó, bị cáo Xa cho biết đã lên Cục Lãnh sự hỏi thì mới biết bên Cục Xuất nhập cảnh chưa thấy nói gì. Theo lời khai của Xa, bị cáo được một người cho số liên hệ với Nguyễn Sỹ Cường (cựu cán bộ Công an) và gặp tại quán cà phê.

“Lúc đó, ông Cường nói sếp không biết công ty của tôi và phải có chi phí cảm ơn. Theo cơ chế đó, ông Cường nói là 1 – 2 triệu/khách” – bị cáo Xa thuật lại. Ngoài ra, bị cáo Xa cũng cho biết rằng từ chỗ Cường, bị cáo này biết bên các Bộ khác cũng như thế nên đã gọi cho Phạm Trung Kiên để đề nghị cơ chế phù hợp và được yêu cầu với giá như vậy.

Trong quá trình cấp phép các chuyến bay, Trần Thị Mai Xa khai đã đưa 20.000 USD cho Vũ Sỹ Cường; đưa 2,1 tỉ đồng cho Vũ Anh Tuấn; đưa 5.000 USD ở Bộ Y tế và chuyển khoản 1,6 tỉ cho Phạm Trung Kiên. Đưa 30.000 USD cho Tô Anh Dũng và đưa 55.000 USD cho Nguyễn Thị Hương Lan…

Theo phân trần của vị giám đốc này, ngay từ đầu đã có những khó khăn nên mục đích đưa tiền là để không bị gây khó khăn trong quá trình cấp phép chuyến bay.

Cựu giám đốc doanh nghiệp phủ nhận tội trạng

Bị cáo Trần Minh Tuấn - Giám đốc Công ty Xây dựng Thái Hòa.

Bị cáo Trần Minh Tuấn - Giám đốc Công ty Xây dựng Thái Hòa.

Theo cáo trạng, khi làm Trưởng ban, Phó trưởng Ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19 TP Hà Nội, từ tháng 4 – tháng 12.2021, bị cáo Chử Xuân Dũng đã ký 66 văn bản đồng ý cho 16 công ty được đưa công dân Việt Nam về cách ly trên địa bàn TP Hà Nội nhưng chỉ có 13 công ty thực hiện việc đưa công dân về cách ly trên địa bàn.

Trong số 16 công ty được ông Dũng ký duyệt, qua điều tra đã xác định bị cáo này nhận tiền của 2 cá nhân để duyệt ký đồng ý cấp phép cho 4 doanh nghiệp được đưa công về cách ly tại Hà Nội. Trong đó, tháng 9/2021, Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty Xây dựng Thái Hòa) đến gặp và được ông Dũng đồng ý giúp đỡ Công ty Du lịch Quốc tế đưa khách về cách ly tại Hà Nội…

Khai báo rõ hơn về việc này, bị cáo Chử Xuân Dũng khẳng định, Tuấn có đến nhà riêng gặp gỡ do một người bạn giới thiệu. Tại đây, Tuấn đề nghị được giúp đỡ việc cách ly tại Hà Nội và cựu Phó Chủ tịch Hà Nội đã nói rõ, việc này Hà Nội vẫn làm thường xuyên để thực hiện chủ trương của Chính phủ.

Tại phiên tòa, bị cáo Phạm Bá Sơn (nhân viên Công ty Xây dựng Thái Hòa) khai nhận làm theo sự chỉ đạo của Giám đốc Tuấn. Cụ thể, Trần Minh Tuấn chuyển tiền vào tài khoản của Sơn. Sơn rút tiền và cho vào 1 phong bì đề “Gửi anh Dũng”, 1 phong bì đề “Gửi anh Tuyến”, rồi mang đến cổng UBND TP Hà Nội đưa cho Đặng Đình Tuyến (thư ký bị cáo Dũng).

Trong khi đó, trả lời các câu hỏi xoay quanh 2 tội danh bị truy tố, bị cáo Trần Minh Tuấn phủ nhận nội dung cáo trạng. Bị cáo này cho rằng đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bị cáo này không chiếm đoạt vì Tuấn và Phạm Bích Hằng (giám đốc một doanh nghiệp) hợp tác làm ăn và sau khi ngừng hợp tác, bị cáo Hằng chưa bao giờ tìm Tuấn để giải quyết.

Sau những lời khai ban đầu của Trần Minh Tuấn, HĐXX đã liên tục thẩm vấn nhằm đối chất với lời khai của bị cáo này. Tất cả đều thể hiện, Trần Minh Tuấn đã hối lộ một số cá nhân có thểm quyền cấp phép các chuyến bay. Về cáo buộc đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 5 tỉ đồng của bị cáo Phạm Bích Hằng, tuy Tuấn khai là đã trả lại số tiền này nhưng không đưa ra được tài liệu để chứng minh.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vu-chuyen-bay-giai-cuu-loi-khai-ly-giai-vi-sao-doanh-nghiep-phai-chi-tien-post545594.antd