Vụ công ty chồng ca sĩ Thu Minh bị “tố” lừa đảo: Hawa cảnh báo các doanh nghiệp Việt phải thương lấy mình

Vào chiều ngày 24/8, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) đã tổ chức buổi chia sẻ kinh nghiệm quản trị rủi ro trong mua bán quốc tế, với mục tiêu nêu lên bài học kinh nghiệm cho hội viên từ vụ công ty của chồng nữ ca sĩ Thu Minh bị "tố" lừa đảo.

Chồng ca sĩ Thu Minh đã "xin" gặp Hawa

Tại sự kiện này, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hawa, cho biết cuộc họp không nhằm phán quyết ai đúng ai sai mà chỉ nhằm chia sẻ kinh nghiệm sau vụ việc. Trước khi sự kiện diễn ra ít phút, ông Otto (chồng ca sĩ Thu Minh) đã xin gặp đại diện Hawa và trình bày rằng những phát biểu của Công ty TNHH Gia Hân đã không đúng đắn và gây áp lực cho ông.

Công nhân đứng giữa trưa nắng để đòi nợ Công ty Global Home. Ảnh: Vân Lam

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hawa, đã tiếp nhận một số đơn thư và trao đổi với ông Otto về những đơn thư này. Ông Otto cũng đã có giải quyết một số khúc mắc với những hội viên của Hawa và ông Otto hẹn ông Hạnh sau 2 tuần nữa sẽ gặp để tiếp tục giải quyết.

Hiện nay, chỉ có một trường hợp là Công ty Vinafor Đà Nẵng được Global Home chấp nhận nợ và lấy lại hàng tồn kho. Hội cũng đề nghị ông Otto xem xét giải quyết các vụ việc khác sao cho hợp tình hợp lý.

Doanh nghiệp Việt phải biết tự lo cho mình

Ông Nguyễn Thế Truyền, luật sư bên phía Gia Hân, cho biết những điều khoản giữa Gia Hân và Global Home là bất lợi cho doanh nghiệp Việt. Theo vị luật sư này thì tất cả các ràng buộc pháp lý, chất lượng đều phải theo các quy định của nước ngoài và của phía Global Home. Ngoài ra, cách làm việc của ông Otto cũng rất bất thường.

Chẳng hạn, “khi ký hợp đồng đã có những đơn hàng ngay và giao dịch bằng email nhưng 23-27 ngày sau mới thanh toán. Ngay từ những đơn hàng đầu tiên, một số doanh nghiệp Việt đã bị Global Home nợ” - ông Truyền cho biết.

Đặc biệt, ông Otto De Jager thường gửi mail cho các doanh nghiệp gỗ vào lúc 5h sáng để bắt các doanh nghiệp xác nhận lại thông tin email cho buổi làm việc. Tuy nhiên, do thời điểm này doanh nghiệp không thường kiểm tra thư điện tử nên ông Otto lập tức gửi thêm một email hủy cuộc hẹn với doanh nghiệp.

Cũng theo vị luật sư này, qua tìm hiểu tại nhiều đơn vị ở các nước có làm ăn với Global Home cho thấy Global Home đã nhiều lần rút vốn, thêm vốn và thay đổi địa chỉ trụ sở hoạt động nhiều lần. Thêm vào đó, năm 2012 Global Home đóng ở Cộng hòa Czech, đến vài năm sau lại chuyển đến Praha và hiện nay công ty này vẫn chưa đưa ra được một giấy phép kinh doanh nào tại Việt Nam. Qua tìm hiểu, được biết ông Otto hiện nay chỉ nắm giữ 1% cổ phần trong Global Home.

"Vậy vai trò của ông Otto ở đây là gì khi nhiều lần rút vốn ra khỏi Global Home, chức vụ cũng không rõ ràng? Hiện nay chúng tôi đã gửi hồ sơ đến cơ quan chức năng để kiểm tra và sẽ thông tin sớm. Theo thống kê, đến nay có hơn 15 doanh nghiệp gỗ được Global Home đặt hàng nhưng từ chối nhận hàng, gây thiệt hại quá lớn" - luật sư Truyền cho biết.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, một cựu lãnh đạo của Hawa, khuyến cáo: “Doanh nghiệp Việt Nam phải biết lo cho thân mình”. Vì theo ông, phía đối tác nước ngoài thường tìm những lỗi nhỏ để bắt chẹt doanh nghiệp Việt Nam nhằm trốn tránh việc thanh toán.

Một chuyên gia về pháp lý chia sẻ doanh nghiệp Việt Nam đã không quan tâm và lường trước những rủi ro tiềm ẩn trong những hợp đồng mua bán quốc tế. Đối tác nước ngoài có thể giấu vài chi tiết trong đó, kể cả trong định nghĩa họ cũng cài cắm những điều có lợi cho họ. Chẳng hạn, các công ty gỗ làm ăn với Global Home thường giao dịch mua bán thông qua email, không có chứng từ, con dấu, điều này sẽ gây bất lợi cho doanh nghiệp khi xảy ra tranh chấp. Đã làm ăn thì phải có con dấu mới chắc chắn bảo vệ được quyền lợi của mình.

Vân Lam

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/vu-cong-ty-chong-ca-si-thu-minh-bi-to-lua-dao-hawa-canh-bao-cac-doanh-nghiep-viet-phai-thuong-lay-minh-d44622.html