Vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Nam Từ Liêm: Đừng để người dân thua thiệt

Mặc dù các hộ dân chưa đồng ý nhận tiền hỗ trợ bồi thường, nhưng sáng 24/2 lực lượng thuộc UBND quận Nam Từ Liêm tiến hành cưỡng chế thu hồi đất tại khu đất thực hiện dự án Đầu tư khu vực cây xanh.

Việc này khiến các hộ dân thiệt hại về tài sản dẫn đến nguy cơ nghèo đói hiện hữu.

Theo ghi nhận của PV đúng 8h30 sáng 24/2, việc cưỡng chế, giải tỏa khu đất thực hiện dự án Đầu tư khu vực cây xanh kết hợp bãi đỗ xe và dịch vụ dành cho ô tô tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội được UBND, Công an quận Nam Từ Liêm phối hợp với UBND, Công an phường Đại Mỗ tiến hành. Để đảm bảo an toàn, lực lượng chức năng đã phong tỏa hiện trường và huy động nhiều máy xúc, máy cẩu...

Máy cẩu, máy xúc được huy động đến để phong tỏa hiện trường

Lo nghèo đói

Trước đó, UBND quận Nam Từ Liêm đã thông báo yêu cầu về việc di chuyển tài sản của các hộ dân trên khu đất xong trước ngày 23/2. Được biết khu đất thu hồi để làm dự án Đầu tư khu vực cây xanh kết hợp bãi đỗ xe và dịch vụ dành cho ô tô nằm trên tuyến phố Tố Hữu đoạn từ cầu Mỗ Lao đến cầu Sông Nhuệ ( giáp ranh giữa phường Đại Mỗ và phường Trung Văn ). Với diện tích thu hồi hơn 10.000.000 nghìn m2 đất của 12 hộ dân và 1 tổ chức. Trong đó, có nhiều hộ gia đình được giao đất từ năm 1991 để sử dụng canh tác nông nghiệp cho đến nay. Sáng ngày 24/2, nhiều hộ dân trao đổi thông tin với một số báo chí. Nhiều hộ dân lo gặp khó khăn, thậm chí không còn đất canh tác để phát triển kinh tế gia đình sau khi cây cối hoa màu bị cưỡng chế và giá đền bù đất chưa thỏa đáng.

Bà Nguyễn Thị Mai (đại diện hộ gia đình ông Nguyễn Đắc Huyền trú tại tổ dân phố Ngọc Trục 2, Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết từ năm 1991 gia đình được giao 408 m2 trồng cây bảo vệ cơ đê, nhưng do kinh tế gia đình khó khăn và xung quanh khu đất cây cối um tùm, chúng tôi đã khai hoang phục hóa diện tích 5.916 m2 và đầu tư số tiền lớn vào để trồng cây lâu năm, trại chăn nuôi. UBND quận Nam Từ Liêm có chủ trương thu hồi đất để làm dự án chúng tôi đồng ý, nhưng phải đền bù thỏa đáng cho người dân với bao năm công sức cải tạo để canh tác. Bây giờ thu hồi đất thì cũng hỗ trợ bồi thường về đất để có vốn chuyển đổi nghề nghiệp do kinh tế khó khăn. Sau khi có quyết định thu hồi đất và phương án đền bù, người dân bức xúc."Gia đình tôi chỉ được bồi thường cây trồng, còn đất chính quyền thu hồi không bồi thường", bà Mai nói.

Bà Nguyễn Thị Lan (đại diện hộ gia đình Nguyễn Thị Khuyên trú tại tổ dân phố Ngọc Trục 2, Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) băn khoăn: "Đất gia đình chúng tôi có từ năm 1956 không vào hợp tác xã, giữ lại một phần diện tích để canh tác đến nay. sau đó UBND xã Đại Mỗ đã chuyển về ven sông Nhuệ nhưng vẫn nộp thuế đầy đủ. gia đình tôi được hỗ trợ bồi thường với giá 201.600đ/m2, thậm chí có nhà báo giá bồi thường chỉ có 108.000đ/m2. Nhưng hai gia đình bà Bích và ông Tạo lại được hỗ trợ bồi thường 6.000.000đ/m2 và 1.200.000đ/m2. Chúng tôi mong muốn Công ty Cổ phần phát triển đầu tư và dịch vụ Việt Nhật trao đổi bồi thường trực tiếp với người dân theo đúng quy định nhà nước. Ngoài ra, em tôi mắc bệnh tâm thần, kinh tế khó khăn, gia đình không có việc làm ổn định. Nếu hỗ trợ bồi thường như vậy thiệt thòi cho người dân. gia đình tôi biết sống làm sao".

Đừng để người dân thua thiệt

Mặc dù được giao đất từ năm 1956 để cải tạo sử dụng vào mục đích canh tác đất nông nghiệp nâng cao đời sống kinh tế gia đình, thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà UBND quận Nam Từ Liêm ra quyết định thu hồi đất với mức giá hỗ trợ bồi thường quá thấp. Sau khi nhận được phản ánh, PV đã tìm hiểu thì được biết năm 2016, UBND quận Nam Từ Liêm thông báo sẽ thu hồi đất theo quyết định số 3486, 3487, 3488, 3489, 3490, 3491, 3492, 3493, 3494/QĐ – UBND ngày 27/6/2016 để thực hiện dự án Đầu tư khu vực cây xanh kết hợp bãi đỗ xe ô tô và dịch vụ dành cho ô tô tại phường Đại Mỗ. Nhận được thông tin người dân còn chưa kịp hình dung ra cuộc sống sau này sẽ như thế nào vì đất đai bị thu hồi hết thì lại “giật mình” khi biết rằng chỉ được đền bù với mức giá 108.000đ/m2 và 201.600đ/m2. Theo người dân, mức giá này quá thấp so với thị trường và không đúng theo bảng giá đất được chính UBND TP Hà Nội quy định.

Bà Nguyễn Thị Hoàn, một người dân có đất nằm trong diện tích bị thu hồi bức xúc cho biết: Bà không đồng ý với giá bồi thường và căn cứ xác định vị trí thửa đất như hiện nay. Bà lý giải, đất chúng tôi hàng năm vẫn đóng thuế, trong khi giá đền bù có người nhận mức giá 6.000.000đ/m2 và 1.200.000đ/m2, còn chúng tôi cũng là loại đất như vậy, cùng nằm trên một dải đất lại áp dụng giá đất đền bù quá bèo 108.000đ/m2 và 201.600đ/m2là quá thấp, không thể chấp nhận được.

Chúng tôi không phản đối việc nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế nhưng với mức giá đền bù đó thì nói thật chúng tôi làm sao đồng ý được bởi số tiền ít ỏi như thế làm gì có tiền để tai đầu tư, xây dựng lại nhà cửa cũng như các công trình khác. Chúng tôi đã làm đơn đề nghị các cơ quan chức năng phải xem xét để áp dụng đúng giá đất bồi thường theo quy định của UBND TP Hà Nội nhưng vẫn bặt vô âm tín. Một người dân khác là bà Nguyễn Thị Mai cho biết: Không những đền bù với mức giá quá rẻ, các ông ấy (UBND quận Nam Từ Liêm) chỉ bồi thường về cây, không bồi thường về đất, không hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề.

Điều đó khiến chúng tôi lo lắng không biết kiếm kế sinh nhai như thế nào, nguy cơ rơi vào nghèo đói và bất ổn có thể xảy ra. Trước mắt, hàng chục hộ dân đã bị cưỡng chế thu hồi dất, không còn đất sản xuất đang nơm nớp lo sợ nguy cơ nghèo đói quay trở lại. Theo báo cáo của Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư số 01 – HĐBTHT&TĐC ngày 3 tháng 1 năm 2017 thì đã có 2 hộ đồng ý giá bồi thường, còn lại 9 hộ gia đình chưa đồng ý mức giá bồi thường.

Tuy nhiên, việc chính quyền hỗ trợ bồi thường với giá thấp như vậy khiến hàng chục hộ dân viết đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng. Nhiều hộ dân cho rằng họ được giao đất, khai hoang để canh tác từ trước đến nay, nếu thu hồi thì phải hỗ trợ bồi thường thỏa đáng, công bằng, việc cưỡng chế thu hồi đất để thực hiện dự án Đầu tư khu vực cây xanh kết hợp bãi đỗ xe ô tô và dịch vụ dành cho ô tô sẽ khiến nhiều gia đình rơi vào tình cảnh không có đất canh tác mà hầu hết các hộ gia đình không có nghề nghiệp ổn định.

PV

Nguồn : Kinh doanh & Pháp luật

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/vu-cuong-che-thu-hoi-dat-o-nam-tu-liem-dung-de-nguoi-dan-thua-thiet-p45554.html