Vũ điệu mạo hiểm

Thay đổi công việc, chẳng phải là chuyện to tát, đáng phải bàn. Thế nhưng, người hay “nhảy” từ chỗ này sang chỗ kia đôi kia làm cho cả gia đình phải…choáng!

Từ ngày ông chồng chuyển sang công ty thứ tư chỉ trong vài năm, bà Lê Thị Tú, một giáo viên cấp hai, cũng lo kiếm thêm việc làm. Thế nhưng, vợ chồng “nhảy” hai điệu khác nhau. Ông chồng, “nhảy” qua chỗ mới, bỏ chỗ cũ. Còn bà vợ nhảy tới chổ mới, vẫn giữ chổ cũ. Nói cách khác là bà phải nhiều…” Job” hơn, và muốn được như thế, bà phải ăn, ngũ ít hơn để dành thời gian cho công việc.

Mấy bà bạn đoán: “ Bà lo làm giàu, không rủ tụi tui”. Bà cười giả lả, chuyển qua chuyện khác. Bởi chuyện này dính tới ông xã, kể với bạn bè, ổng lại cho rằng bà vợ có tật: “Vạch áo cho người xem lưng”.

Mỗi lần tạm biệt cơ quan, ông đều có lý do chân chính. Lúc thì “Chỗ này sắp giải thể rồi, phải biến gấp”; lúc thì: “ Chỗ này không biết phát triển nguồn nhân lực”…Thời gian đầu, nghe ông đưa ra nhận định, phân tích lý do, bà cứ ngỡ như bà được làm vợ của một chuyên gia về lao động việc làm. Thế nhưng, càng sống chung, càng chứng kiến, bà mới nhận ra ông là người có sở thích: “Đứng núi này, trông núi nọ” rồi “Đứng núi nọ, lại trông núi kia”. Mãi mê với các “ngọn núi”, ông không còn thời gian để tròn trách nhiệm, nghĩa vụ đối với gia đình. Cụ thể là không có tiền để mang về nhà. Bởi thế, bà mới “mần” thêm việc. Than thở, trách chồng mãi cũng chẳng đổi thay được phong cách sống của ổng, chi bằng bà để giành sức lao động kiếm tiền nuôi con. Nghĩ đến cùng, thì “ lão” chồng của bà cũng có vài ưu điểm: không tham lam tiền bạc, không ham hố rượu chè gái gú, không lười tắm…chỉ mỗi tội “lưng tưng” nhấp nha, nhấp nhổm, chỗ nào cũng chê. Chắc đến khi lớn tuổi, chẳng chỗ nào tuyển, ổng mới yên phận... nằm nhà.

Bà Hoàng Hoài Thương, một nhân viên ngành may mặc, cũng khốn khổ với ông chồng thích “nhảy nhót" lung tung. Về phần kinh tế gia đình, bà không lo lắm, bởi vợ chồng có căn nhà cho Tây thuê, đủ tiền học phí cho con, tiền chợ. Thế nhưng, điều bà sợ là tính khí của ông chồng ngày càng…biến đổi, không biết đâu mà lường. Có hôm, ông vui cười tưng bừng, có hôm ổng cau có, quạu quọ, lầm lì…Nói tóm lại, ông luôn ở trên đỉnh cao của các loại cảm xúc. Khoảng thời gian giữa những lúc ông nhảy từ việc này sang việc khác, bà hầu như không thể và không được gặp mặt chồng. Không thể là vì ông có ở nhà đâu mà gặp. Không được là những lúc ở nhà ông đóng cửa im ỉm, không giao tiếp với ai. Bà hiểu, vào những lúc thất nghiệp đột xuất như vậy, ai mà vui nổi, nhưng tại ông bỏ cơ quan, chứ đâu phải cơ quan vứt ông ra khỏi cửa. Mà lý do ông ra khỏi cơ quan cũng lãng xẹt. Có khi vì "kiểu nói của trưởng phòng giống như cha người ta", có khi vì: “Sếp không biết tui là ai, nên không biết sử dụng năng lực của tui". Nghe ông nói, bà cảm thông ngay với sếp của ông, bởi vì bà sống bên ông, với ông suốt 10 năm nay, mà cũng chẳng biết ông là ai, huống chi sếp!?

Không tránh khỏi những lúc vợ chồng...lạnh lùng. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thế nhưng, ông lại biết ông là một người đầy tài năng. Bà biết được điều này qua đánh giá của ông về các đồng nghiệp “Cậu A làm kế toán chậm rù, cô B tiếp tân gì mà không vui vẻ, anh C không có tướng làm sếp…”. Mãi mê dòm ngó các đồng nghiệp, ông sao nhãng nhiệm vụ của mình. Lần chia tay gần đây của ông, vì ông giận sếp nói rằng ông không đủ chuyên môn về lĩnh vực chăm sóc khách hàng. Cơ quan cử ông đi học thêm, ông từ chối, “nhảy” sang làm chỗ khác. Tưởng sao, chỗ khác cũng bảo đi tập huấn nội dung y chang như chỗ cũ. Ông miễn cưỡng đi học, chủ yếu dành thời gian lên mạng kiếm chỗ khác “nhảy” đến.

Trong thời bình đẳng giới, phụ nữ cực kỳ năng động. “Cả cuộc đời chỉ có một địa chỉ cơ quan” giờ đây dường như không hợp với người phụ nữ thời đại. “Phải tự làm mới mình”. Đó là kiểu sống của bà Trần Thị Tố Giang, hiện đang công tác tại một công ty mua bán bất động sản. Trong khi bà hào hứng “có mới đổi cũ”, thì người khổ nhất là ông xã bà, cứ phải luôn cập nhật thông tin mới về tên, địa chỉ, số điện thoại của cơ quan bà xã. Có khi được bạn bè hỏi, ông lại chép miệng: “Bây giờ, bả làm ở đâu, tui hết biết”. Nhiều lần, ông góp ý cho vợ, nên tập trung vào một nơi để có sự ổn định, dễ phát triển chuyên môn, thăng tiến và có thâm niên, bà nhìn ông chồng như một kẻ “ lười biếng, thụ động, già cả”. Bà vợ còn đi đến kết luận: “Ông chồng cản trở con đường phát triển sự nghiệp của vợ, không quan tâm đến nhu cầu của vợ". Nói tóm lại, theo bà vợ, ông chồng là người chỉ biết sống an phận. Vợ chồng lại lục đục, lại cằn nhằn và hiện nay là đang “lạnh lùng”.

"Nhảy việc" là khuynh hướng của nhiều bạn trẻ ngày nay. "Nhảy" cho đến khi nào tìm được việc vừa ý cũng là chuyện bình thường, nhưng khi đã có một gia đình riêng, cần có sự ổn định, mà gia chủ vẫn còn muốn "tung tăng" thì gia cảnh khó mà bình thường nữa.

Phư Chu ( Tuổi Trẻ cười)

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/honnhan-giadinh/2011/Pages/vu-dieu-mao-hiem.aspx