Vụ nhận chìm: Xây kè nhốt bùn cát nạo vét?

Việc xử lý vật chất nạo vét phải đảm bảo không tác động, không gây bất cứ tổn hại nào đến môi trường và tận dụng được hiệu quả kinh tế.

Liên quan đến dự án nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát nạo vét xuống vùng biển Tuy Phong mà Bộ TN-MT đã cấp giấy phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân, ngày 5/8, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đã có cuộc trao đổi với báo Pháp luật TP.HCM.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: "Quan điểm của tỉnh là việc xử lý vật chất nạo vét phải đảm bảo không tác động, không gây bất cứ tổn hại nào đến môi trường và tận dụng được hiệu quả kinh tế từ đó".

Bởi thế, tỉnh Bình Thuận đã có văn bản báo cáo trung ương, các bộ, ngành có liên quan và đề xuất Trung ương cho chủ trương tạm dừng việc tiếp tục cấp phép nhận chìm vật, chất nạo vét tại vùng biển tỉnh Bình Thuận; nghiên cứu, tìm phương án khả thi nhất để xử lý khối lượng vật, chất nạo vét, kể cả các phương án khác thay cho phương án nhận chìm.

Sơ đồ khu vực nhận chìm 1 triệu m3 bùn, cát xuống biển Vĩnh Tân. Ảnh: Zing

Sơ đồ khu vực nhận chìm 1 triệu m3 bùn, cát xuống biển Vĩnh Tân. Ảnh: Zing

Đề xuất này Bình Thuận xin áp dụng cho dự án xin phép nhận chìm 2,4 triệu m3 của Tổng Công ty phát điện 3 và cả dự án nhận chìm 1 triệu m3 của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đã được cấp phép.

Tuy nhiên, trước mắt, theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, cảng tổng hợp Vĩnh Tân có thể sẽ tiếp nhận khối lượng vật chất trên để có thể kịp tiến độ cho công trình trọng điểm nên ưu tiên giải quyết gần 1 triệu m3 vật chất của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 trước.

Đối với hồ sơ dự án của Tổng Công ty Phát điện 3 xin phép nhận chìm 2,4 triệu m3 bùn, cát nạo vét luồng và vũng quay tàu cho các Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3, 4 và 4 mở rộng, tỉnh đã đề nghị Trung ương nghiên cứu tận dụng tối đa vào mục đích san lấp mặt bằng các công trình lấn biển lân cận.

Có thể làm kè bằng bê tông cốt thép để đưa khối lượng này vào san lấp các khu vực ven biển của tỉnh hiện nay đang bị sạt lở nghiêm trọng hoặc cho phép xuất khẩu cát nhiễm mặn nhằm tận dụng tối đa vật liệu san lấp, thay cho phương án nhận chìm.

Ông Hùng lưu ý, muốn đổ vật chất nạo vét phải xây kè để nhốt lại. Dự tính kinh phí là thế nhưng xây kè như thế nào các nhà chuyên môn sẽ tính toán, lựa chọn kết cấu kè phải phù hợp. Kè phải đảm bảo tiếp nhận, lưu giữ vật chất nạo vét không thẩm thấu ra môi trường biển.

"Theo quan điểm chủ quan của cá nhân tôi phải xem xét thật cẩn trọng, phải đánh giá chặt chẽ, đảm bảo theo đúng các quy định mới tiến hành làm", Bí thư Tỉnh ủy lưu ý.

Trao đổi với Đất Việt trước đó, PGS.TSKH Nguyễn Tác An, nguyên Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Hải dương học liên chính phủ của Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho rằng, phương án sử dụng vật chất sau nạo vét để lấn biển là một phương án hay.

Bản thân ông cũng nhiều lần chỉ rõ, vật chất sau nạo vét cũng là một dạng tài nguyên, do đó phải tìm cách khai thác. Chẳng hạn, có thể sử dụng làm đảo nhân tạo, xử lý xói lở, làm nền đường... Việc này sẽ tạo ra một lợi thế mới cho phát triển du lịch.

Vị chuyên gia cho biết thêm, Nhật Bản xử lý rất tốt vật chất sau nạo vét. Theo đó, sau khi đổ vật chất nạo vét lên một vị trí nhất định, người Nhật trồng những loại thực vật thích hợp để bảo vệ. Những cây này vẫn sinh trưởng bình thường và vài năm sau, khu vực này tự nhiên trở thành đất nền.

"Có rất nhiều phương án để xử lý vật chất sau nạo vét, không nhất thiết cứ phải nhận chìm ở biển", PGS.TS Nguyễn Tác An nói.

Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra vào ngày 3/8, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, việc sử dụng các vật liệu nạo vét để tái sử dụng cho vấn đề lấn biển, vấn đề phòng chống sạt lở bờ biển cần đánh giá bài bản vì đều có thể ảnh hưởng đến môi trường hoặc có thể không đảm bảo về kinh tế.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/vu-nhan-chim-xay-ke-nhot-bun-cat-nao-vet-3340577/