Vũ khí Na Uy cứu tinh cho F-35

Sau loạt tai tiếng, Na Uy đang là người cứu tinh cho máy bay F-35 bằng loại vũ khí công nghệ cao thuộc thế hệ 5 do nước này tự phát triển.

Vũ khí thế hệ 5

Theo National Interest, hãng Kongsberg của Na Uy tuyên bố kế hoạch phát triển phiên bản mới của tên lửa Naval Strike Missile (NSM) dành cho tiêm kích thế hệ 5 F-35 do Mỹ phát triển. Theo đánh giá, hiện nay trên thế giới chỉ có NSM đạt tiêu chuẩn tên lửa thế hệ 5.

Nhà sản xuất cho biết, NSM có thể được phóng đi từ nhiều phương tiện khác nhau như trực thăng, tàu chiến, từ đất liền... và sắp tới là F-35. Sau khi đạt độ cao và tốc độ phù hợp, động cơ phản lực sẽ khởi động và giữ nguyên tốc độ và lao đến mục tiêu. NSM có tầm bắn khoảng 160km.

Với tên lửa NSM, F-35 sở hữu đòn đánh biển cực nguy hiểm.

Đại diện của Kongsberg cho biết, không giống với tên lửa như P-800 Oniks của Nga, có thể đạt tốc độ Mach 2.5, NSM không có tốc độ siêu thanh nhưng họ tin rằng trong chiến tranh hiện đại, "tên lửa thông minh sẽ hiệu quả hơn tên lửa có tốc độ bay nhanh".

Theo giải thích, thay vì cố vượt qua lưới phòng không của đối phương nhờ tốc độ cao, Kongsberg chọn giải pháp tàng hình và khiến radar đối phương bị mù trước đòn tấn công.

Ngoài ra, NSM còn tạo nên sự khác biệt rất lớn với hầu hết các tên lửa chống hạm hiện có. Theo nhà sản xuất, phần lớn các tên lửa chống hạm trên thế giới ngày nay sử dụng một thiết bị radar chủ động để định vị mục tiêu. Mặc dù rất hiệu quả, song việc tên lửa phát sóng vô tuyến khi nhằm vào mục tiêu sẽ khiến nó bị các thiết bị điện tử phát hiện.

Không được thiết kế như vậy, NSM sử dụng hệ thống cảm biến tia hồng ngoại. Ngoài ra, NSM sẽ chủ động đối hướng bay lên cao để tránh các loại vũ khí phòng vệ tầm gần của các tàu chiến.

Trước khi tiếp cận mục tiêu, hệ thống đặc biệt của NSM sẽ tự xác định điểm yếu của mục tiêu để tung ra cú đánh hiệu quả nhất. Để tăng cường khả năng xuyên phá, tên lửa được lắp đặt một đầu đạn nổ nặng 125kg, có vỏ ngoài làm bằng titan.

Vũ khí xịn không giúp F-35 hết tai tiếng

Dù tương lai F-35 có thể được trang bị tên lửa chống hạm thế hệ 5 NSM nhưng chừng ấy chưa đủ khiến máy bay này trở nên an toàn và tin cậy hơn khi nó vẫn tiếp tục lộ thêm điểm yếu mới. Theo CNN, trong buổi lễ bàn giao 2 chiếc F-35 đầu tiên cho khách hàng Israel đã bị kéo dài nhiều giờ do máy bay này không thể cất cánh trong điều kiện thời tiết xấu.

Buổi lễ cũng có sự góp mặt của Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu và Tổng thống Israel Reuven Rivlin. "Máy bay này sẽ thay đổi hoàn toàn sức mạnh quân sự của đất nước. Trong khu vực Trung Đông, anh phải là người mạnh nhất", ông Rivlin phát biểu trong buổi lễ.

Khoang lái tiện nghi của F-35.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã tỏ ra vui mừng khi bàn giao hai phi cơ F-35 cho Israel. "Việc giao máy bay F-35, phi cơ chiến đấu lợi hại nhất hiện nay, cho Israel là minh chứng rõ nét thể hiện sự cam kết của Hoa Kỳ đối với an ninh Israel".

Tuy nhiên, thời tiết xấu đã khiến cặp F-35 này phải mất sáu tiếng đồng hồ sau đó mới có thể hạ cánh xuống Israel. Và như vậy, sau sự cố sợ sét, F-35 lại tiếp tục lộ thêm điểm yếu khi nó chỉ có thể hoạt động trơn tru trong điều kiện "trời quang mây tạnh".

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên F-35 gặp sự cố với gió, trang Aviation Week dẫn nguồn tin Không quân Mỹ cho biết, chiếc F-35A bốc cháy hôm 23/9 là do lửa từ động cơ đã tự đốt cháy phần sau của máy bay vì gió thổi.

Tuyên bố này được Không quân Mỹ đưa ra ngày 25/9, gió mạnh thổi từ phía sau là thủ phạm khiến chiếc F-35A bốc cháy ngay trên trên đường băng, tuy nhiên đám cháy được dập tắt nhanh chóng.

Theo kết quả điều tra cho thấy, ống xả của máy bay đã bắt lửa khi động cơ khởi động do bị gió thổi tạt mạnh từ đằng sau với vận tốc 70 km/h. Nhà sản xuất cho biết, nhiều khả năng cặn nhiên liệu chưa cháy hết bám trong ống xả đã bốc cháy, khi ngọn lửa do động cơ phản lực phụt ra bị gió thổi ngược trở lại.

Trước khi xảy ra sự cố này, Không quân Mỹ đã quyết định thu hồi hàng loạt F-35 do phát sinh lỗi khi mới được đưa vào trang bị khoảng 1 tháng.

Theo giới chức Không quân Mỹ, tổng cộng 57 chiếc F-35A bị ảnh hưởng, trong đó 13 máy bay đã được đưa vào biên chế và những chiếc còn lại hiện vẫn trong dây chuyền sản xuất. Không quân Mỹ đã buộc phải tạm dừng hoạt động tất cả các máy bay F-35 hiện có.

Các chuyên gia Mỹ từng cho rằng, những sự cố là điều không thể tránh khỏi đối với bất cứ dự án phát triển chiến đấu cơ thế hệ mới nào, đặc biệt là đối với siêu tiêm kích F-35 thì càng dễ hiểu, bởi nó được tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến và phức tạp hàng đầu thế giới.

Theo nguồn tin, các siêu tiêm kích của Mỹ đã xuất hiện vấn đề nghiêm trọng với thùng chứa nhiên liệu, hay nói đúng hơn, các lớp vật liệu cách nhiệt trong hệ thống làm mát của khoang nhiên liệu máy bay không thể sử dụng bình thường được.

Điều hiển nhiên là tất cả mọi thứ liên quan với hệ thống nhiên liệu đều rất nghiêm trọng. Trong khi đó, chương trình chế tạo F-35 đã tiêu tốn khoảng 1,5 nghìn tỷ USD (kể cả lạm phát), để trở thành chương trình sản xuất vũ khí đắt đỏ nhất trên toàn thế giới.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/vu-khi-na-uy-cuu-tinh-cho-f-35-3324971/