Vụ Liên kết Việt lừa 60.000 người: Tại sao Bộ Công thương không lên tiếng sớm?

Ngày 22/12/2014 Liên kết Việt được cấp phép, tháng 7/2015 Bộ Công Thương đã vào cuộc kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp, xử phạt 570 triệu đồng nhưng tại thời điểm này Bộ Công Thương đã không công khai thông tin xử phạt.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải trả lời báo chí bên lề cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ. Ảnh: N.Thảo

Bên lề cuộc họp thường kỳ Chính phủ diễn ra chiều 29/2, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã trả lời những câu hỏi liên quan đến vụ Công ty Liên kết Việt lừa đảo 60.000 người.

Cuối tháng 12/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra C46, Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam Lê Xuân Giang trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên kết Việt).

Thứ trưởng Hải cho biết, công ty Liên kết Việt được Sở Công Thương Hà Nội cấp Giấy chứng nhận thực hiện bán hàng đa cấp vào ngày 10/2/2014. Từ ngày 1/7/2014, việc đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp được chuyển từ các Sở Công Thương về Bộ Công Thương (Cục Quản lý cạnh tranh) theo Nghị định 42/2014/NĐ-CP. Cục Quản lý cạnh tranh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho Công ty Liên Kết Việt ngày 22/12/2014.

Theo Thứ trưởng Hải, 7 tháng kể từ khi cấp Giấy chứng nhận kể trên, Cục Quản lý cạnh tranh đã trực tiếp đi kiểm tra và phát hiện công ty này có 5 – 6 điểm các nội dung vi phạm pháp luật quy định.

Cụ thể, vi phạm các vấn đề liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp, không thực hiện thủ tục cấp sửa đổi bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, cung cấp thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng về công dụng sản phẩm và duy trì nhiều hơn 1 vị trí kinh doanh đa cấp theo quy định…. Theo đó, Bộ Công Thương và Cục đã xử lý nghiêm khắc và phạt 570 triệu đồng.

Thứ trưởng Hải cho biết, Bộ Công Thương đã trực tiếp chủ động phối hợp Bộ Công an, trực tiếp là C46 tổ chức đoàn kiểm tra, trưởng đoàn là Bộ Công Thương với một số thành viên khác, trực tiếp vào công ty và phát hiện ra vi phạm.

Trong thời gian từ khi hoạt động và xảy ra vụ việc là hơn 1 năm. Tháng 2 vừa rồi theo Bộ Công an đã có lệnh bắt tạm giam các đối tượng này.

“Quay lại việc này cho thấy cần phải làm tốt hơn, mặc dù kinh doanh đa cấp là hợp pháp và cho phép của pháp luật nhưng sự phối hợp của Bộ Công an và các địa phương các cấp, hiện với sự phân cấp tới các chính quyền địa phương, các lực lượng quản lý thị trường, công an, kể cả cơ quan y tế, xác định sản phẩm này có đúng với giới thiệu hay không, thì cần phải làm rõ”, Thứ trưởng Hải nói.

Đồng thời, theo Thứ trưởng phải rà soát lại, mặc dù Nghị định mới ban hành, nhưng cần xem còn kẽ hở nào. “Chúng tôi khẳng định Liên kết Việt có hành vi lừa đảo chứ không phải thực hiện kinh doanh đa cấp mà gây ra việc này. Đây là tội danh mà C46 đã khởi tố thực hiện theo pháp luật”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng, Bộ Công Thương sức lo lắng đến quyền lợi của các người tham gia và không phải con số hơn 1.900 tỷ đồng do Tổng giám đốc nắm giữ số tiền đó mà được chi tiền hoa hồng rất nhiều và ở nhiều cấp. Tuy nhiên, mức độ như thế nào cơ quan điều tra sẽ có kết luận cuối cùng.

“Chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan đơn vị chức năng tại các địa phương, phải có vai trò quan trọng. Với số lượng như hiện nay mấy chục nghìn người tham gia, ở nhiều địa phương, tại sao các cơ quan lại không vào cuộc để ngăn ngừa và cảnh báo?”, Thứ trưởng đặt câu hỏi.

Đồng thời cho rằng, ngay cả những người khi tham gia vào hoạt động đa cấp phải nhìn rõ hoạt động đa cấp từng mặt hàng nhất định, liệu có bị xâm phạm vào quyền lợi của chính mình hay không, có hành vi nào vi phạm thì phải thông báo cho cơ quan chức năng, trên là ở Bộ Công Thương dưới là các cơ quan chính quyền.

Tuy nhiên, ngay sau đó, phóng viên đã hỏi ngược lại Thứ trưởng: “Tại sao báo chí đã vào cuộc nửa năm, giờ Bộ Công Thương mới ra quyết định xử phạt hành chính? Tại sao Bộ không lên tiếng sớm, nếu lên tiếng sớm thì không rơi vào bi kịch?”

Thứ trưởng phản hồi rằng, cần xem lại chính xác là ngày 22/12 mới cấp phép và tháng 7 Bộ Công Thương đã vào cuộc. “Như vậy với một doanh nghiệp mới đi vào hoạt động mà chúng tôi xử lý như vậy không thể nói là chậm trễ được”, Thứ trưởng Hải trả lời.

Thứ hai, theo Thứ trưởng xử phạt 570 triệu các hành vi vi phạm của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật còn việc công ty có hành vi vi phạm Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Bộ Công an xử lý trong vòng chưa đến 1 năm.

NGUYỄN THẢO

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/vu-lien-ket-viet-lua-60000-nguoi-tai-sao-bo-cong-thuong-khong-len-tieng-som-1612211.html