Vụ người lao động Việt Nam ở Angola bị sát hại: Lao động 'chui' gặp rất nhiều rủi ro

Vụ việc một lao động Việt Nam ở Angola bị cướp và bị tẩm xăng đốt đến chết hôm 7.12 đang gây xôn xao dư luận. Như vậy tính từ tháng 10.2015 đến nay đã có 4 trường hợp người lao động Việt Nam tại Angola bị cướp và bị sát hại. Tuy nhiên, lo ngại nhất là những lao động xuất khẩu chui có nguy cơ gặp nhiều rủi ro hơn do không được pháp luật nước sở tại bảo vệ.

Nạn nhân Đặng Quốc Nghĩa (44 tuổi, quê xã Cẩm Nam, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) tử vong hồi đầu năm 2016 do bị cướp bắn và đánh ở Angola khiến mẹ và vợ khóc ngất khi nhận hung tin.

Có đối tác nước ngoài không đảm bảo

Trên thực tế, các quốc gia/vùng lãnh thổ đều có quy định riêng và khá chi tiết về các điều kiện đối với lao động nước ngoài đến làm việc. Ngoài ra, để được đi làm việc tại nước ngoài, lao động Việt Nam cũng phải trải qua quá trình tuyển chọn, kiểm tra trong nước. Tuy nhiên, đa số các quy định, yêu cầu chỉ được các công ty, doanh nghiệp được sự quản lý của cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc; trong khi đó rất nhiều điều kiện, quy định tối thiểu có thể dễ dàng bị “cho qua” khi đơn vị tuyển chọn lao động là những doanh nghiệp “chui” và tự móc nối với các tổ chức, doanh nghiệp nước sở tại. Điều đáng nói là với các yêu cầu sơ sài, chi phí thấp nhằm cạnh tranh và thời gian chờ đợi được rút ngắn, các thông báo tuyển người đi làm việc tại nước ngoài tràn lan khắp nơi và thu hút lượng lao động không nhỏ. Từ thực tế tuyển chọn “xô bồ” đó, cộng với đối tác nước ngoài không đảm bảo, dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó một trong những vấn đề nổi cộm nhất là tình trạng mất an toàn lao động.

Ông Nguyễn Anh Thơ - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) - cho biết, trên thực tế cục này chỉ phối hợp xây dựng tài liệu về an toàn lao động để tập huấn cho lao động Việt Nam trước khi họ đi làm việc tại nước ngoài. Các tài liệu tập huấn có nội dung về kỹ năng làm việc an toàn và có tham khảo nguyên tắc an toàn lao động của các quốc gia khác. Ngoài ra, nhiều nước là thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam có xây dựng riêng các quy định, quy chuẩn và sẵn sàng cung cấp để Việt Nam tập huấn cho người lao động trước khi họ đi làm việc tại nước ngoài. Trong đó, Hàn Quốc là quốc gia tiêu biểu về xây dựng riêng quy định an toàn lao động cho người lao động nước ngoài.

Cũng theo ông Thơ, về nguyên tắc các công ty xuất khẩu lao động có đào tạo, tập huấn cho người lao động trước khi đi và đây là một trong những yêu cầu bắt buộc. Thậm chí, khi sang đến nước sở tại, người lao động được đào tạo lại để đảm bảo đúng yêu cầu của công việc cụ thể mà họ đảm nhiệm.

Phức tạp ở thị trường “điểm nóng”

Ngoài những thị trường lớn, đảm bảo khá tốt và yêu cầu chặt chẽ về thi tuyển, đảm bảo an toàn lao động cho người nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc,… hiện, lao động Việt Nam vẫn chấp nhận đi làm việc tại nhiều thị trường khá “nguy hiểm” - trong đó đa số là các nước khu vực Châu Phi, Trung Đông… có trình độ kinh tế - xã hội chưa phát triển hoặc bất ổn về chính trị.

Theo đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện lao động Việt Nam làm việc tại Angola dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có cả chuyên gia và lao động phổ thông. Các chuyên gia Việt Nam làm việc tại Angola là các chuyên gia trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp và giáo dục đã sang Angola làm việc theo các thỏa thuận về hợp tác lao động đã ký giữa hai Chính phủ từ nhiều năm trước. Ngoài ra, một bộ phận nhỏ lao động phổ thông Việt Nam sang làm việc tại Angola thông qua các doanh nghiệp đã được Bộ LĐTBXH cấp phép. Đến nay, 6 doanh nghiệp được Cục Quản lý lao động ngoài nước cho phép tham gia thí điểm đưa lao động sang làm việc tại Angola gồm: HLC, VTC Corp, Oleco, Taylor, IMS, Labcoop. Các doanh nghiệp này đã đưa được 251 lao động sang làm việc tại thị trường này, cho đến nay chỉ còn 34 lao động Việt Nam đang làm việc theo hợp đồng tại Angola.

Tuy nhiên, hiện tồn tại số lượng tương đối lớn lao động Việt Nam đi làm việc tại Angola theo kênh không chính thức. Đây là những lao động phổ thông sang Angola bằng visa du lịch và ở lại làm việc trái phép. Những lao động bất hợp pháp này tại nước sở tại sẽ có nhiều nguy cơ gặp những rủi ro do không được pháp luật nước sở tại bảo vệ, kể cả khi bị chủ sử dụng ngược đãi, không trả lương hoặc trả lương thấp hơn quy định, hay khi điều kiện ăn ở và làm việc không đảm bảo…; không được hưởng trợ cấp thôi việc khi bị sa thải, bảo hiểm y tế khi bị bệnh tật hay ốm đau, bảo hiểm rủi ro khi gặp rủi ro, tai nạn… Những lao động Việt tại Angola tử vong đã làm “đau đầu” không chỉ nước sở tại mà cả cơ quan hữu quan trong nước.

QUỲNH CHI

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/vu-nguoi-lao-dong-viet-nam-o-angola-bi-sat-hai-lao-dong-chui-gap-rat-nhieu-rui-ro-620325.bld