Vụ kiện Biển Đông: Kịch bản nào cho phán quyết của PCA?

Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sẽ ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện Biển Đông vào ngày 12/7 tới, và dường như thật khó dự đoán kết quả cuối cùng.

Căng thẳng Biển Đông ngày càng leo thang khi PCA chuẩn bị công bố phán quyết cuối cùng.

Thông thường, việc thực thi luật pháp quốc tế sẽ được chia thành 2 hướng: Tuân thủ vì các nước muốn tuân theo các chuẩn mực hoặc hành vi, sợ bị lên án, mất danh tiếng; hoặc đơn giản là vì lo ngại các hình phạt, cấm vận quốc tế. Tuy nhiên, có vẻ như Trung Quốc sẽ không vì một trong các lý do chính ở trên mà chấp nhận phán quyết của PCA.

Bối cảnh

TQ ngang nhiên tuyên bố chủ quyền Biển Đông, chồng chéo lên chủ quyền của Việt Nam, Philippines, Malaysai và Brunei với lý luận "đường chín gạch” hay “đường lưỡi bò”.

Chính phủ Philippines đã khởi kiện lên PCA vì 3 lý do sau:

Thứ nhất, Philippines khẳng định tuyên bố về “đường lưỡi bò” của TQ không hợp lệ và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển.

Thứ hai, Philippines muốn PCA xác định rõ ràng địa điểm nào trên biển Đông được gọi là đảo, rạn đá ngầm, bãi cạn nửa chìm nửa nổi, hoặc bãi chìm.

Điều này có vẻ không quan trọng, tuy nhiên theo Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS), mỗi một địa điểm với tên gọi khác nhau sẽ gắn liền với những quyền khác nhau ở vùng biển xung quanh nó.

Chẳng hạn, vùng biển 200 hải lý quanh một địa điểm được gọi là đảo sẽ là vùng đặc quyền kinh tế của nước có chủ quyền đảo đó, nước đó có quyền kiểm soát hoàn toàn mọi nguồn tài nguyên trong vùng biển đó chẳng hạn cá, dầu, khí. Chú ý là PCA không có quyền ra quyết định về vấn đề chủ quyền của các đảo, đá… ở biển Đông. UNCLOS chỉ có thể giúp xác định quyền kiểm soát các vùng biển bao quanh các đảo, đá… này.

Quan trọng hơn nữa, theo UNCLOS, các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo và xây dựng sẽ không được tính.

Thứ ba, Philippines tuyên bố rằng TQ đã vi phạm quy ước bằng cách ngăn chặn ngư dân Philippines theo kiếm sống ở Scarborough Shoal, làm tổn hại đến môi trường biển trong phạm vi lãnh thổ của Philippines, và thực hiện "hoạt động nguy hiểm" đối với ngư dân Philippines.

Phía Bắc Kinh bác bỏ quan điểm của Philippines và đưa ra “bằng chứng lịch sử” là tài liệu cũ kỹ vô căn cứ và khăng khăng khẳng định trái phép chủ quyền.

Dự đoán về phản ứng của TQ sau phán quyết

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, PCA sẽ nghiêng về phía Philippines, đưa ra phán quyết bất lợi cho TQ. Chắc chắn rằng ngay sau đó TQ sẽ phủ nhập hoàn toàn phán quyết của Tòa, cho rằng không hợp lệ, kêu gọi sự ủng hộ của nhiều quốc gia khác ủng hộ lập trường của mình.

National Interest tiến hành phân tích và đưa ra 3 phản ứng khả quan nhất.

+ Im lặng: Đây là khả năng khó xảy ra nhất. Theo kịch bản này, Bắc Kinh sẽ xuống thang và tự hiểu về cái giá phải trả cho sự ngang ngược của mình về phương diện danh tiếng trên trường quốc tế. Từ đó, TQ sẽ phải tìm cách chứng minh quan điểm của mình theo Công ước LHQ về Luật biển.

Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ xây dựng Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.

+ Thiết lập ADIZ: Một kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất khi TQ quyết định áp dụng phản ứng mạnh mẽ hơn để củng cố tuyên bố của mình. Bắc Kinh đã từng tuyên bố sẽ thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông từ thời gian trước. TQ cũng có thể bắt đầu thiết lập ở khu vực chiếm giữ hiện tại hoặc mở rộng để khiêu khích, thậm chí trên bãi cạn Scarborough.

+ Lôi kéo Tổng thống Philippines và gia tăng sức ép: Nhiều khả năng TQ sẽ tận dụng điểm yếu trong tính cách của Tổng thống Rodrigo Duterte – một người bốc đồng và không quyết đoán để tiếp tục kêu gọi chính phủ Philippines lờ đi phán quyết Biển Đông, chấp nhận đàm phán song phương;

TQ cũng có thể gia tăng sức ép bằng cách gây ảnh hưởng nhiều trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để ngăn chặn nỗ lực của các quốc gia này trong việc gây áp lực với Trung Quốc;

Mặt khác, với sự phi lý và ngang ngược của mình, rất có thể TQ sẽ bất chấp tất cả, tiếp tục khiêu khích trên Biển Đông bằng cách gửi tàu tuần tra, xây dựng các căn cứ quân sự trái phép…

Dù sao, sau phán quyết của PCA, tình hình châu Á nói chung và khu vực Biển Đông nói riêng chắc chắn sẽ rất căng thẳng, không loại trừ khả năng cho một cuộc chiến vũ trang.

Tuy vậy, chắc chắn rằng dù ít hay nhiều TQ cũng sẽ phải trả giá cho sự ngang ngược của mình. LHQ, châu Âu và Hoa Kỳ đều sẽ gửi một thông điệp quan trọng đến Bắc Kinh. Thái độ phớt lờ phán quyết của TQ sẽ được coi như hành động thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế. Cho dù, TQ cố tình nạo vét, xây dựng nhằm gia tăng sức mạnh ở khu vực, cộng đồng quốc tế chắc chắn sẽ áp đặt những biện pháp phong tỏa cả về kinh tế, ngoại giao và quân sự.

Phương Lam

(Theo National Interest/ Baotinnhanh)

Nguồn TT&CL: http://trithuccongluan.com.vn/the-gioi/7214-vu-kien-bien-dong-kich-ban-nao-cho-phan-quyet-cua-pca.html