Vụ giải tỏa kiểu 'đánh úp': Hoàn toàn sai quy trình và quy định

Theo Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Hà Nội) thì việc UBND phường Lương Khánh Thiện tổ chức giải tỏa theo kiểu... 'đánh úp', không có văn bản, không có thông báo tại TP Phủ Lý là hoàn toàn sai so với các quy định của pháp luật...

>>Người dân kêu oan vì chính quyền tổ chức giải tỏa kiểu... 'đánh úp'

Theo nội dung đơn thư phản ánh của bà Nguyễn Thị Hằng (trú tại số nhà 6, tổ 9, phường Lương Khánh Thiện, Phủ Lý, Hà Nam) về việc chính quyền phường Lương Khánh Thiện đã tiến hành cưỡng chế trái pháp luật, sai hoàn toàn các quy định về quản lý hành chính...

Xung quanh vụ việc trên, VnMedia đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư Hà Nội để làm rõ những vấn đề khúc mắc.

Thưa luật sư, theo nội dung đơn thư phản ánh cũng như quá trình xác minh tìm hiểu thì, việc tháo dỡ lán tạm của gia đình bà Hằng dùng để che chắn vật liệu xây dựng nhà được Ủy ban phường Lương Khánh thiện thực hiện dưới hình thức gì? Cưỡng chế tháo dỡ công trình trên đất lấn chiếm hay giải tỏa hành lang an toàn giao thông?

Luật sư Trương Anh Tú: Theo thông tin được cung cấp “Khi tháo dỡ phía chính quyền cũng không đưa ra được bất cứ văn bản hay quyết định xử phạt hành chính hoặc quyết định cưỡng chế, cũng không thông báo hay tống đạt cho gia đình bà Hằng bất cứ văn bản tài liệu gì. Thậm chí đến khi tiến hành tháo dỡ xong phía gia đình bà Hằng cũng không được ký bất kỳ văn bản liên quan đến sự việc cưỡng chế ngày 22/02.”, thì không thể xác định đây là cưỡng chế tháo dỡ công trình lấn chiếm hay giải tỏa hành lan an toàn giao thông đại diện UBND phường Lương Khánh Thiện đã khẳng định trước đó.

 Luật sư Trương Anh Tú

Luật sư Trương Anh Tú

- Đối với các trường hợp tương tự như gia đình bà Hằng, việc xử lý đúng quy trình sẽ như thế nào? Và cách làm của UBND phường Lương Khánh Thiện đã không đúng ở điểm nào?

Luật sư Trương Anh Tú: Nếu UBND xã xử lý vi phạm hành chính về lấn, chiếm đất thì cần tuân thủ theo quy định tại Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP. Theo đó, UBND cấp xã cần lập Biên bản vi phạm hành chính theo Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính và được hướng dẫn tại Nghị định 81/2013 ND-CP, sau đó mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc trả lại đất đã lấn chiếm và yêu cầu hoàn trả tình trạng ban đầu của đất đã lấn chiếm. Việc UBND xã thông báo miệng rồi tổ chức cưỡng chế phá dỡ là trái quy định của pháp luật.

Đồng thời, Nghị định 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính như sau:

- Việc cưỡng chế chỉ được thực hiện sau khi đã có biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính và quyết định cưỡng chế của người có thẩm quyền. Trước khi tổ chức cưỡng chế, tổ chức ra quyết định cưỡng chế phải gửi quyết định cưỡng chế đến cá nhân (tổ chức) vi phạm và các cơ quan cấp trên để cùng thực hiện.

- Người đã ra quyết định cưỡng chế hành chính có nhiệm vụ tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế đó. Khi nhận được quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế phải phối hợp với các cơ quan có liên quan huy động lực lượng, phương tiện để thực hiện biện pháp đã ghi trong quyết định.

- Biên bản thi hành quyết định cưỡng chế để thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải ghi rõ thời gian, địa điểm, cơ quan chủ trì tiến hành cưỡng chế; cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế; đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến; kết quả thực hiện.

- Cá nhân hoặc đại diện tổ chức bị cưỡng chế, đại diện cơ quan đã ra quyết định cưỡng chế, đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến ký vào biên bản. Trong trường hợp có người vắng mặt hoặc có mặt mà từ chối ký biên bản thì việc đó phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do.

Như vậy, có thể thấy trình tự thủ tục cưỡng chế phá dỡ pháp luật đã có quy định rõ. Nếu làm trái trình tự thủ tục trên là trái pháp luật và có dấu hiệu của tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 143 BLHS nếu tài sản bị thiệt hại có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên.

Ông Phương chồng bà Hằng bên khu vực bị UBND phường Lương Khánh Thiện giải tỏa

- Đối chiếu các quy định về việc việc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông cùng với quy trình giải tỏa thì quyết định của UBND phường Lương Khánh Thiện như vậy là đúng hay sai?

Luật sư Trương Anh Tú: Việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi lấn, chiếm đất mà có mức xử phạt vi phạm hành chính đến 5.000.000 đ (năm triệu đồng) thì thuộc thẩm quyền xử lý của chủ tịch UBND cấp xã (phường), theo quy định tại Điều 31 Nghị định 102/2014/NĐ-CP. Do đó, chủ tịch UBND phường Lương Khánh có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hộ bà Hằng trong trường hợp này, tuy nhiên như đã phân tích ở trên thì trình tự thủ tục xử lý vi phạm hành chính trong vụ việc này UBND phường Lương Khánh đã không tuân thủ theo quy định của pháp luật.

- Như nội dung đã phân tích thì việc xử lý của UBND phường Lương Khánh Thiện đối với gia đình bà Hằng đã sai quy trình và quy định của pháp luật?

Luật sư Trương Anh Tú: Việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi lấn, chiếm đất mà có mức xử phạt vi phạm hành chính đến 5.000.000 đ (năm triệu đồng) thì thuộc thẩm quyền xử lý của chủ tịch UBND cấp xã (phường), theo quy định tại Điều 31 Nghị định 102/2014/NĐ-CP. Do đó, chủ tịch UBND phường Lương Khánh có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hộ ông Phương trong trường hợp nay, tuy nhiên như đã phân tích ở trên thì trình tự thủ tục xử lý vi phạm hành chính trong vụ việc này UBND phường Lương Khánh đã không tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Hải Hà (thực hiện)

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/ban-doc/201704/vu-giai-toa-kieu-danh-up-hoan-toan-sai-quy-trinh-va-quy-dinh-564844/