Vụ Cục Sở hữu trí tuệ bị kiện: 'Tòa án đừng tiếp tay cho xâm phạm quyền lợi'

Tháng 9 năm 2015, TAND tỉnh Hậu Giang đã xét xử sơ thẩm vụ kiện hành chính mà Cục Sở hữu trí tuệ là bị đơn bị kiện vì ra quyết định từ chối cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của Cơ sở Ngân Anh.

Câu chuyện Công ty Ích Nhân (Hà Nội) sở hữu nhãn hiệu viên uống Bảo Xuân (được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu từ ngày 6/01/2010) sau đó bị Cơ sở Ngân Anh (Hậu Giang) sản xuất mỹ phẩm sử dụng nhãn hiệu cùng tên đã kéo dài nhiều năm qua. Tới đây, tòa cấp cao TAND tối cao tại TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đưa vụ án ra xét xử. Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn luật sư Nguyễn Minh Hương, trưởng Văn phòng Luật sư A Hòa (TP Hồ Chí Minh) về vụ việc.

Lập luận khiên cưỡng

PV: Xin luật sư cho biết đánh giá của mình về bản án sơ thẩm số 13/2015-HC-ST ngày 22/9/2015 của TAND tỉnh Hậu Giang?

Luật sư Nguyễn Minh Hương: Đây là bản án có nhiều điểm mâu thuẫn, sai sót nên sau đó Cục Sở hữu trí tuệ đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang cũng kháng nghị toàn bộ bản án. Trong quyết định kháng nghị số 69/QĐKNPT-P10 của Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) tỉnh Hậu Giang nêu rõ: “Căn cứ vào các chứng cứ được thể hiện trong hồ sơ vụ kiện, các chứng cứ mà đương sự cung cấp tại phiên tòa và kết quả giám định đã nêu có căn cứ để xác định Quyết định số 11692/QĐ-SHTT của Cục trưởng Cục SHTT từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Bảo Xuân cho Cơ sở Ngân Anh là có căn cứ”; “Quyết định kháng nghị toàn bộ Bản án số 13/2015-HC-ST ngày 22/9/2015 của TAND tỉnh Hậu Giang theo thủ tục phúc thẩm. Đề nghị TAND Tối cao xét xử phúc thẩm theo hướng sửa án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của Cơ sở Ngân Anh, giữ nguyên Quyết định số 11692/QĐ-SHTT của Cục trưởng Cục SHTT”.

Vấn đề sai sót, bất cập nổi lên là khi đánh giá nội dung Quyết định của cục Sở hưu trí tuệ từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu Bảo Xuân của Bảo Xuân Tòa án sơ thẩm đã viện dẫn nhóm phân loại sản phẩm theo Bảng phân loại quốc tế về sản phẩm dịch vụ để làm cơ sở phân biệt sản phẩm được gắn nhãn hiệu, là điều đã được Tổ chức sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO) khuyến cáo cơ quan đăng ký nhãn hiệu của các nước cần tránh. Không chỉ vậy, Tòa án đã viện dẫn hình thức của sản phẩm, quy cách đóng gói sản phẩm, cơ quan đăng ký lưu hành sản phẩm làm căn cứ để đánh giá tính tương tự của sản phẩm là trái với quy định tại Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Luật sư Nguyễn Minh Hương.

Luật sư Nguyễn Minh Hương.

PV: Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Hậu Giang đã cho rằng, Quyết định số 11692/QĐ-SHTT do Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ban hành đồng thời ủy quyền cho Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ký thay Cục trưởng ban hành quyết định là sai thẩm quyền. Xin luật sư cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

Luật sư Nguyễn Minh Hương: Tôi cho rằng lập luận như vậy là quá khiên cưỡng và không đúng các qui định của pháp luật. Không thể có chuyện tòa sơ thẩm đã thừa nhận Cục Sở hữu trí tuệ (Cục SHTT) là đơn vị có thẩm quyền ban hành quyết định mà Cục trưởng, Cục phó là người ký quyết định lại là sai thẩm quyền được. Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 quy định: Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp. Nghị định số 122/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ: Cục Sở hữu trí tuệ là cơ quan thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp. Cục tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Tổ chức và Hoạt động Cục Sở hữu Trí tuệ được ban hành kèm theo Quyết định số 69/QĐ-BKHCN ngày 15/01/2014 của Bộ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ. Theo Điều 6 của Điều lệ này: Cục SHTT được tổ chức và hoạt động theo chế độ thủ trưởng, kết hợp với bàn bạc tập thể. Theo Điều 3 của Điều lệ: Lãnh đạo Cục SHTT có cục trưởng và các phó cục trưởng. Cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ bổ nhiệm, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Cục Sở hữu trí tuệ.

Các phó cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ bổ nhiệm theo đề nghị của cục trưởng, có trách nhiệm giúp đỡ cục trưởng trong việc lãnh đạo chung của cục, chịu trách nhiệm trước cục trưởng và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công, được quyền quyết định những vấn đề thuộc phạm vi nhiệm vụ được giao. Do đó, việc Phó cục trưởng chịu trách nhiệm vể lĩnh vực đơn đăng ký nhãn hiệu ký thay Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ thay mặt Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành thủ tục từ chối cấp văn bằng bảo hộ là hoàn toàn đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật

Không thể tiếp tay cho sai phạm

PV: Phán quyết của phiên tòa sơ thẩm không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến vai trò cơ quan quản lý nhà nước. Theo luật sư, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan cần làm gì để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình?

Luật sư Nguyễn Minh Hương: Do đây là lĩnh vực chuyên ngành phức tạp, không dễ hiểu đối với nhiều người kể cả tòa án nên khi phán quyết của tòa sơ thẩm sai, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cần bảo vệ tính đúng đắn và sự thật khách quan của vụ việc bằng cách kháng cáo yêu cầu xem xét phúc thẩm bản án và cần tuyên truyền rộng rãi nhằm nâng cao nhận thức của xã hội và cả của ngành tòa án.

PV: Để không lặp lại những sai sót của phiên tòa sơ thẩm, theo luật sư, phiên tòa phúc thẩm tới đây Hội đồng xét xử cần tập trung giải quyết những vấn đề gì?

Luật sư Nguyễn Minh Hương: Hội đồng xét xử của phiên tòa phúc thẩm sẽ phải xem xét đánh giá các căn cứ mà bản án của phiên tòa sơ thẩm đưa ra có đúng quy định pháp luật không, cụ thể đánh giá phán quyết của tòa sơ thẩm về hinh thức ban hành Quyết định, về nội dung của Quyết định của Cục sở hữu Trí tuệ ban hành có đúng quy định pháp luật không? Vấn đề mấu chốt của vụ việc không phải là đánh giá mặt hình thức của Quyết định mà vẫn là nội dung của Quyết định, cụ thể đánh giá tính tương tự của sản phẩm do hai đơn vị khác nhau sản xuất có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng không khi cùng gắn chung nhãn hiệu, cụ thể hơn là đánh giá sản phẩm mỹ phẩm của Cơ sở Ngân Anh sản xuất gắn nhãn hiệu Bảo Xuân với sản phẩm thực phẩm chức năng , thực phẩm bảo vệ sức khỏe của Công ty Ích Nhân gắn nhãn hiệu Bảo Xuân (đã được cấp văn bằng bảo hộ từ ngày 6/01/2010) có được coi là tương tự khiến người tiêu dùng nhẫm lẫn khi cả hai sản phẩm cùng lưu hành trên thị trường?

Mặt khác, phải căn cứ theo đúng các qui định của pháp luật cũng như cần tham khảo kinh nghiệm giải quyết các vụ việc tương tự liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ ở Việt Nam. Cục Sở hữu Công nghiệp trước đây cũng đã ra quyết định từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu TRƯỜNG SINH, sản phẩm sữa đậu nành cho Công ty TNHH Trường Sinh vì cho rằng sữa đặc có đường và sữa đậu nành dễ bị lẫn thành sản phẩm cùng loại.

Tòa án nhân dân TP Hà Nội ra phán quyết buộc Công ty TNHH Trường Sinh phải chấm dứt không sử dụng nhãn hiệu TRƯỜNG SINH cho sản phẩm sữa đậu nành (được phân loại vào nhóm 30 Bảng phân loại quốc tế về sản phẩm và dịch vụ) để giải quyết vụ tranh chấp giữa Công ty TNHH Trường Sinh với Công ty Foremost, chủ sở hữu nhãn hiệu TRƯỜNG SINH đối với các sản phẩm sữa, đặc biệt sữa đặc có đường (được phân loại vào nhóm 29). Để tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam và của cả các nước khác trên thế giới đều ngăn cấm việc sử dụng nhãn hiệu trùng nhau cho sản phẩm hoặc dịch vụ tương tự hoặc có liên quan với nhau.

Cho nên, tôi hy vọng phiên tòa phúc thẩm tới đây cần xét xử khách quan, nghiêm túc, nếu như lặp lại sai lầm của phiên tòa sơ thẩm chính là tiếp tay cho hành vi xâm hại quyền sở hữu trí tuệ, có thể làm rối loạn thị trường, vô hiệu hóa vai trò cơ quan quản lý của các cơ quan chuyên ngành của nhà nước (Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục SHTT) và làm xấu thêm tình trạng thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của tế nước ta.

PV: Xin trân trọng cảm ơn luật sư!

Theo Công luận

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/doanh-nghiep/toa-an-dung-tiep-tay-cho-xam-pham-quyen-loi-d98724.html