TP.HCM thiệt hại 138.000 tỷ đồng mỗi năm do ùn tắc giao thông

Với quy mô hơn 10 triệu dân, mức độ tắc nghẽn tại TP.HCM vẫn được đánh giá nghiêm trọng so với các đô thị lớn trên thế giới. Vấn nạn này gây lãng phí khoảng 6 tỷ USD (hơn 138.000 tỷ đồng) mỗi năm.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị đánh giá thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW và Kết luận số 27-KL/TW về phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của TP.HCM, ngày 12/7.

Ùn tắc giao thông lan rộng hầu khắp các tuyến đường

Ông Phan Công Bằng - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết, qua tính toán của Sở và Viện Nghiên cứu phát triển, TP mỗi năm thiệt hại khoảng 138.000 tỷ vì tình trạng ùn tắc giao thông.

Đại diện Sở GTVT TP.HCM cũng thông tin, thống kê các chỉ số về giao thông của TP.HCM chiếm khoảng 1/4 cả nước, điều này cho thấy những áp lực giao thông rất lớn. Ông dẫn chứng một vài số liệu như sản lượng cảng biển chiếm 26% sản lượng hàng hóa cả nước với 174 triệu tấn; lưu lượng hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất là 41,1 triệu lượt/năm, đạt khoảng 25% cả nước; lượng đăng ký phương tiện giao thông khoảng 8,7 triệu, tương đương 26% cả nước...

Tình trạng ùn tắc giao thông tại TP.HCM được đánh giá là nghiêm trọng, tuy nhiên, từ năm 2015 bằng các giải pháp tích cực thì cơ bản TP kiểm soát được tình trạng giao thông, nhất là tại khu vực sân bay, cảng biển.

Nói rõ hơn về việc này, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá ách tắc giao thông đang là cản trở lớn nhất đối với sự phát triển của TP.HCM.

Ông Dũng dẫn chứng TP Manila đóng góp tới 30% GDP của Philippines nhưng vấn đề ách tắc giao thông đã làm giảm khoảng 8% GDP của quốc gia này. Hoặc như Bangkok (Thái Lan) đã làm 30 năm nay vẫn chưa xử lý xong được tình trạng ùn tắc giao thông.

"TP.HCM cần bắt đầu giải quyết vấn đề này sớm", Bộ trưởng KH&ĐT nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận ùn tắc giao thông đang có những tác động lớn tới sự phát triển của địa phương. Để giải quyết bài toán này, TP đã triển khai đề án tổ chức lại giao thông công cộng, trong đó có nghiên cứu cả hành vi, thói quen, văn hóa giao thông. Như các tuyến metro, nếu chỉ làm từng tuyến rời rạc thì đến năm 2045, hệ thống metro trên địa bàn cũng chưa xong mà xong thì cũng không thể phát huy hiệu quả.

Để phát triển giao thông cho vùng Đông Nam bộ, ông Mãi cho rằng cần tập trung đầu tư đồng bộ mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy và đường sắt, trong đó cần ưu tiên phát triển giao thông công cộng.

Chí Tâm

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/tp-hcm-thiet-hai-138-000-ty-dong-moi-nam-do-un-tac-giao-thong-210314.html