Vụ giám đốc dùng xe công chở gỗ lậu: Lãnh đạo chối tội, dùng nhân viên 'thí tốt'?

Sau khi dư luận phản ánh ông Cao Sỹ Phượng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) dùng xe công chở gỗ lậu, Hạt kiểm lâm vào cuộc xác nhận xe công đã chở gỗ hương giáng trái phép. Trong khi đó ông Phượng chối bỏ mọi hành vi liên quan trong một báo cáo sơ sài nhiều kẽ hở.

Hình ảnh Phó giám đốc Phạm Công Thành đi cạnh xe công chở gỗ hương giáng lậu, hoàn toàn khác với báo cáo của ông Phượng

Chối bỏ không có xe công chở gỗ lậu

Dư luận hết sức bất bình khi ông Cao Sỹ Phượng dùng xe công chở gỗ hương giáng trái phép trong khu bảo tồn loài voọc đen má trắng quý hiếm tại xã Đồng Hóa, Thạch Hóa. Khi nhận yêu cầu giải trình, ông Phượng đã có báo cáo số 81 gửi cấp trên với nội dung hoàn toàn sai sự thật. Văn bản này vừa báo cáo Sở Y tế, vừa gửi cho Huyện ủy huyện Tuyên Hóa với nội dung: Xe công dùng chở gỗ hương giáng lậu ở khu vực xã Đồng Hóa, Thạch Hóa là không có cơ sở, không đúng thực tế vì xe cơ quan được quản lý rất chặt chẽ theo phân cấp, theo quy chế và chỉ sử dụng cho mục đích công việc, phục vụ chuyên môn.

Một phần văn bản do ông Cao Sỹ Phượng ký có nội dung như sau: “Ngày 27.3.2017, Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hóa có kế hoạch làm việc tại xã Đồng Hóa, trong đó có Giám đốc, Phó giám đốc và một số cán bộ tham mưu khác. Khi làm việc tại Trạm Y tế xã Đồng Hóa xong, đoàn chúng tôi đi ra ngoài đường, có ghé vào quán tạp hóa đối diện với Trạm Y tế xã, chỗ xe cơ quan đang đậu để uống nước.

Lúc đó tôi (Cao Sỹ Phượng) và đồng chí Phạm Công Thành - Phó giám đốc Trung tâm thấy trên xe có mấy cục gỗ là gốc, rễ, tôi có bảo với đồng chí Thành lại kiểm tra xem gốc rễ gì bảo họ bỏ xuống, đừng có chở mà ảnh hưởng, đồng chí Thành lại hỏi đồng chí Võ Anh Tý, lái xe là gỗ của ai, anh Tý trả lời là gỗ của họ cho mấy người anh em nên nhờ chở. Đồng chí Thành, Phó giám đốc bảo bốc xuống, đây là xe cơ quan nên không cho chở việc riêng, anh Tý chấp nhận xả mấy cục gốc, rễ xuống gửi lại tại nhà quen gần đó, tôi có trả tiền nước, thuốc và đoàn công tác uống nước xong tiếp tục đi theo công việc”.

“Qua sự việc trên, Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hóa nhận thấy sự việc thật sự đáng tiếc và xin rút kinh nghiệm sâu sắc về quản lý, quán triệt triệt để cho lái xe và cán bộ thực hiện đúng nội quy, quy chế”.

Ông Tú khẳng định ông Phượng trả tiền gỗ hương giáng lậu ở nhà bà Tuyết

Trên thực tế, ông Phượng đã nói tránh đó là gốc rễ mà không nói là gỗ hương giáng đang bị săn lùng ráo riết theo tin đồn trừ tà. Mục đích là hạ thấp sự nghiêm trọng của việc chở gỗ lậu trên xe công để nhẹ tội trước dư luận. Trong báo cáo, ông Phượng còn giải cứu cho cấp phó với lời khen: “Đặc biệt nếu không có thái độ cương quyết của đồng chí Phạm Công Thành, Phó giám đốc Trung tâm, không cho lái xe chở số gỗ trên thì khó tránh được hậu quả lớn xảy ra”.

Dùng nhân viên làm “tốt thí”?

Trong khi báo cáo ngày 27.3 của ông Phượng sơ sài, chối tội và không chỉ rõ ai chịu trách nhiệm 4 khúc gỗ hương giáng lậu, thì biên bản liên ngành giữa Hạt kiểm lâm huyện Tuyên Hóa với UBND xã Đồng Hóa lập tại nhà bà Cao Thị Tuyết (Đồng Giang, Đồng Hóa) - nơi bán gỗ hương giáng lậu, đã nêu rõi “Nội dung báo chí phản ánh việc Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hóa đã sử dụng xe biển số xanh 73M-00045 để chở gỗ hương giáng là đúng thực tế. Các hình ảnh trong bài báo là tại nhà bà Cao Thị Tuyết, địa chỉ thôn Đồng Giang, xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình”.

Biên bản này được lập lúc 10 giờ ngày 28.3, có chữ ký của ông Hà Đức Trường, Hạt trưởng kiểm lâm huyện, đại diện UBND xã, bà Tuyết và nhân chứng là tình nguyện viên giữ đàn voọc quý hiếm.

Tiệm tạp hóa của bà Tuyết

Chiều cùng ngày, Hạt kiểm lâm làm việc với Trung tâm Y tế dự phòng huyện, trong phần kết luận tiếp tục khẳng định: “Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hóa đã sử dụng xe biển số xanh 73M-00045 để chở gỗ hương giáng là đúng thực tế. Gỗ hương giáng được bốc lên xe và chở đi đến nhà ông Minh ở gần đó và gửi lại”. Như vậy, từ báo cáo vào chiều 27.3 đến 2 biên bản lập ngày 28.3 đã cho thấy ông Phượng không trung thực.

Trong biên bản lập lúc 10 giờ ngày 27.3, ông Nguyễn Thanh Tú, người tình nguyện giữ đàn voọc đen má trắng quý hiếm ở Đồng Hóa, Thạch Hóa xác nhận: “Trong lúc đang đi tuần tra dọc đường từ xã Thạch Hóa lên xã Đồng Hóa để kiểm tra tình hình vận chuyển gỗ hương giáng trong khu vực bảo vệ voọc đen má trắng, khi đến vị trí trước nhà bà Tuyết, đoạn gần Trạm Y tế xã Đồng Hóa, tôi thấy một xe biển số xanh (BKS 73M-00045, xe công của Trung tâm Y tế Tuyên Hóa) đậu trước nhà bà Tuyết. Tôi dừng lại thì nghe một nhóm người đang trả giá để mua gỗ hương giáng trong nhà bà Tuyết. Tôi đã dùng máy ảnh để chụp lại số gỗ hương giáng trong nhà bà Tuyết và chiếc xe cùng nhóm người đang mua gỗ hương giáng. Ngay lúc đó thì ông Nam, người đi trong đoàn của Trung tâm Y tế hỏi tôi chụp ảnh để làm gì, tôi trả lời là chụp để đăng cho vui. Sau đó nhóm người của Trung tâm Y tế bốc gỗ lên xe và tôi đã chụp ảnh lại số gỗ hương giáng trên xe. Khi bốc gỗ xong, tôi nghe anh Nam nói với ông Phượng trả tiền cho bà chủ nhà”.

Ông Nguyễn Thanh Tú và một số người dân không tiện nêu tên đã khẳng định việc mua gỗ hương giáng lậu khiến đàn voọc bị ảnh hưởng do nạn đi săn lùng trái phép loại gỗ quý này từ ông Cao Sỹ Phượng. Họ cho rằng nhân viên cấp dưới của ông Phượng không bao giờ tự ý như thế. Theo người dân, việc săn mua gỗ hương giáng đang trở thành vấn đề nóng trong khu vực. Mỗi ký gỗ này có sức bán thấp nhất là 40.000 đồng thì không ai dại gì đi tặng 4 khúc gỗ rất đẹp cho các nhân viên y tế không hề quen biết.

Báo cáo của ông Phượng sơ sài, không trung thực

Diễn biến mới nhất, sau khi báo cáo sai sự thật của ông Phượng được gửi đi, Hạt kiểm lâm làm việc với Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hóa thì xuất hiện 2 nhân viên Trần Giang Nam, Nguyễn Tuấn Việt tự nguyện viết đơn giao nộp 4 khúc gỗ hương giáng lậu trên xe công này. Trước đó, trong báo cáo của ông Phượng gửi cấp trên hoàn toàn không có tên 2 nhân viên này.

Tất cả các bản giao nộp của hai nhân viên này trùng hợp với ý tưởng của Giám đốc Cao Sỹ Phượng đưa ra là ghé quán tạp hóa bà Tuyết uống nước. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, quán này không phải nơi phục vụ giải khát mà chủ yếu bán dầu ăn, bột ngọt, mì tôm, hàng làm nương rẫy, nước uống cho trẻ con...

Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Bình cho biết, trước thông tin thông tin “Dùng xe biển xanh chở gỗ lậu”, ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã có chỉ đạo làm rõ. Theo đó, công văn số 646 do Chánh văn phòng Tỉnh ủy Quảng Bình, ông Nguyễn Xuân Tuyến ký truyền đạt chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Sở Y tế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với Thường trực Huyện ủy Tuyên Hóa kiểm tra, làm rõ vấn đề báo nêu và có biện pháp xử lý nghiêm, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh trước ngày 5.4.

Trước đó, khoảng 9 giờ sáng 27.3, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Cao Sỹ Phượng và Phó giám đốc Phạm Công Thành đã đến nhà một người dân ở thôn Đồng Giang, xã Đồng Hóa, chọn 4 khúc gỗ hương giáng được khai thác lậu trong khu vực bảo tồn voọc gáy trắng, chuyển lên chiếc xe công biển số 73M-00045.

Tại đây, ông Phượng chỉ huy bốc gỗ còn ông Thành sắp xếp. Ông Phượng có đưa cho người dân một số tiền nhưng lý giải đây không phải tiền mua gỗ. Riêng việc dùng xe công ông Phượng cho biết “do anh em trạm y tế nhờ chở”. Được biết gỗ hương giáng được mua tại cội như thế này có giá 2-5 triệu đồng/khúc nhưng người dân không được tự ý khai thác và bán gỗ.

Quốc Nam

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/phong-su-c-96/vu-giam-doc-dung-xe-cong-cho-go-lau-lanh-dao-choi-toi-dung-nhan-vien-thi-tot-60005.html