Vụ gia đình đòi nhà trường bồi thường 1 tỷ đồng: Xin đừng đẩy sự việc đi quá xa

Việc học sinh Vũ Phương Anh lớp 1A - Trường Tiểu học Hải An (Thanh Hóa) vô tình bị bạn phi trúng thước kẻ dẫn đến mù một mắt và nhà trường bị gia đình yêu cầu bồi thường 1 tỷ đồng, nhiều giáo viên đã lên tiếng về sự việc xảy ra lần đầu tiên này.

Trường Tiểu học Hải An - nơi xảy ra sự việc đau lòng

Cho đến thời điểm hiện tại sự việc vẫn đang tạo những dư luận trá chiều. Nhiều người đồng tình với mức yêu cầu bồi thường của phụ huynh học sinh nhưng cũng có nhiều người cho rằng việc yêu cầu bồi thường đó thiếu chữ "tình".

Xung quanh sự việc này, Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn - giáo viên trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh - TP. HCM) chia sẻ: "Trong những ngày vừa qua, khi được đọc những thông tin từ các báo đăng về vụ việc của bé Phương Anh, bản thân tôi cũng rất đắn đo và suy nghĩ nhiều.

Thông qua báo Infonet, tôi hy vọng gia đình và bé Phương Anh sẽ kịp thời đọc những suy nghĩ của tôi.

Trước khi xảy ra sự việc, tôi đoán rằng Phương Anh là cô bé luôn được thầy cô, bạn bè yêu quí và con là niềm tự hào của bố mẹ. Chắc chắn, bố mẹ đặt rất nhiều niềm tin vào tương lai của con.

Nhìn hình ảnh của con sau sự việc đáng tiếc bị mù một mắt tôi cũng rất đau lòng và không khỏi xót xa vì từ nay con sẽ không còn nhìn cuộc sống xung quanh với đôi mắt tròn xoe, khi đi học con sẽ bị các bạn trêu chọc,… nhưng tôi tin rằng con sẽ đủ dũng cảm và nghị lực để vượt qua tất cả những khó khăn, vất vả phía trước.

Tôi công tác trong ngành giáo dục 18 năm, thời gian có lẽ cũng đủ để cho thấy đây là trường hợp đầu tiên mà nhà trường bị phụ huynh khởi kiện ra tòa và yêu cầu mức bồi thường gần 1 tỷ đồng.

Vụ việc đúng – sai đang chờ sự kết luận của tòa án, bản thân tôi không dám bàn luận. Nhưng tôi xin chia sẻ với gia đình vài vấn đề trong công việc dạy học của giáo viên, trong công tác quản lý học sinh của nhà trường:

Mỗi ngày khi đứng trên bục giảng, giáo viên luôn nơm nớp lo lắng về sự an toàn của học sinh. Đặc thù của học sinh tiểu học luôn hiếu động, mới la đó, nhắc nhở đó nhưng chỉ một lúc sau là các bé lại nghịch, chọc ghẹo những bạn khác.

Theo quy định, giáo viên không được đánh học sinh nên đối với những trẻ nghịch như thế, giáo viên cũng chỉ có một cách là trao đổi với phụ huynh. Nhưng có bao nhiêu phụ huynh sau khi nghe thầy cô phản ánh về con mình đã răn đe, dạy dỗ và nhắc nhở bé đâu?

Và lúc đó, người thầy, người cô là những người đầu tiên thấy mình có trách nhiệm, có lỗi.

Khi xảy ra những sự việc đáng tiếc trên lớp, trong sân trường, thầy cô, nhà trường lại được quy trách nhiệm, lại được xã hội và dư luận đánh giá. Những nhận xét, những lời đánh giá chính là “thế lực vô hình” làm nhiệt huyết, ngọn lửa của thầy cô bị “ngụp tắt”.

Khi ấy, thầy cô chỉ còn biết im lặng và tự nhủ với lòng “dạy dỗ hết mình nhưng cũng phải biết cách tự bảo vệ lấy mình, bảo vệ “nồi cơm” của cả gia đình mình”.

Tôi tin rằng, khi sự việc được các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, nhà trường và các thầy cô đã phải nhận những lời chỉ trích của dư luận thậm chí là làm kiểm điểm với cấp trên. Đó đã là hình phạt nặng nhất với họ rồi.

Tôi cũng tin, sự việc lần này sẽ là bài học đắt giá cho nhà trường. Tôi hy vọng, bố mẹ Phương Anh cũng hiểu và cảm thông về nghiệp “đưa đò”. Tôi nghĩ hơn lúc nào hết và ngay bây giờ, bố mẹ hãy dạy cho bé Phương Anh một nghị lực để bé có đủ tự tin vượt qua những mặc cảm đáng tiếc xảy đến với mình.

Hãy khơi dậy cho bé sự dũng cảm đương đầu với khó khăn trước mặt. Hãy cho bé thấy rằng “tàn nhưng không phế” qua những tấm gương: Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, nghệ sĩ guitar Nguyễn Thế Vinh... chứ đừng nên đưa sự việc ra tòa khiến nó đi quá xa!".

Cũng liên quan đến vấn đề này, chị Hoàng Hải Yến (phụ huynh học sinh lớp 4 trường Tiểu học Khương Thượng – Hà Nội) chia sẻ: “Sự việc đáng tiếc này, Phương Anh là học sinh thiệt thòi nhất. Theo tôi, cái quan trọng bây giờ là phải động viên để chính em ấy vượt qua mặc cảm, tự ti và tiếp tục học tập.

Trong sự việc này, gia đình em Phương anh đã “hơi quá” khi yêu cầu nhà trường bồi thường gần 1 tỷ đồng. Chúng ta ai cũng hiểu, giờ ra chơi, các con nô nghịch, chơi đùa, giáo viên không thể kiểm soát hết được.

Tai nạn đáng tiếc này là “sự vô tình”, không may. Đương nhiên, nhà trường cũng phải chịu một phần trách nhiệm trong sự việc lần này. Nhưng tôi nghĩ, giữa gia đình và nhà trường nên ngồi lại vói nhau và cùng nhau tìm ra cách giải quyết hợp lý nhất thay vì mang nhau ra tòa… sẽ thành tiền lệ xấu trong môi trường giáo dục”.

Cùng quan điểm, cô Nguyễn Hoàng A. (giáo viên trường Tiểu học Định Công - Hà Nội) tâm sự: “Từ hôm sự việc được đưa trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi vẫn dành sự quan tâm đặc biệt.

Là một giáo viên, tôi rất đau lòng khi chứng kiến tai nạn của em Phương Anh. Tôi hiểu, với gia đình em thì đây là sự mất mát quá lớn chẳng thể nào bù đắp được. Con số bồi thường mà gia đình em đưa ra là gần 1 tỷ đồng cũng không thể lấy lại đôi mắt sáng trong, hồn nhiên thơ ngây cho em, không thể khiến em bớt đi nỗi đau, nỗi tuyệt vọng và sự tự ti trong những ngày qua.

Là giáo viên hơn 10 năm đứng lớp, tôi hiểu rất rõ học trò luôn có những trò chơi oái oăm mà giáo viên chúng tôi cũng không thể lường được. Chúng tôi cũng đứng trước vô vàn áp lực, nào là chất lượng cuối năm, đảm bảo học sinh lên lớp, các cuộc thanh kiểm tra và giữ an toàn cho học sinh. Vì thế, tôi mong phụ huynh em Phương Anh có thể thông cảm cho nhà trường và giải quyết sự việc trong “cái tình”".

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vu-gia-dinh-doi-nha-truong-boi-thuong-1-ty-dong-xin-dung-day-su-viec-di-qua-xa-post226941.info