Vụ giao đấu của cao thủ Vịnh Xuân Flores: Bùng nổ tranh cãi

Sau 2 trận đấu giữa cao thủ Vịnh Xuân đến từ Canada với 2 võ sư Việt Nam, đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều. Có người nói đây là trận đấu “chui”, người khác lại bảo, đây chỉ đơn giản là cuộc giao lưu võ thuật thông thường.

Màn giao đấu gây tranh cãi.

Giao lưu có cần knock – out?

Ở góc độ pháp lý, tiến sĩ, luật sư Lê Văn Thiệp – Trưởng Văn phòng luật sư Toàn Cầu, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, đây là trận đấu không trái luật, không bị điều chỉnh bởi bất cứ văn bản pháp lý nào. Đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia pháp lý khẳng định, vụ giao đấu hoàn toàn chỉ là cuộc giao lưu, học hỏi võ thuật, không cần cấp phép, bởi không gây ồn ào, phi lợi nhuận.

“Đây chỉ là những cuộc giao lưu như bao cuộc giao lưu khác. Các bên thể hiện sự học hỏi tích cực, hòa nhã, thân thiện” – ông Đào Trọng Cường, Chủ tịch danh dự Hội võ thuật Hà Nội chia sẻ.

Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý chuyên môn, trận đấu bị coi là “thi đấu chui”, chưa được cấp phép. Đơn cử như ý kiến của Phó Vụ trưởng Vụ Thể dục thể thao quần chúng, Tổng cục Thể dục Thể thao, ông Đặng Danh Tuấn, khi trả lời báo chí về trận đấu, khẳng định các bên đã không tuân thủ quy định về tổ chức thi đấu các giải thể thao quần chúng, và không được cấp phép.

Cũng là ý kiến không đồng tình với trận đấu, trả lời báo chí, ông Hoàng Vĩnh Giang – Chủ tịch Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam cho hay, đây là “trận đấu chui”, không có bảo hộ và không được cấp phép.

Hoặc, nhìn nhận ở góc độ khác, không ít võ sư tên tuổi cho rằng, khó có thể coi đây là một cuộc giao lưu thuần túy. Bởi, trong võ học, giao lưu được hiểu là các bên cùng luận bàn, thi triển tuyệt kỹ của môn phái, giới thiệu chiêu thức và qua lại nhẹ nhàng. “Giao lưu gì mà có cả cú knock – out” – một võ sư đặt câu hỏi.

Mở ra trào lưu học võ hay thách đấu ồn ào?

Nói về bản chất của 2 trận đấu ồn ào vừa qua, võ sư Đào Trọng Cường cho rằng, thực ra, ý định ban đầu Flores sang Việt Nam là để gặp gỡ, tỉ thí với chưởng môn Nam Huỳnh Đạo – võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt. Sau đó, chính 2 võ sư Việt Nam đã có lời mời giao đấu và được cao thủ người Canada nhận lời.

Theo ông Cường, cá nhân luôn ủng hộ tiêu chí, mọi cuộc tỉ thí võ thuật phải được cấp phép. Tuy vậy, cũng cần làm rõ khái niệm tỉ thí và giao lưu võ thuật. Tỉ thí được ông Cường cắt nghĩa là, việc đồng hạng cân và cấp có thẩm quyền cấp phép. “Trong nhiều giải đấu nổi tiếng thế giới, trọng lượng các đối thủ chỉ vênh nhau đến 2kg, cùng lắm đến 3kg” – ông Cường dẫn chứng. Và như vậy, với khoảng cách cân nặng, tuổi tác giữa Flores với 2 võ sư vừa qua là quá chênh lệch thì không thể coi là những cuộc tỉ thí võ thuật.

Nhìn nhận dưới góc độ tích cực, võ sư Cường cho rằng, những trận giao lưu nói trên sẽ mở ra trào lưu học tập, rèn luyện võ thuật tới đông đảo người dân. Tuy nhiên, có một thực tế là, ngay khi 2 võ sư Việt Nam thua trận, đã xuất hiện hàng chục lời thách đấu đến từ nhiều võ sĩ, võ sư, ở nhiều môn phái khác nhau.

Đứng trước hiện tượng này, luật sư Lê Văn Thiệp cảnh báo: “Phong trào học hỏi, giao lưu võ thuật cần khích lệ. Tuy vậy, mọi hành vi cần có kiểm soát, theo luật định và được bảo hộ nghiêm ngặt, bởi võ thuật có những đặc thù, có thể gây thương tích, thậm chí tính mạng nếu không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định chung”.

Bảo Trọng

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-thao/vu-giao-dau-cua-cao-thu-vinh-xuan-flores-bung-no-tranh-cai-683562.bld