Vụ nổ súng cướp tiệm vàng tại Tây Ninh: Khởi tố 4 đối tượng

4 đối tượng đeo mặt nạ, mang găng tay đi trên xe máy đến trước tiệm vàng rồi dùng súng hơi cay bắn vỡ kính cướp đi nhiều nữ trang đắt tiền.

Liên quan tới vụ cướp tiệm vàng Kim Phụng (ấp Suối Cao A, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu) báo Công an nhân dân thông tin, chiều 21/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tây Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Đăng Khoa (26 tuổi), Lê Văn Phương (22 tuổi), Nguyễn Hồng Khắc (30 tuổi) và Võ Tấn Quốc (22 tuổi, cùng ngụ huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) về hành vi Cướp tài sản.

Trước đó, sáng 18/12, lực lượng Công an đã bắt giữ được Phương và Khoa. Biết không thoát tội, lúc 22h tối 18/12, hai đối tượng còn lại đã ra đầu thú.

Môt trong 4 đối tượng tại CQĐT - Ảnh: báo CAND

Như báo Tây Ninh đã thông tin trước đó, khoảng 13h30 ngày 16/12, một nhóm đối tượng đã dùng súng bắn đạn hơi cay xông vào cướp tiệm vàng Kim Phụng (ấp Suối Cao A, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu) giữa ban ngày.

Lợi dụng lúc đường vắng người qua lại, 4 đối tượng đeo khẩu trang bịt kín mặt đi trên 2 xe gắn máy đãnổ súng cướp vàng ở tiệm vàng Kim Phụng. Người dân chứng kiến vụ việc cho biết, khi 2 xe máy dừng lại trướctiệm vàng Kim Phụng thì 2 đối tượng ngồi sau xông vào tiệm vàng và nổ súng bắn vỡ tủ kính cướp đi nhiều vàng.

Nghe tiếng súng nổ, một số người dân chạy ra xem thì bị một kẻ đồng bọn ngồi trên xe máy móc mã tấu dọa chém.

Sau khi gây án, 2 đối tượng trên chạy ra xe máy của 2 đồng phạm đang nổ máy chờ sẵn bên ngoài cùng tẩu thoát. Do vội tấu thoát, bọn chúng làm rơi lại một số vàng và được người dân gom trả cho bị hại.

Ngay sau đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Gò Dầu đã có mặt để tiến hành điều tra, thống kê thiệt hại, khoanh vùng truy bắt các đối tượng.

Điều 133. Tội cướp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009):

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

(Tổng hợp)

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/phap-luat/an-ninh-hinh-su/dung-sung-cuop-tiem-vang-giua-ban-ngay-o-tay-ninh-a174617.html