Vụ mất 400 tỷ tại OceanBank Hải Phòng: Luật sư luận tội 3 bị can

Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái – Giám đốc Công ty luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, nếu 3 bị can gây thất thoát 400 tỷ đồng tại OceanBank CN Hải Phòng sẽ phải bồi thường thiệt hại, chịu trách nhiệm hình sự.

Như tin tức đã đưa,17 khách hàng của Ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên Đại Dương (OceanBank) Chi nhánh Hải Phòng đã có đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng về việc trong suốt thời gian từ năm 2012 đến nay, họ đã mang tiền tiết kiệm của gia đình đến gửi tại ngân hàng này, được nhân viên hướng dẫn mọi thủ tục và được trao sổ tiết kiệm.

Tuy nhiên, vào khoảng đầu tháng 9/2017, những khách hàng này mang sổ tiết kiệm đến ngân hàng để rút tiền thì được nhận được thông báo báo số tiền gửi trước đó không có trong hệ thống.Tổng số tiền biến mất rơi vào khoảng 400 tỷ đồng.

Ngay sau đó, lãnh đạo và nhiều cán bộ của OceanBank chi nhánh Hải Phòng có liên quan đến vụ việc bỗng nhiên vắng mặt tại cơ quan và không thể liên lạc được.

OceanBank xác minh, một số người có Thẻ tiết kiệm có số tiền chênh lệch ghi trên Thẻ tiết kiệm với số tiền theo dõi hạch toán trên hệ thống corebanking và Thẻ tiết kiệm không có tên khách hàng/không có hạch toán trong hệ thống corebanking của OceanBank. Qua xác minh ban đầu, sự viện gian dối này bắt đầu phát sinh từ năm 2012.

Hiện cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố, truy nã toàn quốc 3 đối tượng: Trần Thị Kim Chi – nguyên Giám đốc Chi nhánh, Nguyễn Thị Minh Huệ - nguyên Trưởng phòng Kế toán kho quỹ, Lê Vương Hoàng – nguyên Kiểm soát viên kế toán

Chiều 19/9, phóng viên báo Doanh nghiệp Việt Nam đã phỏng vấn luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp (Đoàn luật sư Hà Nội) để làm sáng tỏ về vụ việc.

PV: Thưa luật sư, Giám đốc OceanBank Hải Phòng và hai cán bộ ngân hàng vi phạm thế nào trong hoạt động tín dụng của ngân hàng?

Luật sư Nguyễn Hồng Thái: Trong trường hợp Thẻ tiết kiệm không có tên khách hàng/không có hạch toán trong hệ thống corebanking của OceanBank thì trách nhiệm thuộc về cá nhân những cán bộ đã thực hiện thủ tục cấp sổ tiết kiệm và trực tiếp tham gia vào việc nhận tiền từ các khách hàng đến giao dịch.

Các đổi tượng làm việc tại Ocean bank có thể bị truy nã và khởi tố về các tội:

1. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức

Các đối tượng này có thể đã làm giả các chứng từ, tài liệu để cấp sổ tiết kiệm cho khách hàng, các chứng từ giao dịch tại ngân hàng.

Điều 267, Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, theo đó:

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.

2. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Điều 139, Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưnggây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đếnhai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Ngoài ra cần xem xét trách nhiệm của ngân hàng OCEANBANK trong trường hợp thiếu trách nhiệm để nhân viên làm trái quy định, gây tổn thất cho khách hàng. Không nắm bắt tình hình, không sát sao trong công tác quản lý.

PV: Tổ chức, cá nhân khi gây ra tổn thất lớn, thất thoát 400 tỷ trong tài khoản của OceanBank Hải Phòng sẽ chịu trách nhiệm thế nào, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Hồng Thái: Theo điều 554 Bộ luật Dân sự 2015: "Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công"

Theo quy định tại Điều 557 nghĩa vụ của bên giữ tài sản:

1.Bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ

2. Chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản nếu việc thay đổi là cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó, nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi.
3. Thông báo kịp thời cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó và yêu cầu bên gửi cho biết cách giải quyết trong một thời hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên gửi không trả lời thì bên giữ có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản và yêu cầu bên gửi thanh toán chi phí.
4. Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 557 Bộ Luật dân sự 2015 thì tổ chức, cá nhân gây ra tổn thất, thất thoát 400 tỷ đồng sẽ phải bồi thường thiệt hại do có hành vi sai phạm gây ra. Ngoài ra, tùy theo mức độ thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

PV: Thưa luật sư, giám đốc OceanBank chi nhánh Hải phòng và 2 thuộc cấp sẽ lĩnh mức án ra sao?

Luật sư Nguyễn Hồng Thái: Theo quy định tại khoản 4 Điều 139, Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đếnhai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Như vậy, theo quy định của luật, có thể xử mức cao nhất là chung thân, tử hình.

PV: Luật sư có khuyến cáo gì cho khách hàng gửi tiết kiệm tại các ngân hàng?

Luật sư Nguyễn Hồng Thái: Để đảm bảo an toàn pháp lý, tránh gặp rủi ro trong việc gửi tiết kiêm ngân hàng, khách hàng cần lưu ý:

Nên mở tại khoản ngân hàng tại quầy giao dịch

Camera an ninh trong ngân hàng sẽ ghi lại hình ảnh thực hiện thủ tục mở tài khoản tiết kiệm. Trong trường hợp có tranh chấp xảy ra, đây là một bằng chứng chứng minh cho việc khách hàng có giao dịch và ngân hàng phải trả tiền cho khách hàng trong trường hợp nhân viên ngân hàng cố ý chiếm đoạt tài sản.

Cần giữ sổ cần thận, tránh để mất mát sổ tiết kiệm hay gửi sổ tiết kiệm cho ngân hàng

Một số trường hợp, nhân viên ngân hàng tự ý làm giả giấy tờ, chữ lý để chiếm đoạt tiền gửi tiết kiệm của khách hàng, chính vì thế khách hàng giao dịch tại ngân hàng nên giữ sổ và bảo quản sổ cần thận.

Trong trường hợp bị mất sổ tiết kiệm, khách hàng ngay lập tức báo cho ngân hàng mình gửi tiết kiệm để tránh bị giải mạo giấy tờ tùy thân hay chữ ký để rút tiền ra khỏi tài khoản tiết kiệm.

Không ký sẵn vào bất cứ chứng từ nào

Ký sẵn vào bất kỳ giấy tờ nào là điều chứa ẩn rất nhiều rủi ro pháp lý, nhất là trong hoạt động tín dụng. Khách hàng tham gia giao dịch không được vì quá tin tưởng vào nhân viên giao dịch trong ngân hàng mà ký sẵn vào bất cứ chứng từ, tài liệu nào. Trong thực tế đã có nhiều trường hợp khách hàng mất tiền bở ký sẵn các loại chứng từ.

Nên sử dụng dịch vụ thông báo thông tin tài khoản qua điện thoại

Bạn nên sử dụng dịch vụ Internet Banking hoặc Mobile Banking để kiểm tra và theo dõi việc tăng giảm các khoản tiền gửi tiết kiệm của bạn. Theo nguyên tắc khi bạn nhận được thông báo số tiền gửi qua một trong hai dịch vụ trên có nghĩa là tiền đã vào hệ thống ngân hàng và ngân hàng phải chịu trách nhiệm hoàn trả tiền trong trường hợp nhân viên ngân hàng chiếm đoạt tiền của bạn.

Trân Châu

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/vu-mat-400-ty-tai-oceanbank-hai-phong-luat-su-luan-toi-3-bi-can-d108950.html