Vụ lở núi làm 4 người chết tại Nha Trang: Trách nhiệm thuộc về ai?

Nói về vụ lở núi làm 10 người thương vong vào rạng sáng 20/12, nhiều người dân sống dưới chân núi bức xúc cho rằng, nếu không có tình trạng khoét núi, khai thác đất đá trái phép, nếu chính quyền quyết tâm xử lý rốt ráo thì có thể vụ việc đau lòng trên đã không xảy ra.

Lực lượng cứu hộ đang hỗ trợ người dân tìm đồ đạc bị vùi lấp trong đất đá. Ảnh: Zing

Bầu trời đã hửng nắng ở khu dân cư dưới chân núi Phi Châu, xã Phước Đồng, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, không khí ở đây vẫn ảm đạm, tang thương sau sự ra đi đột ngột của 4 người dân trong xóm do vụ lở núi kinh hoàng vào rạng sáng 20/12.

Người dân dưới chân núi cho rằng, nguyên nhân sâu xa của vụ sạt lở núi kinh hoàng không phải chỉ đơn thuần là do mưa lũ, mà là do chính bàn tay và khối óc con người đã gây ra thảm cảnh trên.

Với khuôn mặt buồn, vẫn còn chút gì đó thất thần, anh Trần Văn Tuấn (người có nhà bị sập do sạt lở núi) chia sẻ: Nguyên nhân của vụ núi lở vừa qua là do tình trạng khoét núi, khai thác đất, đá trái phép đã diễn ra từ lâu ở đây.

Anh Tuấn cho biết thêm, sự việc đã được báo lên chính quyền nhưng rồi đâu lại vào đó. “Chúng tôi biết việc làm này sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, nhưng đành lực bất tòng tâm”.

Trong khi đó, anh Trần Xuân Duy (42 tuổi, có nhà bị ảnh hưởng) buồn bã nói: Từ chiều hôm trước khi vụ việc xảy ra chúng tôi đã họp nhau lại để cùng bàn phương án phòng tránh, vì chúng tôi nghĩ việc núi lở, đất đá lăn xuống chỉ là vấn đề thời gian.

Tuy nhiên, khi mà những phương án của anh Duy và những người dân nghèo nơi chân núi chưa được triển khai thì vào lúc 1h sáng 20/12, những âm thanh đùng...đùng, rồi ào...ào... xuất hiện. Ngay sau đó, nhiều khối đất, đá từ trên núi ào xuống. Vụ việc diễn ra quá nhanh, mặc cho sự hô hoán thông báo của nhiều người, 10 người (chủ yếu là người già và trẻ em) do sức yếu không chạy kịp ra khỏi nhà nên đã bị đất đá vùi lấp. 4 người trong số đó đã vĩnh viễn ra đi, trong số này có một nạn nhân đang là sinh viên trường y và một bé mới chỉ 4 tuổi.

Nói về những bức xúc của người dân, trao đổi với báo chí, ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đồng ý cho rằng một phần nguyên nhân gây sạt lở núi là do tình trạng chẻ đá, khoét núi lấy đất đổ vào các công trình xây dựng trong thời gian qua.

Ông Thiên nhận định: “Khi chân núi bị hổng, áp lực từ trên đè xuống cộng với mưa rất lớn trong những ngày gần đây là nguyên nhân gây nên sạt lở”.

Như vậy, nếu đúng như những gì mà ông Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa trả lời với báo chí, rõ ràng cơ quan chức năng Tỉnh cũng đã đoán được nguy cơ sẽ xảy ra hiện tượng sạt lở núi, đe dọa an toàn tính mạng và tài sản của người dân sống dưới chân núi.

Vậy tại sao trong tình hình mưa lũ với nhiều diễn biến phức tạp vừa qua, Tỉnh lại không di dời, sơ tán những hộ dân sống dưới “quả bom nổ chậm” ấy?

Bốn người đã vĩnh viễn ra đi, sáu người thì đang giành giật sự sống cho mình trong bệnh viện; nhiều gia đình mất nhà cửa, cuộc sống phía trước là một màu ảm đạm; tổn thất tinh thần của người thân những nạn nhân xấu số thì làm sao có từ ngữ nào diễn tả được?

Vậy cá nhân, đơn vị nào sẽ đứng ra chịu trách nhiệm cho những hậu quả, tổn thất nặng nề trên của người dân xã Phước Đồng?

Đặng Lý

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/vu-lo-nui-lam-4-nguoi-chet-tai-nha-trang-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-d51956.html