Vụ Hàng trăm người khuynh gia bại sản vì “bà hội đồng”: Thêm nhiều người tố cáo

(CATP) Trong những số trước, Báo CATP đã đăng loạt bài điều tra về hành vi của bà Lê Thị Thúy, SN 1963, trú tại xã Nam Trung, huyện Nam Sách, Hải Dương - đại biểu HĐND tỉnh Hải Dương và huyện Nam Sách. Ngày 13-8-2013, chúng tôi trở lại huyện Nam Sách và bất ngờ chứng kiến rất đông nạn nhân của bà Thúy cầm băng rôn đứng dưới cái nắng gần 40 độ để đòi nợ. Biết chúng tôi là nhà báo, nhiều người đề nghị cung cấp thêm thông tin và chúng tôi bàng hoàng khi biết thêm một phần sự thật.

>> Hàng trăm người khuynh gia bại sản vì “bà hội đồng” (kỳ cuối)

>> Hàng trăm người khuynh gia bại sản vì “bà hội đồng” (kỳ 1)

Bà ấy dã man quá!

Bà Khúc Thị Bé nhà đối diện nhà bà Thúy nghẹn ngào kể: “Chúng tôi là hàng xóm nên khá thân thiết. Năm 2005, chồng tôi bị bệnh máu trắng nên thường xuyên phải về Hà Nội điều trị. Hồi ấy cô Thúy hay làm ăn trên Hà Nội nên thỉnh thoảng cho chồng tôi đi nhờ xe. Cô ấy còn vào bệnh viện thăm hỏi khá chu đáo khiến gia đình tôi rất biết ơn. Chồng tôi không thể qua khỏi. Sau đám tang, cô Thúy bảo em thương hoàn cảnh chị một mình nuôi bốn con nhỏ, em sẽ giúp chị làm ăn. Lúc ấy có người nợ tôi trên 30 triệu tiền tỏi, mấy lần tôi đến đòi nhưng không được. Thấy vậy cô Thúy bảo chị cứ yên tâm, em sẽ đòi giúp. Bẵng đi một thời gian không thấy cô Thúy đòi hộ thì cô ấy xuất hiện nói đang gặp khó khăn nhờ tôi vay hộ tiền. Vốn nể cô ấy nhiệt tình với gia đình mình, tôi đến nhà anh em họ hàng vay được hơn 60 triệu và hai cây vàng đưa cho cô ấy. Khi cần tiền trả cho người ta, tôi đến gặp cô Thúy thì cô ấy cứ khất lần. Thấy hoàn cảnh tôi khổ quá, cô ấy đưa cho 20 triệu để trả đỡ và hẹn bao giờ xong dự án sẽ trả nốt và cho thêm một khoản để làm vốn. Giờ tôi ôm cục nợ quá lớn, có khi phải bán nhà. Mỗi ngày tôi làm việc hơn 10 tiếng đồng hồ (chế biến tỏi thuê) mới được dăm, bảy chục ngàn, nuôi con còn chẳng đủ lấy gì trả nợ”.

Thê thảm hơn là bà Lê Thị Nga ở xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách. Vì là người trong họ nên năm 2007 bà Nga được nhận vào rửa bát cho nhà hàng của bà Thúy, lương mỗi tháng 1 triệu đồng. Hơn một năm làm việc bà Nga mới được trả lương nhưng ngay sau đó bà Thúy lại vay hết số tiền bà Nga vừa nhận. Từ những tháng sau, dù được tăng lương nhưng thực tế mỗi tháng bà Nga chỉ được bà Thúy ứng khoảng 300 ngàn. Theo tính toán của bà Nga, tính đến khi nghỉ việc, bà Thúy còn nợ bà Nga trên 30 triệu đồng tiền lương. Sau khi chồng mất vì tai nạn giao thông năm 2002, bà Nga để hai đứa con nhỏ ở nhà để đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Hết hợp đồng lao động, bà Nga tích cóp từ lương và khoản bồi thường của người gây tai nạn cho chồng bà được 200 triệu đồng; 6.400 USD và 1 cây vàng. Bà Thúy lân la tìm đến và dỗ ngọt: “Mợ có tiền cứ cho tôi vay nóng, vài chuyến hàng là tôi trả đủ cả gốc lẫn lãi”. Thấy bà Thúy sang trọng như đại gia, bà Nga không chút nghi ngờ, đem toàn bộ gia sản gửi người bà con và từ năm 2010 đến nay bà Thúy không thèm trả lãi chứ đừng nói đến gốc.

Trong số những nạn nhân của bà Thúy, ông Nguyễn Quang Khởi có lẽ là người chịu nhiều ấm ức nhất. Làm việc mấy năm cho bà Thúy không được trả lương đã đành, toàn bộ tiền dành dụm của con trai (khoảng hơn 1 tỷ đồng) bị bà Thúy “vay” hết. Khi cậu con út của ông Khởi bị tai nạn giao thông với tình trạng rất nguy kịch, ông Khởi tìm đến bà Thúy đòi tiền để cứu con. Bà Thúy tìm chị Hương, một người làm kinh doanh ở thị trấn Nam Sách vay mấy chục triệu để trả ông Khởi. Dù biết bà Thúy là người chầy bửa trong chuyện vay mượn và đang gặp khó khăn nhưng thương ông Khởi, chị Hương đi vay hộ bà Thúy mấy chục triệu. Ít ngày sau gặp ông Khởi, chị Hương mới biết thì ra số tiền ấy bà Thúy mang đi đâu đó chứ chẳng đưa ông Khởi đồng nào. Rất may con ông Khởi đã qua được cơn nguy kịch nhưng di chứng rất nặng nề.

Ông Phạm Công Định, Bà Lê Thị Nga, Bà Nguyễn Thị Dư

Trước khi mọi việc vỡ lở, bà Thúy thường xuyên mang tổ hợp nhà hàng, khách sạn Gió Nam để làm bùa khi đi vay tiền. Bà thường động viên, cứ cho tôi vay, nếu khó khăn tôi bán Gió Nam thì thừa tiền trả nợ. Tuy nhiên, để có cơ ngơi ấy, bà Thúy khiến nhiều người chết dở sống dở. Khi chúng tôi chuẩn bị ra về, một phụ nữ dáng khắc khổ tất tả chạy đến đập cửa xe. Bà cho biết tên là Nguyễn Thị Dư ở xã Nam Trung, huyện Nam Sách. Làm ruộng không đủ ăn nên vợ chồng bà kinh doanh vật liệu xây dựng. Đang lúc ế ẩm thì bà Thúy đến đặt vấn đề: “Em sắp xây nhà hàng, khách sạn, chị chở vật liệu cho em. Em có nhiều quan hệ nhưng vì chị là người làng lại đang khó khăn nên em giúp”. Mừng như mở cờ trong bụng, vợ chồng bà Dư luôn cung cấp vật liệu loại tốt nhất, giá mềm nhất và đúng hẹn nhất cho bà Thúy. Lâu không thấy bà Thúy trả tiền, bà Dư cứ nghĩ bà Thúy bận kinh doanh nên thỉnh thoảng mới dám gọi điện nhắc chứ không dám đòi rát. Công trình đi vào hoạt động một thời gian dài và sắp đến thời kỳ xuống cấp vẫn không nhận được tiền, vợ chồng bà Dư mới tá hỏa khi nghe tin bà Thúy nợ hàng trăm tỷ đồng. Số tiền bà Thúy nợ bà Dư lên đến gần 1,1 tỷ đồng. Thực tế đau lòng là bà Dư phải đi vay ngoài để mua vật liệu cung cấp cho bà Thúy.

Bây giờ chúng tôi mới biết

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thành Công, Tỉnh ủy viên, Ủy viên thường trực HĐND tỉnh Hải Dương và ông Phạm Công Định, Phó chánh Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương kiêm Phó ban Pháp chế HĐND tỉnh trong buổi làm việc với PV Báo CATP ngày 13-8-2013.

Người dân căng băng rôn yêu cầu bà Thúy trả tiền

Ông Công nói: “Chúng tôi chưa đọc báo, hơn nữa HĐND chưa nhận được đơn thư hay văn bản nào về việc bà Thúy nợ nần. Cả huyện Nam Sách có năm người được bầu vào HĐND tỉnh trong đó có một doanh nghiệp là bà Thúy. Trong số năm đại biểu, bà Thủy có phiếu bầu thấp nhất (63,9%). Trong kỳ họp HĐND lần thứ nhất, đại biểu Thúy tham dự đầy đủ, đến kỳ thứ hai thì xin phép vắng mặt. Đến kỳ thứ tư bà lại đi họp bình thường. Theo quy định, vắng mặt trong ba kỳ họp liên tiếp mới bị xem xét tư cách đại biểu. Chúng tôi cũng nghe loáng thoáng bà Thúy làm ăn gặp khó khăn nhưng không có thông tin cụ thể”.

“Khi đã nghe dư luận về việc nợ nần của bà Thúy, tại sao các ông không xác minh để làm rõ thông tin”, chúng tôi hỏi thì ông Định cho biết: “Trách nhiệm này thuộc về tổ đại biểu HĐND. Bà Thúy ở tổ bầu cử số 6 huyện Nam Sách. Ông Lê Văn Hiệu, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nam Sách được phân công làm tổ trưởng. Ông Hiệu không báo cáo chúng tôi cũng chịu. Sau buổi làm việc này, chúng tôi sẽ báo cáo với thường trực HĐND xin ý kiến. Trong trường hợp cơ quan chức năng kết luận bà Thúy vi phạm pháp luật thì chúng tôi mới có thể xem xét xử lý. Chúng tôi cũng sẽ yêu cầu tổ đại biểu số 6 báo cáo vụ việc này”.

“Chỉ cần ngồi quán nước chè vài phút là nghe người dân nói đủ thứ chuyện về bà Thúy mà lãnh đạo HĐND không hề biết, vậy các ông có quan liêu quá không?”, chúng tôi hỏi thì ông Định trả lời dứt khoát: “Chúng tôi không ngồi quán nước chè. Hết giờ làm chúng tôi chơi thể thao rồi về nhà!”.

“Trong trường hợp bà Thúy có tội thì nơi chịu trách nhiệm trực tiếp là tổ đại biểu số 6. HĐND tỉnh chỉ chịu trách nhiệm liên đới thôi vì bà Thúy là giám đốc doanh nghiệp lại ở dưới địa phương nên tỉnh không thể nắm tình hình một cách sâu sát được”, ông Công nói thêm.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=681&id=501267&mod=detnews&p=