Vụ Hàn Đức Long: Đề xuất bồi thường cho nạn nhân án oan?

Sau việc người nhà nạn nhân gây 'náo loạn' tại buổi xin lỗi người từng là 'tử tù thế kỷ' Hàn Đức Long, nên chăng Nhà nước cần bồi thường cho nạn nhân án oan khi chưa tìm ra thủ phạm của vụ án?

Tin tức vụ việc người nhà nạn nhân gây “náo loạn” tại buổi xin lỗi người từng là “tử tù thế kỷ” Hàn Đức Long, một câu chuyện được đặt ra là nên chăng, Nhà nước cần bồi thường cho nạn nhân án oan khi chưa tìm ra thủ phạm của vụ án? PV báo Người Đưa Tin đã phỏng vấn ĐBQH Mai Thị Phương Hoa, Ủy viên Thường trực ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc này.

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa.

PV: Thưa đại biểu, bà có ủng hộ ý kiến “Nhà nước nên bồi thường cho nạn nhân trong án oan” mà vụ án đó chưa tìm ra hung thủ không và vì sao?

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa: Một nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền đó là: Nhà nước làm sai, có lỗi với dân thì phải bồi thường, nhất là những sai phạm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền cơ bản của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Đặc biệt, những người đã bị kết án oan bằng bản án trái pháp luật, đã có thời gian chấp hành án ở trong tù cần phải được xem xét bồi thường thỏa đáng về vật chất và tinh thần. Điều này đã được quy định rõ tại khoản 5, Điều 31, Hiến pháp năm 2013 và khoản 1, Điều 31, bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Đối với nạn nhân của các vụ án oan, gần đây có việc gia đình nạn nhân phản ứng buổi công khai xin lỗi oan ông Hàn Đức Long ở Bắc Giang. Có ý kiến cho rằng cần quy định về bồi thường thiệt hại cho nạn nhân vụ án. Tôi cho rằng, xuất phát từ tính nhân đạo của Nhà nước ta đồng thời góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, ý kiến nêu trên rất đáng cân nhắc. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề này cần được nghiên cứu thận trọng, lấy ý kiến nhân dân, các cơ quan hữu quan và tham khảo kinh nghiệm nước ngoài.

PV: Ở các vụ án chưa tìm được thủ phạm, nỗi đau của nạn nhân, gia đình nạn nhân là rất lớn. Vậy, làm sao để góp phần xoa dịu nỗi đau cho nạn nhân, gia đình nạn nhân án oan?

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa: Quan hệ bồi thường Nhà nước trong các vụ án oan là quan hệ giữa Nhà nước và người bị kết án oan; chỉ đặt ra khi các quyết định bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án do người có thẩm quyền trong tố tụng hình sự ban hành trái pháp luật. Còn nạn nhân và gia đình nạn nhân mặc dù cần được nhận sự cảm thông, sẻ chia từ Nhà nước và xã hội nhưng lại không thuộc phạm vi điều chỉnh của quan hệ này.

Nhà nước có nhiệm vụ tìm ra thủ phạm đích thực của vụ án và đưa ra xét xử bằng bản án nghiêm minh, công bằng. Tại bản án này, Tòa án sẽ tiến hành giải quyết vấn đề dân sự cùng với việc giải quyết vụ án hình sự (như hành vi phạm tội mà gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, tài sản của nạn nhân, ngoài việc làm phát sinh trách nhiệm hình sự, còn phát sinh trách nhiệm dân sự của người phạm tội; hoặc những vấn đề có liên quan đến tiền và tài sản như: Tang vật, tịch thu vật, tiền hoặc tài sản do phạm tội mà có, đòi lại tài sản, đòi bồi thường thiệt hại... Trường hợp chưa có điều kiện chứng minh thiệt hại hoặc giải quyết bồi thường, có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự riêng. Điều này sẽ phần nào hạn chế bớt nỗi đau, sự mất mát của nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân.

Bên cạnh đó, nếu đặt vấn đề Nhà nước bồi thường cho nạn nhân trong các vụ án oan, cũng phải đặt vấn đề bồi thường cho nạn nhân trong các vụ án hình sự khác để tránh sự bất bình đẳng. Như vậy, kinh phí để thực hiện quy định này cũng là vấn đề cần phải cân nhắc. Bởi vì, nếu có cũng lấy từ tiền ngân sách, chính là tiền thuế của dân đóng góp. Nếu khoản tiền này được áp dụng đối với tất cả các nạn nhân của tất cả các vụ án hình sự, số tiền sẽ không phải là nhỏ.

PV: Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định: Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Nên chăng Nhà nước cũng cần có phần trách nhiệm đối với nạn nhân và gia đình nạn nhân trong trường hợp không chứng minh được tội phạm?

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa: Vấn đề này đặt ra là hoàn toàn mới. Xét về khía cạnh đề cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và Nhà nước cần chia sẻ một phần nỗi mất mát của nạn nhân, gia đình nạn nhân, tôi cho rằng về lâu dài có thể có những nghiên cứu về vấn đề này.

Tuy nhiên, nếu có quy định thì cũng không nên quy định trong luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước mà nên quy định trong một văn bản quy phạm pháp luật riêng và chỉ nên áp dụng trong trường hợp nhất định như: đối với những vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm đến tính mạng con người mà Nhà nước không tìm được thủ phạm sau một thời hạn do luật quy định.

Về số tiền mà nạn nhân và gia đình nạn nhân được nhận: Do điều kiện kinh tế của đất nước ta còn nhiều khó khăn, khoản tiền này có thể mang tính tương đối, sau có thể được nâng lên theo sự phát triển của kinh tế và cần giới hạn mức tối đa.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Dương Thu (thực hiện)

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/vu-han-duc-long-de-xuat-boi-thuong-cho-nan-nhan-an-oan-a324572.html