Vụ 'hàng trăm hécta rừng bị chặt, vì cho là nghèo kiệt' ở Bình Phước: Kiểm lâm ngăn, tỉnh vẫn cho chặt hạ

Ông Nguyễn Văn Ách - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bù Đốp - đến giờ vẫn còn xót xa, vì không cách gì cứu vãn gần 130ha rừng, dù ông đã cố gắng hết mức.

Báo Lao Động ngày 20.8 thông tin, vin lý do “rừng nghèo kiệt”, UBND tỉnh Bình Phước (BP) đã cho phép các chủ đầu tư dự án chặt hạ hàng trăm hécta rừng để chuyển sang trồng caosu và chăn nuôi. Đáng nói, tại dự án “chăn nuôi” của Cty TNHH MTV caosu Sông Bé, bất chấp Hạt Kiểm lâm – một trong những cơ quan tham mưu – đã kịch liệt phản đối “chuyển đổi rừng nghèo kiệt”; song, UBND tỉnh BP vẫn tạo điều kiện cho chủ đầu tư mạnh tay… chặt hạ rừng.

Kiểm lâm phản đối!

Ngày 3.6.2010, UBND tỉnh BP phê duyệt “Dự án chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng rừng caosu và khoanh nuôi bảo vệ rừng” (575,2ha) của Cty TNHH MTV caosu Sông Bé. Theo đó, tại khoảnh 1, tiểu khu 69, thuộc huyện Bù Đốp, UBND tỉnh BP đã xác định là 155,4ha. Trong đó, có 129,5ha vẫn còn nhiều loại rừng, gồm: 35,2ha rừng gỗ, 25,2ha rừng khộp, 46ha rừng lồ ô, 17,1ha rừng le và chỉ có 5,8ha đất trống. Dù vậy, UBND tỉnh BP vẫn cho rằng các loại rừng trên là rừng “nghèo kiệt” nên cho phép Cty caosu Sông Bé “chuyển đổi sang trồng mới hoàn toàn bằng cây caosu” trên 129,5ha rừng nêu trên - đồng nghĩa, Cty caosu Sông Bé được phép chặt hạ các loại rừng gỗ, khộp, lồ ô và le trên diện tích 129,5ha.

Ngày 26.10.2015, Hạt Kiểm lâm Bù Đốp đã có văn bản phản đối việc tàn phá rừng dưới cái gọi là “chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo kiệt”… Theo Hạt Kiểm lâm Bù Đốp: “Theo quy hoạch 3 loại rừng, toàn bộ diện tích rừng tự nhiên 575,2ha tại khoảnh 1, 2, 3 tiểu khu 69, thuộc quy hoạch rừng sản xuất, nhưng lại gắn liền với các tiểu khu rừng phòng hộ rất xung yếu khác… Do đó, tạo nên một hệ thống quản lý liền vùng, đồng thời cũng là vùng đệm nên góp phần hết sức quan trọng trong việc bảo vệ hệ sinh thái rừng phòng hộ đầu nguồn…”. Từ đó, Hạt Kiểm lâm Bù Đốp đề nghị UBND tỉnh BP: “Không tiến hành chuyển đổi diện tích 129,5ha tại khoảnh 1 và 224,32ha tại khoảnh 2, 3 tiểu khu 69 để thực hiện trồng caosu, vì nếu trồng caosu sẽ phá vỡ hệ thống quản lý bảo vệ diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn và sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên dự kiến làm khu du lịch sinh thái 10.000ha Bù Đốp - Bù Gia Mập”. Thậm chí, Hạt Kiểm lâm Bù Đốp còn kiến nghị “điều chỉnh toàn bộ diện tích đất rừng 575,2ha tại khoảnh 1, 2, 3 tiểu khu 69 vào quy hoạch rừng phòng hộ đầu nguồn”.

Chưa hết, ngày 14.3.2016, Hạt Kiểm lâm Bù Đốp ra tiếp văn bản (số 13/KL-QL), gửi UBND tỉnh BP với kiến nghị “chỉ tiến hành thực hiện việc chuyển đổi đối với diện tích 27,8ha đất không rừng để thực hiện trồng cỏ hoặc các công trình khác để phục vụ cho dự án chăn nuôi…, còn đối với những diện tích rừng tự nhiên 101,7ha tại khoảnh 1, tiểu khu 69 và 345,7ha tại khoảnh 2, 3 tiểu khu 69, cần tiến hành đưa vào thực hiện quản lý bảo vệ chặt chẽ…”.

Bất chấp tham mưu, can ngăn của cấp dưới, tháng 7.2016, UBND tỉnh BP vẫn ban hành thông báo “yêu cầu tiếp tục thực hiện Dự án chăn nuôi, kết hợp trồng rừng trên diện tích 575,2ha”. UBND tỉnh BP cho phép Cty caosu Sông Bé “khai thác lâm sản trên diện tích 224,3ha tại khoảnh 2, 3 tiểu khu 69”… Và, liên tục những ngày sau đó, hàng loạt cây rừng tại tiểu khu 69 đã bị chặt hạ một cách ráo riết, cho đến khi công luận lên tiếng vào đầu tháng 8 vừa qua… Và C49 thuộc Bộ Công an vào cuộc, yêu cầu tỉnh BP dừng phá rừng, thì gần 130ha rừng tại khoảnh 1, tiểu khu 69 đã bị xóa sổ.

Không ngành nghề “chăn nuôi”, vẫn thực hiện dự án “chăn nuôi”

Điều kỳ lạ trong vụ chặt hạ rừng trên, là Cty TNHH MTV caosu Sông Bé từ trước đến nay, không hề có ngành nghề chăn nuôi (chỉ có chức năng trồng cây công nghiệp). Thế nhưng, tại dự án trên, UBND tỉnh BP vẫn cấp phép cho Cty này thực hiện dự án “chăn nuôi”? Theo luật sư Hồ Nguyên Lễ - Trưởng Văn phòng luật sư Tín Nghĩa (TPHCM): “Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các quy định khác của Nhà nước, Chính phủ quy định rất rõ - một DN muốn đầu tư vào lĩnh vực, ngành nghề nào đó, bắt buộc phải có giấy phép đăng ký ngành nghề, lĩnh vực đó. Ngoài ra, còn đòi hỏi phải có năng lực tài chính, kinh nghiệm…

Ở đây, tỉnh BP lại cấp phép cho Cty này thực hiện dự án chăn nuôi, là chưa đúng quy định của luật pháp. Bên cạnh đó, lúc đầu, tỉnh BP phê duyệt dự án “trồng rừng” và “khoanh nuôi bảo vệ rừng”, nhưng sau này, thêm khái niệm “chăn nuôi” vào dự án cũng là điều bất thường. Tại sao lại có phát sinh này? Việc thêm lĩnh vực “chăn nuôi” vào dự án đã được phê duyệt sẽ gây nhiều xáo trộn trong hồ sơ thiết kế dự án vốn đã được các cơ quan chức năng thẩm định phê chuẩn… Việc bổ sung ngành nghề “chăn nuôi” vào dự án đầu tư trong khi chưa được các cơ quan chức năng xem xét chấp thuận, mà Cty caosu Sông Bé vẫn căn cứ mục tiêu “chăn nuôi” để chặt hạ cây rừng cũng là không đúng quy định của luật pháp”.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/vu-hang-tram-hecta-rung-bi-chat-vi-cho-la-ngheo-kiet-o-binh-phuoc-kiem-lam-ngan-tinh-van-cho-chat-ha-586362.bld