Vụ CSGT được trưng dụng tài sản: "Đúng hay sai người dân phải thực hiện trước"?

Xung quanh việc cho phép CSGT được quyền trưng dụng tài sản của người dân, trao đổi với phóng viên Infonet chiều 2/2, Đại biểu QH khóa XI, XII Lê Văn Cuông cho biết, khi một văn bản của Chính phủ, Bộ ban hành dù đúng hay sai người dân phải thực hiện.

- Vừa qua, Bộ Công an ra Thông tư số 01 quy định quyền hạn của cảnh sát giao thông, trong đó cho phép CSGT được trưng dụng tài sản của người dân khi đang làm nhiệm vụ. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông: Xuất phát từ thực tiễn tình hình xã hội ngày một phức tạp, có nhiều loại tội phạm mới xuất hiện cho nên vừa qua ngành công an cũng có ra một số thông tư để hướng dẫn các cấp công an trong cả nước tăng cường quản lý, nhằm giữ vững an ninh trật tự và an toàn xã hội. Đây là việc làm rất tốt. Tuy nhiên, cần phải quản lý như thế nào cho phù hợp và hiệu quả để thông tư đi vào cuộc sống cũng là một vấn đề hết sức quan trọng.

Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông

Vừa rồi có thông tư về việc trang bị bình cứu hỏa phòng cháy nổ trên xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống cũng gây cho dư luận những ý kiến chưa đồng tình vì chưa phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, về mặt ý tưởng thì ngành công an cũng muốn làm thế nào để bảo vệ người dân và đảm bảo an toàn tài sản. Đây cũng là việc làm rất tốt nhưng vấn đề đó có đi vào cuộc sống hay không có thể hiện đúng nguyện vọng của người dân hay không thì cần phải bàn.

Mới đây, Bộ Công an lại ra Thông tư 01 có việc cho phép trưng dụng phương tiện, kể cả phương tiện giao thông, thông tin liên lạc của người dân để phục vụ cho công việc của CSGT.

Đây cũng là ý tưởng tốt. Việc này nhằm làm thế nào trong lúc người thi hành công vụ không có phương tiện để trấn áp, xử lý tội phạm thì nếu như không trưng dụng phương tiện của người dân có thể tội phạm, người vi phạm lọt lưới.

Do điều kiện trang bị phương tiện của CSGT chưa được đầy đủ và chưa được có hiệu lực cao thì những lúc người vi phạm, tội phạm chạy trốn, lúc đó rất cần phương tiện khác để hỗ trợ. Do đó, rất cần sự ủng hộ, giúp đỡ của người dân về các điều kiện đó để cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ của mình. Đó là ý tưởng tốt để phục vụ công việc, bảo vệ quyền lợi ích của công dân. Điều này cũng phù hợp.

Tuy nhiên, hiện nay dư luận đang băn khoăn, lo lắng về việc CSGT sẽ lạm dụng, vì nếu việc này được triển khai mà không có quy định chặt chẽ, người thi hành công vụ không có động cơ trong sáng, họ sẽ lợi dụng vấn đề này để làm những việc sai trái.

Thứ hai, lợi dụng vấn đề này, tội phạm sẽ đội lốt công an để lừa dân, gây ra sự phức tạp mới làm cho người dân không yên tâm.

Thứ ba, việc trưng dụng thì chi phí hay hoàn trả lại hao phí của quá trình sử dụng phương tiện này nếu hư hỏng, mất mát… thì xử lý như thế nào để cho người dân không thiệt thòi khi bị trưng dụng.

CSGT xử phạt xe vi phạm. Ảnh minh họa

Đây là những vấn đề có thể nói là đang tạo ra sự băn khoăn, lo lắng của người dân trong khi thực hiện Thông tư 01 cho nên ngành công an mà thực hiện vấn đề trưng dụng tài sản của người dân để phục vụ công việc thì phải có những quy định cụ thể để áp dụng trong thực thi, tránh vấn đề lạm dụng hoặc lợi dụng, “bật đèn xanh” cho tội phạm xuất hiện gây thiệt hại cho người dân. Quá trình người dân phải thực hiện vấn đề này người dân phải chịu thiệt thòi.

Đây là vấn đề ngành công an phải xem xét, nếu không sẽ tạo nên phản ứng chính đáng của người dân. Vì người dân không có tội gì hơn nữa tài sản của người dân là được pháp luật bảo vệ, bây giờ lại tước đoạt quyền đó để thiệt hại cho người dân thì không thể được.

Đây là vấn đề rất nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân nên khi ban hành thông tư cần nghĩ đến lợi ích toàn diện của xã hội nhưng cũng phải nghĩ đến vấn đề bảo vệ lợi ích của người dân mới đáp ứng được yêu cầu không thì không thể áp dụng được thông tư này.

- Hiện nay, có một số quan điểm cho rằng, việc cho phép CSGT được trưng dụng tài sản của người dân là vi phạm Hiến pháp và không đúng với quy định của Luật trưng dụng, trưng mua do Quốc hội ban hành. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

Vấn đề này Quốc hội đã có Luật trưng dụng, trưng mua và một số luật khác có đề cập đến. Tuy nhiên, thông tư là dưới luật. Vì vậy, đều phải chấp hành quy định của luật, nhất là Hiến pháp và các luật chuyên ngành. Vì vậy, các nghị định, thông tư của Chính phủ phải hướng dẫn không được trái pháp luật quy định.

Do vậy, phải áp dụng các quy định đó để có các thông tư cho phù hợp chứ không thể thông tư trên luật, trên Hiến pháp được. Vì vậy, các Bộ, ngành ban hành thông tư này phải được Bộ Tư pháp thẩm định xem có trái quy định của pháp luật không. Nếu trái phải ngăn chặn, bác bỏ ngay.

Nếu như thông tư bị “lọt lưới” ra ngoài xã hội, bị dư luận phản ứng thì các cơ quan chức năng của Quốc hội, mà ở đây là Ủy ban Tư pháp là cơ quan giám sát về việc ban hành văn bản pháp luật phải giám sát và xem xét vấn đề này. Nếu trái Hiến pháp, trái quy định của pháp luật phải kiến nghị đình chỉ thi hành.

- Vậy giả sử quy định cho phép CSGT được trưng dụng tài sản của người dân là trái quy định của Hiến pháp của pháp luật thì khi bị trưng dụng phương tiện, người dân có quyền từ chối?

Vấn đề ở đây chủ yếu phải do các cơ quan chức năng của Quốc hội xem xét xử lý. Còn khi một văn bản của Chính phủ, Bộ ban hành thì dù đúng hay sai người dân phải thực hiện trước đã chứ không phải là khi các cơ quan chức năng chưa bác bỏ văn bản đó thì vẫn có hiệu lực mà theo thẩm quyền được phân công thì vẫn thực hiện.

Tuy nhiên, nếu anh làm sai, sau này các cơ quan chức năng người ta bác bỏ văn bản đó thì cơ quan ban hành văn bản sai phải chịu trách nhiệm trước nhân dân. Vì vậy, khi văn bản của nhà nước quy định mà chống đối lại không thực hiện thì đây là sai phạm. Quy định này đã được quy định rõ và minh bạch.

- Theo Luật trưng dụng, trung mua do Quốc hội ban hành chỉ có một số Bộ trưởng và Chủ tịch UBND cấp tỉnh mới được ra quyết định trưng dụng, trưng mua tài sản của người dân. Bây giờ nếu trao quyền này cho mọi cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ, liệu CSGT có quyền hạn lớn quá không?

Như tôi đã nói tất cả phải lấy quy định của pháp luật là chuẩn mực để soi sáng việc làm của từng bộ, ngành. Vấn đề này để xác định đúng – sai, được phép hay không được phép thì Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cần vào cuộc.

Thứ hai, nếu thực hiện người dân có thể kiến nghị các cơ quan của Quốc hội giám sát, xem xét việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đó có trái Hiến pháp hay luật không. Vì vậy, phải kiến nghị để có ý kiến bác bỏ vấn đề đó. Vấn đề này phải có ý kiến của các cơ quan chức năng được pháp luật cho phép quy định giải thích về pháp luật và kiến nghị bác bỏ văn bản đó.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Xuân Tùng (thực hiện)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vu-csgt-duoc-trung-dung-tai-san-dung-hay-sai-nguoi-dan-phai-thuc-hien-truoc-post190558.info