Vụ hoa hậu Phương Nga: Luật sư kiến nghị khẩn cấp vì cho rằng bị xâm phạm về chứng cứ

Hôm nay (4.8), luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) đã gửi bản kiến nghị khẩn cấp đến các cơ quan trung ương và các vị lãnh đạo cấp cao vì cho rằng, vụ án hoa hậu Phương Nga bị cáo buộc lừa đảo, đang bị xâm phạm nghiêm trọng đến bằng chứng sau khi tòa án tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung...

Phiên tòa xét xử vụ án hoa hậu Phương Nga. Ảnh: P.B

Theo kiến nghị khẩn cấp của luật sư Nguyễn Văn Quynh, phiên tòa xét xử sơ thẩm lần thứ 2 từ ngày 21 - 29.6, sau khi thẩm vấn bị cáo, người liên quan, nhân chứng..., TAND TPHCM đã dừng phiên toà, quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung đối với vụ án này.

Ngày 27.7, Văn phòng Cơ quan CSĐT (PC 44) đã mời luật sư Quynh lên làm việc để chứng kiến việc mở niêm phong các chứng cứ có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp mà quá trình xét xử những người tham gia tố tụng đã giao nộp cho tòa án.

Bà Hồ Mai Phương (mẹ Phương Nga) cũng được mời tới chứng kiến việc mở niêm phong, chứng cứ mà luật sư cùng bà Hồ Mai Phương đã ký niêm phong tại tòa án trước đó.  Tuy nhiên, theo thông báo của điều tra viên, do luật sư và bà Hồ Mai Phương đến trễ nên cơ quan điều tra đã cho tiến hành mở niêm phong trước đối với chứng cứ là 5 bức thư nylon, trước sự có mặt của bị can Nguyễn Đức Thuỳ Dung và nhân chứng Lữ Minh Nghĩa (có biên bản làm việc). Cơ quan điều tra chịu trách nhiệm về việc mở niêm phong này.

Tại buổi làm việc, luật sư có ý kiến với điều tra viên rằng, không đồng ý cho Cơ quan điều tra (PC44) mở niêm phong các chứng cứ này. Bởi lẽ, vụ án này và đặc biệt là nội dung thông cung tiết lộ bí mật điều tra có dấu hiệu cho thấy điều tra viên và cán bộ quản giáo có liên quan. Đây là dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp, thông cung tiết lộ bí mật điều tra.

Theo đó, việc điều tra nhóm tội phạm này thuộc thẩm quyền Cục Điều tra Viện KSND Tối cao. Vì lẽ đó, Cơ quan điều tra (PC44) không có quyền tiến hành điều tra nội dung này. Điều đó đồng nghĩa với việc mở chứng cứ giao nộp để điều tra xác minh là trái thẩm quyền điều tra. Như vậy, việc Cơ quan điều tra (PC44) mở chứng cứ “thông cung” là có dấu hiệu không khách quan, là hành vi tiếp tục xâm phạm hoạt động tư pháp của Cơ quan điều tra - luật sư Nguyễn Văn Quynh nêu trong bản kiến nghị khẩn cấp như vậy.

"Đồng thời điều tra viên còn yêu cầu bị can Nguyễn Đức Thuỳ Dung chép lại toàn bộ các bức thư nylon thông cung đó để đưa đi giám định là không đúng thẩm quyền điều tra", kiến nghị khẩn cấp của luật sư cũng nêu như vậy.

P.B

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phap-luat/vu-hoa-hau-phuong-nga-luat-su-kien-nghi-khan-cap-vi-cho-rang-bi-xam-pham-ve-chung-cu-689428.bld